Việc thành lập, duy trì hoạt động của các tổ thu gom rác ở Bình Giang đã góp phần giữ gìn làng, xóm xanh, sạch, đẹp, góp phần tích cực bảo vệ môi trường nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới.
Những ngày áp Tết chúng tôi về Bình Giang, đâu đâu cũng thấy không khí vui tươi, phấn khởi của nhân dân chuẩn bị đón một mùa Xuân mới. Trên các trục đường chính của thị trấn Kẻ Sặt, những băng-rôn chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và mừng Đảng, mừng xuân rực rỡ sắc màu. Trong không khí nhộn nhịp mua sắm những ngày cuối năm, nhiều người tấm tắc khen: “Đường sá bây giờ sạch đẹp thật!”. Chung niềm vui ấy, chúng tôi gặp bác Nguyễn Thị Hậu, người đã ở thị trấn Kẻ Sặt gần 60 năm nay cho biết: “Mấy năm trước đây trên các tuyến đường, ao, hồ, sông ngòi của thị trấn, rác vứt bừa bãi. Người dân quen xả rác theo kiểu “sạch nhà bẩn ngõ”. Đường làng, ngõ xóm chỗ nào cũng có thể trở thành điểm tập kết rác thải. Tình hình ô nhiễm môi trường ở thị trấn đã khiến nhiều người dân bức xúc, nhất là những người già như chúng tôi”. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, năm 2008, huyện Bình Giang đã khẩn trương xây dựng và thực hiện đề án “Thu gom, xử lý rác thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn”. Nhiều mô hình làng sạch ở Bình Giang đã hình thành.
|
Đến nay, huyện Bình Giang đã có gần 70 tổ vệ sinh môi trường, thu hútgần 300 người tham gia |
Xã Thái Học là một trong những điển hình về phong trào làng sạch ở Bình Giang. Những ngày đầu khi UBND xã Thái Học có dự định thành lập tổ vệ sinh môi trường ở các thôn, nhiều người dân không đồng tình do chưa có thói quen thu gom để rác đúng nơi quy định. Mỗi tháng, lại phải tốn kinh phí để đội vệ sinh môi trường hoạt động. Với quyết tâm xây dựng một xã văn hoá, UBND xã và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vận động, tuyên truyền để nhân dân nhận thức được ý nghĩa thiết thực của việc thu gom rác và vệ sinh môi trường. Tại xã Thái Học, mỗi thôn hiện có 1-2 tổ vệ sinh môi trường làm công tác thu gom rác 3 lần/tuần, dành 1-2 sào đất xa khu dân cư để làm nơi chôn lấp rác thải tập trung. Những gia đình chăn nuôi với quy mô từ 20-30 con lợn trở lên đều được xã vận động làm hầm bi-ô-ga. Nhờ có các tổ, đội vệ sinh nên đường làng, ngõ xóm ở xã Thái Học ngày càng sạch, đẹp. Người dân đã tự nguyện đóng góp 2 kg thóc/vụ để duy trì hoạt động của các tổ, đội vệ sinh. Hiện nay, tất cả đường liên thôn, liên xóm ở xã Thái Học đã được bê-tông hoá. Mỗi tuyến đường được tổ vệ sinh môi trường phân công cụ thể cho từng thành viên quản lý. Xã Thái Học có chợ Phủ hoạt động sầm uất quanh năm, lượng rác thải mỗi ngày tại chợ rất lớn nhưng luôn bảo đảm vệ sinh môi trường. Sau khi tan chợ, các tổ vệ sinh không quản ngại mưa gió, đêm khuya thu gom rác để hôm sau chợ được hoạt động bình thường. Nhờ làm tốt công tác vệ sinh môi trường mà từ lâu xã Thái Học không có dịch bệnh. Hiện toàn xã đã có gần 90% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Phong trào “làng sạch” trở thành một tiêu chí quan trọng để xã Thái Học phấn đấu đạt danh hiệu làng văn hoá.
Thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền được công nhận danh hiệu làng văn hoá từ năm 2005. Đến Bùi Xá hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của một làng quê điển hình về xây dựng nông thôn mới. Công tác vệ sinh môi trường ở đây do chi hội phụ nữ của thôn đảm nhiệm. Vào các ngày thứ 2, 4 và 6 hằng tuần, các chị em trong tổ vệ sinh của thôn thay nhau làm công tác giữ gìn làng xóm xanh, sạch, đẹp. Từ khi thôn được công nhận danh hiệu làng văn hoá, mọi tiêu chí đều được nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành, nhất là việc vệ sinh môi trường. Để làm tròn trách nhiệm của mình, các thành viên của tổ vệ sinh đều có lịch phân công cụ thể hằng tuần, không để rác tồn đọng đến ngày hôm sau.
Đến nay, toàn huyện Bình Giang đã có gần 70 tổ dịch vụ vệ sinh môi trường với gần 300 người tham gia. Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện thường xuyên phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt về bảo vệ môi trường như đổ rác đúng nơi quy định; các hộ chăn nuôi không xả trực tiếp nước thải ra ao, hồ, sông, ngòi…; hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật xử lý môi trường bằng cách xây hầm bi-ô-ga hoặc sử dụng chế phẩm EM để xử lý nước thải, rác thải trong chăn nuôi; xử lý các khu vực ao, hồ đã bị ô nhiễm... Để thực hiện đề án hiệu quả, huyện Bình Giang đã hỗ trợ mỗi thôn 5 triệu đồng mua xe chở rác và các dụng cụ, trang phục cần thiết cho các hoạt động thu gom rác hằng ngày. Đồng thời, cử cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống từng thôn, khu dân cư hướng dẫn nhân dân cách chôn lấp rác thải hợp vệ sinh và chọn địa điểm làm bãi chôn lấp rác hợp lý… Đến nay, toàn huyện Bình Giang đã có 23 làng, khu dân cư được công nhận danh hiệu làng sức khoẻ. Gần 100 % số thôn, xóm có tổ thu gom rác. Huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động ngày thứ 7, chủ nhật xanh hay hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn…
Việc thành lập, duy trì các tổ thu gom rác ở Bình Giang đã góp phần giữ gìn làng, xóm xanh, sạch, đẹp, góp phần tích cực bảo vệ môi trường nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới.
P.V