Mưa lớn cùng với việc các hồ thủy điện xả lũ liên tục đã gây ngập lụt, tắc đường và mất điện trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung.
Đà Nẵng: quốc lộ 1A ngập gần 1m
Cơn mưa lớn kéo dài cả ngày 7-11 đã gây ngập úng nặng tại nhiều khu dân cư ở TP Đà Nẵng, nặng nhất là đoạn quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và khu vực Đầm Rong (quận Hải Châu). Quốc lộ 1A đoạn trước Khu công nghiệp Hòa Khánh ngập sâu gần 1m khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng.
Tại nhiều tuyến đường trung tâm nước cũng ngập đến 0,5m như khu vực đường Hàm Nghi, Đỗ Quang (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), đường Quang Trung (đoạn từ Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng đến đường Nguyễn Thị Minh Khai), đường Đống Đa… Các khu dân cư phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng bị ngập 0,3-0,5m.
Mưa lớn gây ngập nặng đoạn quốc lộ 1A qua TP Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá |
Các phương tiện tranh nhau cố vượt qua đoạn ngập nước - Ảnh: Hữu Khá |
Quảng Ngãi: nước sông Vệ, Trà Khúc, Trà Bồng vượt báo động 2
Tại Quảng Ngãi, chiều 7-11 ông Phan Văn Hiền, phó ban trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), cho biết mưa lớn liên tục những ngày qua với lượng 100-200mm cũng khiến mực nước sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng vượt mức báo động 2.
Tuyến đường 62B từ đồng bằng lên huyện Tây Trà đã sạt lở, hơn 2/3 mặt đường bị vùi lấp, gây khó khăn cho giao thông. Tỉnh lộ 622 từ trung tâm huyện Trà Bồng về về các xã bị sạt lở làm hư hỏng căn nhà của ông Nguyễn Tấn Huỳnh ở khu dân cư số 1, thị trấn Trà Xuân.
Tại huyện Sơn Tây, tuyến đường từ Trung tâm y tế huyện đến cầu Huy Măng (xã Sơn Dung) sạt lở trên 600m chiều dài, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản bốn hộ dân; đường Đông Trường Sơn tại khu dân cư Ka Xim, xã Sơn Dung đã xuất hiện tình trạng sạt lở mái taluy âm, đe dọa 12 hộ dân trong vùng. Huyện Sơn Tây đã di dời những hộ dân này.
Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung - Tây nguyên cho hay do mưa lớn liến tiếp mấy ngày qua nên hiện nhiều hồ chứa trong khu vực đã tích đầy nước. Trong đó, hàng loạt hồ thủy điện đang xả lũ điều tiết như Bình Điền, Hương Điền (Thừa Thiên - Huế); A Vương, Sông Tranh 2 (Quảng Nam); Sông Hinh, Sông Ba Hạ (Phú Yên); Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai). Cùng lúc, hàng loạt hồ chứa thủy lợi cũng đầy và gần đầy. Có đến 16 hồ đã qua tràn từ 0,01m-0,64m như hồ Cẩm Ly, An Mã, Phú Vinh, Tiên Lang, Vực Nồi (Quảng Bình); Kinh Môn, Ái Tử, La Ngà, Nghĩa Hy (Quảng Trị); Hòa Trung, Đồng Nghệ (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn, Phước Hà, Hố Giang (Quảng Nam); Diên Trường (Quảng Ngãi)... Lúc 14 giờ chiều 7-11, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã tổ chức xả lũ hồ chứa nước Liệt Sơn, với lưu lượng xả lũ là 50m3/giây. Theo ông Trần Em - phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, sẽ có bốn xã Phổ Minh, Phổ Vinh, Phổ Hòa và thị trấn Đức Phổ bị ảnh hưởng. Huyện đã thông báo cho các xã chuẩn bị các phương án phòng tránh, đề phòng khi có tình huống ngập sâu. Trong trường hợp mưa lớn vẫn kéo dài, lượng xả tăng cao, sẽ tiến hành di dời dân đến nơi an toàn. Được biết, hồ Liệt Sơn được xây dựng từ năm 1978, là một trong những hồ đã xuống cấp của Quảng Ngãi. |
Huế: Mưa lũ chia cắt nhiều nơi
Mưa lớn ở thượng nguồn trong đêm 6 và sáng 7-11 đã khiến các hồ chứa ở Thừa Thiên - Huế đều vượt tràn, mực nước trên sông Hương, sông Bồ lên nhanh, xấp xỉ báo động 3 khiến vùng hạ du tiếp tục bị ngập nặng, nhiều nơi bị chia cắt.
Sáng 7-11, chiếc xe biển số 75H-6322 đang chạy trên tỉnh lộ 4 đoạn qua xã Quảng Thành đã bị nước lũ cuốn, may mắn tài xế kịp thoát nạn |
Đến trưa 7-11, ở thượng nguồn, mưa đang đổ xuống như trút nước, huyện miền núi Nam Đông có mưa mịt mùng. Lượng mưa đo được lúc 13g tại trạm Thượng Nhật (Nam Đông) là 691mm, trạm Khe Tre (Nam Đông) 812mm, A Lưới là 446mm, trong khi đó lượng mưa ở trạm Kim Long chỉ có 162mm.
Mặc dù ở TP Huế có mưa nhỏ nhưng nước sông Hương dâng cao khiến nhiều tuyến đường nội đô bị ngập sâu từ 0,4 đến 0,7m, giao thông đi lại khó khăn.
Nước lũ lên nhanh khiến anh Cao Khả Tùng (thôn Thanh Hà, Quảng Thành) không kịp di chuyển đồ đạc, một lượng lớn lương thực đã chìm trong nước lũ |
Trong khi đó, ở vùng hạ du sông Hương và sông Bồ có mưa nhỏ, nhưng nước sông lên nhanh khiến nhiều người dân bất ngờ. Từ mờ sáng 7-11, nước lũ bắt đầu tấn công các xã Phú Thanh, Phú Mậu, Hương Phong, Hương Vinh, Quảng Thành, Quảng An…
Đến 14 giờ cùng ngày, nước lũ đã tràn vào các khu dân cư làm ngập từ 0,5 đến 1m, nhiều thôn xóm vùng hạ du bị chia cắt, cô lập. Tất cả 6 thôn với 2.300 hộ dân ở xã Hương Phong, đã bị nước lũ bao vây, ngập sâu từ 0,5 đến 1m.
Tỉnh lộ 4 nối huyện Hương Trà với Quảng Điền đã bị ngập sâu, nhiều đoạn ngập hơn 1m |
Ông Phan Văn Điếu, chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc xã Hương Phong cho biết, thôn Thuận Hòa với 500 hộ dân đã bị cô lập, đường về thôn đã bị ngập sâu hơn 1m.
Hai hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Bình Điền và Hương Điền vẫn tiếp tục xả lũ với dung lượng lớn. Cụ thể, hồ thủy điện Bình Điền xả lũ với lưu lượng 507m3/giây, trong khi lượng nước về hồ là 728m3/giây, còn hồ thủy điện Hương Điền xả lũ lên đến 1015m3/giây, trong khi lượng nước về hồ cũng đạt 1015m3/giây.
Nhiều trường học ở xã Quảng Thành phải cho học sinh nghỉ học vì nước lũ lên cao |
Hiện nước nguồn vẫn ồ ạt đổ về, mực nước các sông đang lên nhanh, hàng ngàn hộ dân vùng hạ đang ngập dần trong nước lũ.
Quảng Ngãi: hồ Liệt Sơn xả lũ khẩn cấp
Chiều 7-11, hồ thuỷ lợi Liệt Sơn (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) phải tiến hành xả lũ khẩn cấp do mực nước trong hồ dâng cao báo động. Ông Nguyễn Lập, phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Ngãi cho biết, việc xả lũ được tiến hành lúc 14 giờ chiều 7-11, với lưu lượng xả là 52 m3/giây.
Xả lũ ở hồ Liệt Sơn chiều ngày 7-11 |
Hồ Liệt Sơn có tổng dung tích 28,7 triệu mét khối nhưng hiện nay mực nước trong lòng hồ dâng lên trên 30 triệu mét khối.
Ông Lê Văn Mùi, chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, ngay khi có thông báo xả lũ, huyện đã cho dừng tất cả các cuộc họp đẻ tập trung cho công tác ứng phó trước việc xả lũ ở hồ Liệt Sơn. Chiều cùng ngày, người dân vùng hạ lưu của hồ Liệt Sơn như xã Phổ Cường, Phổ Minh, Phổ Vinh đã chủ động sẵn sàng di tản trong trường hợp nước lũ dâng cao.
Bình Định: nước lũ tiếp tục dâng cao, hàng ngàn học sinh nghỉ học
Sáng ngày 7-11, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giảm. Tuy nhiên do nước từ thượng nguồn đổ về nên chiều cùng ngày mực nước các sông trong tỉnh tiếp tục lên nhanh và có lũ ở mức báo động I - II. Trong đó, sông Kôn tại Thạnh Hòa lúc 10 giờ sáng nay đã lên mức 7,5m trên báo động II: 0,5m.
Nước lũ tràn qua đập Bà Rùa thuộc xã Phước Nghĩa gần 1m - Ảnh: Xuân Vinh |
Nước lũ dâng cao chia cắt một số xã khu đông: Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Thuận (huyện Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh và Cát Thắng (huyện Phù Cát).
Đến 15 giờ 30 ngày 7-11, vùng hạ lưu khu đông huyện Tuy Phước đã bị ngập nặng, nước lũ chia cắt nhiều khu dân cư các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận. Nhiều tuyến giao thông liên xã và tỉnh lộ DT640, DT 636B Gò Bồi đi Bình Định... nước ngập sâu từ 0,7m- 1m, bà con phải dùng sõng và xe độ chế để vận chuyển người, xe cộ và hàng hóa qua những đoạn tràn nước ngập sâu.
Hơn 25.000 học sinh học buổi chiều ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước phải nghỉ học
Trước đó, vào lúc 14 giờ 30, bà con xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) đã phát hiện một tử thi (chưa rõ tung tích), trôi dạt vào Gò ông Thành ở đội 4, thôn Hưng Nghĩa của địa phương. Nạn nhân là nử ( khoảng 30 tuổi) mặc áo quần màu đen.
Người dân dùng xuồng máy, sõng và xe độ chế để vận chuyển người, xe cộ và hàng hóa qua các đoạn tràn nước ngập sâu - Ảnh: Xuân Vinh |
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các xã khu Đông Tuy Phước đã tổ chức trực canh trên các tuyến đường ngập sâu hướng dẫn người và phương tiện giao thông qua lại an toàn, đồng thời trực 24/24 giờ hộ đê, bảo vệ các đoạn đê xung yếu không để lũ xuyên phá.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Định, trong vài ngày tới trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và mực nước các sông trong tỉnh sẽ tiếp tục lên ở mức báo động cấp 2 - cấp 3.
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Định, do ảnh hưởng rìa phía Bắc rãnh áp thấp nối tâm vùng áp thấp kết hợp nhiễu động trong đới gió đông trên cao, trong đêm 6 rạng sáng 7-11, trên địa bàn tỉnh Bình Định nhiều nơi mưa rất to.
Nước lũ tràn qua tỉnh lộ DT 640 từ thị trấn Tuy Phước về các xã khu đông của huyện
Tại TP.Qui Nhơn, do nước lũ tràn vào nhà nên nhiều hộ dân ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú phải dùng máy bơm để bơm nước từ trong nhà ra đường.
Đến 10g ngày 7-11, vùng hạ lưu khu đông huyện Tuy Phước đã bị ngập nặng, nước lũ chia cắt nhiều khu dân cư các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận. Nhiều tuyến giao thông liên xã và tỉnh lộ DT640, DT 636B Gò Bồi đi Bình Định... nước ngập sâu từ 0,5- 0,7m, bà con phải dùng sõng để vận chuyển người, xe cộ và hàng hóa qua những đoạn tràn nước ngập sâu.
Đường Hùng Vương Tp Qui Nhơn chìm trong biển nước - XUÂN VINH |
Nước lũ tràn qua đập Bà rùa đi từ thị trấn Tuy Phước về xã Phước Nghĩa huyện Tuy Phước - XUÂN VINH |
Quảng Nam: Lũ lên nhanh, thêm một người chết
Sau vụ lũ cuốn làm 4 người thiệt mạng thương tâm ở xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn cách đây 2 ngày, sáng 7-11, tại Quảng Nam lại có thêm một nạn nhân bị thiệt mạng do mưa lũ.
Nạn nhân là cháu Doãn Minh Huân (SN 2005 ở thôn Lãnh Thượng 1, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) nghịch nước lũ trong vườn nhà, do không có người thân trông coi nên bị sẩy chân chết đuối.
Tuyến đường DT 611 chìm trong nước lũ, người dân phải di chuyển bằng xuồng - Ảnh: Tấn Vũ |
Ông Nguyễn Minh Tuấn, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, cho biết theo báo cáo nhanh của Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2, lưu lượng nước về hồ trong ngày hơn 4.000 m3/ giây, thủy điện đã xả lũ ở mức 2.500 - 3.000 m3/ giây.
Mực nước ở các sông phần nào được hạn chế, tuy nhiên nước vẫn lên rất nhanh do mưa lớn. Hiện tại một số huyện vùng hạ lưu đã chìm trong nước.
Suốt đêm qua đến sáng nay 7-11, tại Quảng Nam có mưa to và rất to, lượng nước ở các sông lên nhanh khiến nhiều địa phương bị chia cắt, cô lập. Sạt lở núi ở các huyện vùng cao khiến giao thông bị ách tắc. Hàng ngàn nhà dân có nguy cơ chìm trong nước vào ban đêm.
Ông Phan Đức Tính, phó chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa đã xấp xỉ mức báo động 3 và sẽ vượt báo động 3 vào đêm nay.
Tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều bị ách tắc do nước lũ chia cắt. Thủy điện A Vương đã chủ động xả lũ trước đó.
Thủy điện Sông Tranh 2 xả 6 cửa để giữ bờ đê - Ảnh: Tấn Vũ |
Tại huyện Nông Sơn hơn 100 nhà dân của các xã Phước Ninh và Ninh Khánh đã chìm trong nước lũ. Hiện tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện đến 7 xã và tuyến đường chính ĐT 611 đã bị cô lập hoàn toàn. Nhiều chỗ nước ngập sâu 1-3m. Ông Nguyễn Văn Hòa, phó chủ tịch huyện Nông Sơn, cho hay đang tiến hành di dời một số hộ dân nơi thấp trũng đề phòng nước dâng cao vào ban đêm.
Trong khi đó tại Nam Trà My, rạng sáng 7-11, có thêm 6 ngôi nhà khác bị thiệt hại nặng nề. Đất đá trên đồi tiếp tục sạt lở, đổ ập xuống khu dân cư. Do tình trạng sạt lở chủ yếu xảy ra trong đêm khuya nên việc ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà đã bị vùi lấp trong bùn đất và bị cuốn trôi xuống phía taluy âm. Các hộ dân chỉ kịp chạy thoát thân, mọi vật dụng tài sản bị vùi trong đất.
Đến 9 giờ sáng, tại khu vực thôn 2 xã Trà Mai vẫn còn 5 ngôi nhà chưa di dời kịp. Đất đá đổ xuống kèm nước lũ làm hư hỏng gần như toàn bộ nhà cửa, nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khó.
Lũ đi qua làm tan hoang nhà cửa - Ảnh: Ánh Nhung |
Ông Trần Văn Mẫn - chánh văn phòng huyện Nam Trà My - cho biết mưa lũ đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông giữa huyện Nam Trà My với bên ngoài. Trên tuyến đường huyết mạch ĐT 616 đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở với khối lượng lớn. Các tuyến đường từ trung tâm huyện về 10 xã cũng bị sạt lở, đứt gãy, cuốn trôi.
Riêng tại khu vực thôn 2 xã Trà Mai, tình trạng sạt lở không chỉ vùi lấp toàn bộ nhà cửa vật dụng của 17 hộ dân mà còn đe dọa gần 1.000 học sinh Trường Dân tộc nội trú và Trường cấp III Nam Trà My.
Lực lượng ứng cứu tháo dỡ nhà cửa giúp dân - Ảnh: Ánh Nhung |
Hiện chưa thể thống kê thiệt hại do giao thông cô lập, điện lưới quốc gia bị mất trên toàn huyện do gãy trụ đường dây 35 kV, thông tin liên lạc từ các xã tê liệt hoàn toàn.
Chính quyền huyện Nam Trà My đã huy động hơn 100 thanh niên các lực lượng tham gia công tác ứng cứu. Trọng tâm là tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển đồ dùng sinh hoạt 5 hộ dân còn lại. Công nhân điện lực tập trung kéo đường dây mới phục vụ đời sống nhân dân. Huyện cũng đã xuất kho lương thực hỗ trợ gạo cho 17 hộ này ăn tạm.
Sạt lở đất tiếp tục uy hiếp dân Tại Quảng Nam, ông Huỳnh Sáu, chủ tịch UBND xã Đại An (huyện Đại Lộc), cho biết nước lũ trên sông Vu Gia đang lên rất nhanh, gây ngập sâu các vùng trũng trên địa bàn xã. Tại thôn Phước Yên, sạt lở đất tiếp tục uy hiếp hàng trăm hộ dân. Chính quyền xã đã cho một số hộ tại khu vực bị nước sông uy hiếp nghiêm trọng đi sơ tán. Trong tình trạng khẩn cấp, các hộ dân khác cũng sẽ được sơ tán khỏi khu vực sạt lở và ngập sâu để đảm bảo an toàn tính mạng. Ông Đặng Văn Kỳ, chủ tịch UBND xã Đại Hồng (Đại Lộc), nói có hơn 600 hộ dân thuộc hai thôn Dục Tịnh và Đông Phước đang bị cô lập. Nước sông Vu Gia tiếp tục dâng cao nên xã đã phải huy động lực lượng sơ tán người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn. |
(Nguồn: TT)