Cách làm sạch bụi bẩn khi điều hòa kém mát

30/06/2022 06:24

Bám bụi là lý do phổ biến ảnh hưởng đến khả năng làm lạnh của điều hòa nhưng đa số người dùng chọn dịch vụ bảo dưỡng thay vì tự làm.

"Hơn mười năm xây nhà và lắp điều hòa, tôi chưa từng mở nắp điều hòa kiểm tra", anh Tấn Hùng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh nói. "Nếu có vấn đề, tôi sẽ gọi thợ gần nhà. Thông thường, họ nói cần bảo dưỡng, bơm bù gas với tần suất 2-3 lần mỗi năm. Sau bằng đấy năm, chi phí này đã bằng mua một chiếc điều hòa mới".

Nhiều người cho biết điều hòa là thiết bị phức tạp, cần được bảo dưỡng bởi thợ chuyên nghiệp nên ít khi nghĩ đến việc tự vệ sinh. "Tôi vẫn thường tháo, lau rửa quạt điện và một số thiết bị trong nhà, nhưng riêng điều hòa lại thuê thợ", anh Ngọc Tuấn ở Thanh Khê, Đà Nẵng nói. Anh cũng từng tháo dàn lạnh nhưng thấy quá phức tạp nên không dám tự làm, sợ hỏng hóc.

Ít được vệ sinh là lý do phổ biến khiến điều hòa làm mát yếu.

Ít được vệ sinh là lý do phổ biến khiến điều hòa làm mát yếu

Lê Sơn, chủ cửa hàng chuyên sửa chữa máy điều hòa ở Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết khoảng 70% trường hợp điều hòa kém mát mà bên anh được thuê kiểm tra đều do dàn nóng, dàn lạnh quá bẩn. "Tôi từng gặp nhiều trường hợp ống thoát nước, lưới lọc bụi bám kín do nhiều năm không vệ sinh. Không chỉ làm mát yếu, cách sử dụng như vậy còn ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ các linh kiện, tốn điện", anh Sơn nói.

Theo anh Nguyễn Lê Minh, chuyên gia về đồ điện gia dụng, một số nghiên cứu cho thấy điều hòa có thể giảm công suất 1% mỗi tuần do bụi bám. Lưới lọc đầy bụi sẽ làm giảm lượng không khí lưu thông, chậm cung cấp khí mát cho căn phòng. Điều này có thể khiến thiết bị tiêu hao năng lượng cao hơn 5-15% so với khi mới lắp. "Chậm làm mát khiến điều hòa liên tục phải chạy ở mức công suất cao, chưa kể bụi bẩn, nấm mốc nếu lâu không được vệ sinh còn có tác hại xấu tới sức khỏe người dùng", anh Minh khuyến cáo.

Điều hòa đa số tích bụi bẩn ở tấm lọc bụi, dàn lá nhôm, hộc thoát gió trên dàn lạnh với nhiều chi tiết phức tạp hơn. Với dàn nóng, đa số bụi tích tụ ở cánh quạt gió hoặc một số góc bên trong.

Với việc vệ sinh điều hòa, anh Lê Sơn nói có thể chia làm nhiều cấp độ: "Nếu điều hòa quá lâu không được bảo dưỡng, vẫn cần thợ chuyên nghiệp xử lý tổng thể. Họ có dụng cụ như bơm tăng áp, xịt rửa dàn lá nhôm và các phụ kiện để làm sạch triệt để. Trong khi đó, người dùng có thể tự làm sạch lưới lọc thường xuyên, dùng chổi quét và hút bụi tại các khe thoát gió. Điều này giúp điều hòa bền hơn, hiệu quả làm mát duy trì và thời gian dài hơn mới cần thợ bảo dưỡng tổng thể".

Tùy vào điều kiện thực tế tại nơi ở, các chuyên gia khuyên điều hòa cần được vệ sinh sau mỗi 3-4 tháng sử dụng. Những nơi gần đường phố, bụi bẩn nhiều có thể tăng tần suất. Các lỗi như rò rỉ nước ở dàn lạnh, làm mát chậm đa phần đều do lâu ngày không được vệ sinh.

Anh Tiến Long (Trung Văn, Hà Nội) cho biết hai năm gần đây đã chú trọng hơn tới việc tự làm sạch điều hòa. "Từ ngày có Covid-19, tôi cùng con trai tìm hiểu cách thức trên mạng, chỉ làm các thao tác đơn giản trong khả năng và cũng thấy rõ sự khác biệt trước và sau khi vệ sinh. Thời gian chỉ mất một buổi cuối tuần cho ba chiếc điều hòa trong nhà. Vấn đề không chỉ là tiếc tiền thuê thợ mà bố con tôi tìm thấy niềm vui khi cùng làm việc nhà. Vệ sinh thường xuyên cũng rất tốt cho sức khỏe cả gia đình", anh Long nói.

Nếu không thể tự thực hiện, người dùng cũng có thể sử dụng dịch vụ bảo dưỡng từ các cơ sở chuyên nghiệp hoặc từ nhà sản xuất. Giá mức bảo dưỡng tổng thể khoảng 400.000 đồng cho mỗi máy tùy điều kiện thực tế.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách làm sạch bụi bẩn khi điều hòa kém mát