Tết xưa trong ký ức của nhiều người thật mộc mạc, đơn sơ nhưng rất thân thương, gần gũi. Tuy còn nghèo khó nhưng những cái Tết vẫn đầy ắp tình cảm gia đình, quê hương.
Phiên chợ ngày Tết ở chợ Vàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà). Ảnh: Mai Anh
Mộc mạc
Có dịp gặp và trò chuyện với nhà giáo Vũ Diệp (80 tuổi) ở khu 1, thị trấn Cẩm Giàng, chúng tôi như được sống lại những ngày Tết xa xưa qua dòng hồi ức sống động của ông. Vì nhà ở phố huyện, gần chợ thị trấn nên cậu bé Diệp của 70 năm về trước được hưởng không khí Tết từ rất sớm. Ngày 19 tháng chạp, chợ thị trấn vào phiên họp chính rất đông vui, nhộn nhịp người mua kẻ bán. Đây từng là chợ lớn nhất khu vực này nên có đủ loại mặt hàng phục vụ Tết. Gần Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên từ 19 tháng chạp cho đến Tết, ngày nào chợ cũng họp. Đủ loại nhu yếu phẩm phục vụ Tết từ lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, gà, mứt kẹo, chè cho đến đồ trang trí như hoa giấy, câu đối, tranh Đông Hồ, vàng mã, hương vòng... đều được bày bán. Với đa số những đứa trẻ bây giờ, khi cuộc sống đủ đầy, quần áo ê hề bán đầy siêu thị, cửa hàng, trên mạng... chắc không còn mấy cảm giác mong chờ một bộ quần áo mới. Nhưng thời đó cuộc sống còn khó khăn nên trẻ con luôn mong ngóng Tết bởi cả năm chỉ đến Tết mới được may 1 bộ quần áo mới, được ăn nhiều món ngon... Thị trường không sẵn hàng hóa như bây giờ nên quần áo mới được đặt may từ cả tháng trước.
Với những người già ở thị trấn Cẩm Giàng xưa, Tết nhất định phải có trà Thọ Phái Danh Trà và rượu Kim Cúc của người Hoa bán tại chợ. Đây là loại trà và rượu rất thơm, có vị lạ, ngon nên các bậc cao niên đều ưa thích, nhiều người để dành từ nhiều tháng trước đến Tết mới mang ra mời khách quý. Thời ấy cũng chưa có nhiều hoa đào, cây cảnh bày bán như bây giờ nên nhà nào cũng phải sắm một cành hoa giấy về trang trí ngày Tết. Và chắc chắn không thể thiếu đôi câu đối đỏ dán trước cửa nhà hoặc hai bên ban thờ với mong muốn những điều may mắn sẽ đến với gia đình. Sang khoảng thập niên 90, trong các món hàng Tết không thể thiếu chai rượu chanh. Nhiều nhà mua những bức tranh ngũ quả về treo...
Nhớ về ngày xưa, ông Cao Văn Tấn (82 tuổi) ở phố Thái Học 1, phường Sao Đỏ (Chí Linh) không quên tục đụng lợn ngày Tết. Kinh tế khó khăn nên từ nhiều tháng trước, các gia đình đã góp tiền để nuôi chung một con lợn. Đến ngày 27 hoặc 28 Tết, các gia đình cùng nhau thịt lợn. Lợn được chia thành từng phần đều nhau. Có thịt lợn rồi các nhà bắt đầu gói bánh chưng Tết. Nhà nào cũng mang lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ra giữa sân nhà, trải chiếu ngồi gói bánh. Bọn trẻ con lâu nhâu bên cạnh tỏ vẻ thích thú. Đêm trông nồi bánh chưng có lẽ là ký ức khó quên nhất với nhiều người.
Ngày 30 Tết nhà nào cũng đều có vài cân thịt lợn treo trước cửa, bánh chưng xanh để đầy mẹt chờ ráo nước trước hiên. Ở nhiều vùng quê, đây cũng là thời điểm các gia đình dựng cây nêu đón Tết. Thanh niên trong nhà có nhiệm vụ đi tìm cây tre vừa cao vừa thẳng, có ngọn nhỏ chặt về dựng cây nêu, treo cờ trước sân nhà. Thời đó, gia đình nào chưa dựng được cây nêu thì chưa phải là Tết. Trước Tết nhà nào cũng gánh đầy bể nước, vừa để dùng trong dịp Tết, vừa mong muốn một năm mọi may mắn luôn đầy ắp. Dù bể đã đầy thì sáng mùng 1 Tết, các bà, các mẹ vẫn ra sông gánh một gánh nước mang về đổ vào bể với ý nghĩa thêm lộc vào nhà.
Những gia đình có người già vừa tròn 70 - 80 tuổi làm lễ “khao lão”. Gia đình làm vài mâm cơm mời anh em, họ hàng thân thích tới chung vui. Đến ngày mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, các bà, các chị thường ra chùa lễ Phật, cầu xin một năm mới bình an cho gia đình. Còn nam giới thì đình làng là nơi tụ họp, chia sẻ với nhau những câu chuyện đầu năm mới, bàn bạc với nhau những công việc chung của làng, xã.
Ấm áp
Mặc dù đã trải qua nhiều cái Tết trong cuộc đời từ lúc đất nước còn khó khăn đến nay cuộc sống của người dân đã thay đổi, xã hội ngày càng phát triển nhưng các bậc cao niên vẫn không thể nào quên được vị Tết xưa. Với ông Diệp, Tết xưa rất vui, những ngày áp Tết ở làng rạo rực một không khí khác thường. Ai ai cũng tất bật, vội vã trong từng công việc để chuẩn bị cho giao thừa sắp đến. Sau ngày 23 tháng chạp, khi con cháu đi tảo mộ thắp hương mời ông bà “về” ăn Tết, lúc này Tết như một cầu nối âm dương để cả con cháu và gia tiên cùng sum họp. Tết cũng chính là dịp sum vầy, bỏ qua mọi bộn bề, khó khăn của cuộc sống thường nhật, những người con xa quê đều tìm về đoàn viên bên gia đình.
Đi chúc Tết đầu năm là tục lệ đẹp không thể thiếu trong dịp Tết. “Sáng mùng 1, sau khi thắp hương cúng tổ tiên, các gia đình mở cửa đón người đến xông đất đầu năm mới. Trước đây không phải xem ai hợp tuổi mới tới xông đất mà hoàn toàn tự nhiên, ai đến trước vào trước, không phải kiêng kỵ như bây giờ”, ông Diệp kể. Người xưa quan niệm “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Chúc tuổi phải theo vai vế, anh cả hoặc người con lớn nhất trong nhà sẽ chúc ông bà trước rồi đến những thành viên khác. Khi nhận được lời chúc, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình mà các cụ ông, cụ bà sẽ mừng tuổi lại cho con cháu chút lộc lấy may ngày đầu năm mới. Còn với xóm giềng thì mấy ngày Tết là khoảng thời gian họ đến nhà thăm nhau, dành cho nhau những lời chúc tốt lành, may mắn. Đáp lại tình cảm của khách, gia chủ sẽ dọn ra mâm cơm mời khách, đó là những món ngon nhất mà gia đình chuẩn bị. Trong những ngày Tết, mọi người thường kiêng từ chối, dù ít dù nhiều cũng phải ăn một chút để chủ nhà lấy may.
Những ngày Tết, sân đình thường là nơi tổ chức các trò chơi tập thể thu hút nhiều người tham gia. Các cụ chơi cờ tướng, thanh niên chơi kéo co, đập niêu đất, bịt mắt bắt dê, thi pháo đất, đám con trẻ chơi đánh bi, đánh đáo. Cả sân đình mấy ngày Tết luôn đông vui, nhộn nhịp… Tết ngày xưa chưa cấm pháo, nên pháo cũng là một dấu ấn khó phai trong hồi ức của nhiều người.
THANH HOA