Chương trình Chuyển động 24h của kênh truyền hình VTV1 vừa phát phóng sự thâm nhập cơ sở sản xuất xúc xích mất vệ sinh của Công ty CP Thực phẩm Thái Bình (Thái Bình).
Người tiêu dùng kinh hoàng khi thấy nguyên liệu để làm ra món xúc xích tiệt trùng này là thịt lợn được lưu trữ trong kho đông lạnh tới 9 tháng; xúc xích lỗi được đưa vào tái sản xuất, thậm chí nhiều lô đã bốc mùi hôi thối. Chưa hết, cơ sở này còn dùng tới 10 loại chất phụ gia không rõ nguồn gốc, nghi là của Trung Quốc, để làm ra xúc xích tiệt trùng. Đáng nói là trên giấy tờ, các sản phẩm vẫn đủ điều kiện để lưu hành trên thị trường.
Xúc xích chỉ là một trong rất nhiều thực phẩm chế biến sẵn được bày bán trên thị trường với cam kết về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên giấy tờ như của Công ty CP Thực phẩm Thái Bình. Mất an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo thường trực với người tiêu dùng và càng gần Tết lo lắng lại càng tăng. Nhiều người đã tìm đến với các sản phẩm do người thân, người quen cung cấp để yên tâm được dùng sản phẩm sạch, nhưng rốt cuộc đó vẫn chỉ là thứ niềm tin rất cảm tính.
Có thể thấy trên mạng xã hội đầy rẫy những lời mời có cánh về các sản phẩm chế biến sẵn như giò me, mứt, thịt trâu bò khô, thịt gác bếp, trái cây... với cam kết hàng chuẩn, đặt người thân, người quen làm với quy trình sản xuất sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hầu hết người tiêu dùng đặt mua qua mạng khi người bán hàng là người họ quen biết. Người ta tin sản phẩm mình mua là sạch vì tin vào nhân cách người bán, chứ không dựa trên các chỉ tiêu an toàn thực phẩm được xét nghiệm một cách khoa học. Vì thế, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch càng lớn, thì chuyện cung cấp sản phẩm tiếng là “sạch” mà lại “không sạch” cũng dễ xảy ra. Ngay cả sản phẩm có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vẫn còn là thực phẩm bẩn thì những thực phẩm khác không biết sẽ thế nào?
Có người bạn từng nói với tôi rằng thật nghịch lý khi chúng ta coi việc có được sản phẩm vải sạch đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật là một thành công lớn. Tại sao? Bởi xưa nay người tiêu dùng Việt Nam bị coi thường, họ vẫn phải ăn vải “không sạch” mà không được bảo vệ giống như người Mỹ hay người Nhật… Phải chăng chúng ta đã đặt ra tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với quả vải thấp hơn so với các nước bạn, nên khi đáp ứng được tiêu chuẩn cao hơn liền coi đó là thành tích hay vì cơ quan chức năng vô trách nhiệm không cần quan tâm tới nhu cầu được sử dụng sản phẩm sạch của người dân? Có lẽ là cả hai!
Trở lại câu chuyện xúc xích bẩn ở Thái Bình. Cũng theo “Chuyển động 24h”, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh này đã “đá quả bóng trách nhiệm” sang cho ngành nông nghiệp khi nói rằng việc kiểm tra, giám sát cơ sở chế biến xúc xích thuộc ngành nông nghiệp. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương mỗi khi “sự cố” được phát hiện. Tết nào người dân cũng nghe nói đến các cuộc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng việc phát hiện, xử lý cơ sở vi phạm lại rất hạn chế. Lẽ dĩ nhiên không ít người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm không sạch. Ngành chức năng đưa ra đủ các lý do để biện minh cho mình, từ việc thiếu phương tiện, thiếu nhân lực cho đến cơ chế, chế tài xử lý chưa phù hợp...
“Chúng ta có được ăn Tết với thực phẩm sạch hay không?” có lẽ vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
HOÀI ANH