Dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường đang được công bố để lấy ý kiến người dân.
Bộ Tư pháp vừa công bố để lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị đinh 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) đã được Chính phủ ban hành ngày 27.11.2006.
Dự thảo này đưa ra nhiều quy định ràng buộc nghĩa của người tham gia chơi hụi cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương mới mục tiêu hạn chế thấp nhất những vụ giật, vỡ hụi đã từng xảy ra trong thực tế.
Hụi - họ nhiều biến tướng
Theo Bộ Tư pháp, Nghị định 144 được ban hành trên cơ sở quy định tại Điều 479 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 với các quy định ghi nhận tập quán tốt đẹp, tương thân tương ái trong đời sống nhân dân.
Trải qua hơn 12 năm thi hành, Nghị định 144 đã góp phần xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện quyền dân sự của người dân trong xác lập, thực hiện các quan hệ về vay tài sản nói chung và về họ nói riêng.
Đến nay, bên cạnh quy định của Nghị định 144, BLDS năm 2015, quan hệ về họ còn được điều chỉnh gián tiếp bởi Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội cho vay nặng lãi), Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay)…
Bộ Tư pháp nhìn nhận nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng. Một số nơi việc chơi họ phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay nặng lãi.
Nhiều trường hợp chủ họ đã lợi dụng lòng tin của những người tham gia để chiếm đoạt tài sản, thực tế đã xảy ra một số vụ vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Nhung hầu tòa trong một vụ án vỡ hụi mới đây tại tỉnh Hậu Giang - Ảnh: TTO
Tình trạng này có nguyên nhân do nội dung Nghị định 144 có những hạn chế, bất cập nhất định như quy định về người tham gia họ, hình thức thỏa thuận họ, sổ họ, cơ chế kiểm soát họ, lãi suất họ… dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong công tác thi hành pháp luật.
Tiền họ mỗi kỳ không được quá 200 triệu?
Về tổng thể, dự thảo nghị định sửa đổi cũng gồm 5 chương, 32 điều như Nghị định 144.
Về nội dung, dự thảo bổ sung một số quy định có tính can thiệp ở mức độ nhất định của nhà nước về nguyên tắc tổ chức họ, về chủ họ, vai trò của chính quyền để đảm bảo quan hệ về họ được lành mạnh, tránh sự lạm dụng, biến tướng.
Cụ thể, khoản 2 Điều 6 của dự thảo đưa ra hai phương án quy định điều kiện của chủ họ:
1) "Một người được làm chủ họ của một hoặc nhiều dây họ tại cùng một thời điểm nếu tổng giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ của các dây họ không quá 200 triệu đồng, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây họ".
Phương án này nhằm hạn chế tình trạng một chủ họ đồng thời làm chủ một hoặc nhiều dây họ với giá trị lớn tiềm ẩn nguy cơ giật họ, vỡ họ.
2) "Một người được làm chủ họ không quá 2 dây họ tại cùng một thời điểm, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây họ".
Phương án này nhằm hạn chế một người làm chủ họ chuyên nghiệp, có thu nhập chính từ việc làm chủ họ từ đó dẫn đến nhiều biến tướng.
Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro, Điều 8 của dự thảo còn đưa ra phương án quy định dây họ phải được các thành viên thỏa thuận bằng văn bản. Nếu tổng số tiền một lần mở họ từ 100 triệu trở lên thì văn bản thoả thuận về dây họ phải được công chứng, chứng thực.
Đáng chú ý, Điều 15 và Điều 18 dự thảo đưa ra phương án quy định các dây họ có tổng số tiền của một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên thì người tham gia có quyền và chủ họ có nghĩa vụ phải thông báo đến UBND cấp xã nơi họ cư trú.
UBND cấp xã phải thống kê thông tin
Đồng thời, Điều 32 của dự thảo quy định UBND cấp xã phải có trách nhiệm thống kê thông tin về chủ họ, các dây họ có giá trị mỗi kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên.
Quy định này nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền giám sát, nắm bắt được diễn biến quan hệ về họ, có biện pháp xử lý kịp thời với những người làm chủ họ chuyên nghiệp, hạn chế được tình trạng vỡ họ gây mất trật tự ở địa phương.
Bạn đọc có thể xem toàn văn dự thảo vào đóng góp ý kiến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Theo Tuổi trẻ