Trước khi đi xe (thường là vào buổi sáng): nên khởi động máy, giữ ga khoảng một phút.
Bởi khi đó, dầu mới được bơm lên động cơ, giúp các chi tiết được bôi trơn và nhiên liệu cháy tốt hơn. Nếu vừa khởi động đã đi ngay thì các bộ phận chưa kịp bơm dầu mỡ nên gây mòn nhanh, chạy tốn xăng.
- Khi đi xe, không tăng giảm ga đột ngột vì sẽ tốn xăng mà nên giữ tốc độ đều. Cần sử dụng số hợp lý. Khi dừng xe, nếu thời gian quá một phút thì nên tắt máy để tiết kiệm xăng. Nhưng nếu thời gian ngắn hơn thì không nên.
- Bảo dưỡng xe định kỳ: Với xe máy đi khoảng 2.000 km phải bảo dưỡng (chỉnh bộ chế hòa khí, căng xích, thay dầu, bơm căng lốp…) để công suất máy đạt cao nhất.
- Xe khó nổ máy tức là đã bị hao xăng, phải thường xuyên chỉnh sửa cho xe dễ nổ.
- Giới hạn chế độ chạy ra-lăng-ti: Tốt nhất nên chỉnh ra-lăng-ti ở mức ổn định, tiếng nổ đều, không có xu hướng lụp bụp rồi tắt máy.
- Bơm căng bánh xe: Nếu bánh xe xẹp quá thì bạn để ý trên đồng hồ tua, mặc dù vòng tua cao nhưng xe vẫn chạy chậm rề rề. Chưa kể những nguy hiểm giao thông và còn ảnh hưởng đến độ bền bánh - lốp - vành.
- Khi gặp đường lên dốc hay đường xấu cần trả về số thấp. Khi giảm ga để dừng xe, cần trả về số thấp; khi chạy trở lại, cần bắt đầu từ số 1.
- Hạ nấc kim xăng: Việc hạ kim xăng xuống thấp làm giảm sức kéo của máy, xe chạy chậm lại... và bớt hao xăng. Thông thường thì kim ga hay ở nấc 3. Xe cũ, kim mòn vẹt có xu hướng hao xăng hơn nên người ta hạ về nấc 2 và 1.
- Thường xuyên kiểm tra lọc gió và theo dõi khả năng tăng tốc của xe: Ở Việt Nam, 2 bệnh thường gặp khiến cho xe bị hao xăng là:
+ Kẹt lọc gió : Bạn cần làm vệ sinh hoặc thay mới lọc gió đúng hạn kỳ. Lọc gió kẹt thì xăng lên buồng đốt sẽ nhiều hơn, gây hao xăng.
+ Kẹt lỗ cờ của gích-lơ phụ: Khi bị kẹt, triệu chứng thường thấy là ga đầu yếu, tăng tốc bị lụp bụp. Có thể ra thợ chỉnh, thợ sẽ vặn vít gió vào để thêm xăng cho đỡ hụt, chạy thời gian sau thì hết kẹt.
(Theo Vietnamnet)