Mùa vải thiều 2022 tại Bắc Giang và Hải Dương dự kiến sẽ "được mùa". Các Bộ, ngành, địa phương đã có sự chuẩn bị sớm để đảm bảo đầu ra cho quả vải.
Chú trọng chất lượng, tiêu chuẩn
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, sản lượng vải thiều của tỉnh năm 2022 dự kiến đạt trên 160.000 tấn, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU khoảng 1.600 tấn. Riêng thị trường Trung Quốc dự kiến xuất khẩu khoảng 95.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 15.5 - 30.7.2022.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, tỉnh đã xây dựng 2 phương án tiêu thụ vải: Nếu tình hình dịch bệnh tiếp diễn sẽ thực hiện kịch bản 50/50 (tiêu thụ 50% thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu). Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “zero COVID” sẽ xuất khẩu 30%, còn lại tiêu thụ nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại và sấy khô. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh bán trên tất cả các sàn thương mại điện tử, bán hàng online của các tập đoàn, siêu thị trong nước.
Còn tại Hải Dương, sản lượng vải thiều năm nay ước đạt hơn 60.000 tấn. Toàn bộ diện tích vải đều được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Trong đó có gần 5.000 tấn đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Từ ngày 10/5 đến nay, vải thiều tại Thanh Hà (Hải Dương) được thu mua với giá dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, bán lẻ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục so với những năm trước.
Khai thác thị trường nội địa, mở rộng xuất khẩu
Theo ông Trần Quang Tấn, tỉnh Bắc Giang vẫn xác định thị trường nội địa là chính, nên đã sớm kết nối với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong nước; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ lớn (Viettel, VNPT…) để tăng cường tổ chức giao dịch mua bán vải thiều trên các nền tảng công nghệ số.
Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... và tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các sàn thương điện tử trong và ngoài nước như Amazon, Alibaba, Sendo, Postmart, Voso…; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, Zalo.
Bắc Giang dự kiến sẽ có 103 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Hữu nghị Lạng Sơn để thu mua vải thiều Bắc Giang.
Còn đại diện Sở Công Thương Hải Dương cho biết, sở sẽ chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, kết nối cầu truyền hình theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 29/5, nhằm kết nối với nhiều điểm cầu trong nước và quốc tế. Dự kiến hội nghị này sẽ có sự tham dự của các đại sứ quán, tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, khu vực Trung Đông...
Ngoài ra, đơn vị cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh giao thương trực tiếp với các đơn vị phân phối, nhập khẩu ở trong và ngoài nước. Địa phương cũng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) và các sàn giao dịch thương mại điện tử đưa vải thiều lên sàn; đẩy mạnh tiêu thụ vải quả tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh và các bếp ăn tập thể…
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ sẽ phối hợp với UBND 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản chủ lực tại thị trường nội địa.
Đại diện các tập đoàn Central Retail Việt Nam, Aoen, Mega Market, Co.op Mart… cũng cam kết đồng hành cùng người dân các địa phương vùng vải thiều, cử đại diện làm việc với các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều của các địa phương để ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm tại các mã vùng trồng.
Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin, nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, đơn vị phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng kế hoạch, phương án ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, bán vải thiều trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử; phối hợp với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Lazada.vn, Alibaba…