So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015 bổ sung nhiều điểm mới, góp phần minh bạch hóa nhiều mối quan hệ dân sự.
Doanh nghiệp hy vọng Bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
Nhiều nét mới cơ bảnLuật sư Phạm Khắc Du, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hải Dương cho biết, Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi gồm 712 điều, chia thành 6 phần, ít hơn 65 điều so với BLDS năm 2005. Ngoài tiếp tục đưa ra quy định về các quyền thân nhân cơ bản, BLDS sửa đổi bổ sung một số quyền mới như quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống... Các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ. Dự thảo BLDS sửa đổi năm 2015 cũng có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến các nội dung về giao dịch dân sự theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do thể hiện ý chí, sự an toàn pháp lý, tính ổn định của giao dịch cũng như quyền và lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình. Trong đó, quyền của người thứ ba ngay tình cũng được bảo vệ tốt hơn theo nguyên tắc: trong trường hợp đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết tài sản là đối tượng của giao dịch do bị chiếm đoạt bất hợp pháp ngoài ý chí của chủ sở hữu. Người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, kể cả khi bản án, quyết định bị hủy, bị cải sửa là hợp lý, hợp tình, góp phần chấm dứt khiếu kiện kéo dài. Như vậy, người thứ ba ngay tình sẽ được bảo vệ bằng những quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tế cuộc sống.
Một điểm mới đáng chú ý nữa trong sửa đổi là những quy định trong phần: "Quyền sở hữu và các vật quyền khác" là căn cứ xác lập và thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; bảo vệ, hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác... Theo luật sư Du, "vật quyền" là khái niệm lần đầu được đưa vào dự thảo BLDS sửa đổi. Vật quyền thực chất là quyền trên vật. Cụ thể, một người có tài sản thì có quyền trên vật hay còn gọi là quyền sở hữu. Quyền trên tài sản của mình gọi là quyền sở hữu, là vật quyền thứ nhất, tuyệt đối, trọn vẹn nhất. Quyền trên tài sản của người khác gọi là các loại vật quyền khác. BLDS sửa đổi lần này thừa nhận một người có tài sản phải được ứng xử với tài sản của mình theo một cách nào đó, được thực hiện những quyền cơ bản trên tài sản của mình mà người khác không được phép can thiệp.
Dự thảo BLDS sửa đổi 2015 cũng có nhiều nội dung đề cập đến quyền thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, không có quyền hưởng di sản, quản lý di sản... Trong đó, đáng chú ý là nội dung di chúc chung của vợ chồng được sửa theo hướng trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Nếu vợ, chồng có thỏa thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó...
Giúp doanh nghiệp phát triểnMột trong những điểm mới của Dự thảo BLDS sửa đổi là hợp đồng có thể bị thay đổi hoặc hủy bỏ khi hoàn cảnh thay đổi. Điều 443 trong dự thảo ghi rõ: trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng. Hoàn cảnh thay đổi dẫn tới điều chỉnh hợp đồng được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa lợi ích của các bên và phải tuân thủ một số điều kiện như trong dự thảo. Như vậy, điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên những thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tùy theo từng trường hợp, tòa án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, không trung thực phải bồi thường thiệt hại. Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam (TP Hải Dương) cho rằng quy định này rất phù hợp với thực tế và có tính nhân văn cao. Tuy nhiên, Dự thảo BLDS cũng cần có những quy định cụ thể tôn trọng ý nguyện của các bên liên quan và hoàn cảnh như thế nào mới được thay đổi hợp đồng. Việc một bên gặp khó khăn có quyền yêu cầu thiết lập lại, sửa đổi hay hủy bỏ hợp đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự.
Dự thảo BLDS sửa đổi quy định những nguyên tắc cơ bản về pháp nhân và đại diện, tạo nền tảng pháp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khẳng định vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong các mối quan hệ dân sự, thương mại. Những quy định trong dự thảo BLDS về các vấn đề liên quan đến tài sản, quyền sở hữu cũng rất cần thiết vì đây là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được bảo hộ các quyền tài sản, trong đó có quyền sở hữu thì doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nhiều quy định trong Hiến pháp về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng được cụ thể hóa trong Dự thảo BLDS sửa đổi. Các nguyên tắc tự do ký hợp đồng, tự do kinh doanh, làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm... cũng được thể hiện và đề cao trong dự thảo lần này. Đây chính là nền tảng cho các mối quan hệ kinh tế thị trường phát sinh, phát triển thuận lợi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
VỊ THỦY