Mẹo đơn giản phân biệt trang sức thật hay giả

19/01/2022 07:20

Trang sức giả ngày càng nhiều và được làm rất tinh vi. Nếu không nắm vững các mẹo phân biệt, bạn dễ mất tiền thật mua của rởm.

Thử kim cương qua lửa

Sử dụng bật lửa để đốt trang sức kim cương trong 30-40 giây trước khi thả nó vào nước lạnh. Nếu trang sức giữ nguyên hiện trạng, nó sẽ là một viên kim cương thật, nhưng nếu nó bị vỡ rất có thể là hàng giả.

Bạn hãy thở nhẹ vào trang sức kim cương. Nếu lớp sương mù biến mất ngay lập tức thì viên kim cương là thật. Nếu lớp sương mất nhiều thời gian hơn mới tan, món đồ đó khả năng cao là hàng giả.

Lấy một vật bằng kim loại và cố gắng làm xước bề mặt ngọc bích

Ngọc bích là một loại đá thường được sử dụng trong văn hóa Trung Quốc vì hấp dẫn và đẹp mắt. Do nhu cầu sử dụng cao nên hiện nay có nhiều phiên bản ngọc giả.

Bạn nên biết, nếu là ngọc bích thật, nó rất cứng và không dễ bị xước. Vì vậy, muốn kiểm tra, hãy lấy một vật bằng kim loại, cố gắng tạo một số vết xước trên bề mặt của ngọc bích. Nếu bạn nhìn thấy các vết xước, ngọc không phải là thật.

Số 925, 900 hoặc 800 trên bạc

Khi bạn có một món đồ bằng bạc trong tay, bạn nên tìm logo hoặc con dấu trên đó. Theo các chuyên gia, các nhà buôn bạc quốc tế thường in các con số 925, 900 hoặc 800 trên trang sức bạc. Những con số này cho biết mức độ tinh khiết của bạc. Bạc Sterling có độ tinh khiết từ 92,5% trở lên.

Sử dụng nam châm hút vàng, bạc

Vàng và bạc không có từ tính, nhưng các kim loại khác thì có. Để xem các món đồ bằng vàng/bạc của bạn có phải là thật hay không, hãy xem chúng bị nam châm nặng hút hay không.

Nếu món đồ di chuyển, nó không được làm bằng vàng nguyên chất hoặc được làm bằng thứ gì đó khác ngoài vàng, bạc.

Ngửi bạc

Nếu bạn có một món đồ bằng bạc, hãy thử ngửi nó trước. Bạc nguyên chất không có mùi, nên nếu ngửi thấy mùi lưu huỳnh hoặc các kim loại, chứng tỏ món đồ đó là giả.

Đổ một vài giọt giấm lên món đồ bằng vàng

Để xác định món đồ của bạn có được làm bằng vàng thật hay không, hãy nhỏ vài giọt giấm lên và đợi. Vàng không chịu tác động của giấm.

Vì vậy, nếu giọt giấm làm thay đổi màu sắc của món đồ thì đó không phải là vàng thật. Nếu đồ nguyên vẹn và sáng hơn thì là thật.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹo đơn giản phân biệt trang sức thật hay giả