Bất chấp các nguy cơ về mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhiều người hằng ngày đang phải đối mặt với bệnh tật vẫn "vô tư" ăn uống.
Khu vực chế biến thức ăn lộn xộn ngay trên vỉa hè
Việc người dân đổ xô về khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh khiến các quán ăn xung quanh đó ngày càng đông đúc. Bất chấp các nguy cơ về mất vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP), nhiều người hằng ngày đang phải đối mặt với bệnh tật vẫn "vô tư" ăn uống.
Chỉ vì tiệnCác quán ăn quanh bệnh viện nhộn nhịp nhất là vào buổi trưa, từ khoảng 10 đến 11 giờ 30. Đoạn vỉa hè trước cụm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản tỉnh dài chừng 200 m nhưng có tới 4 quán ăn "đóng đô" từ sáng đến tối. Gọi là quán ăn nhưng thực chất chỉ gồm 2- 3 chiếc bàn xếp thành hàng dài, che mưa nắng bằng những mảnh bạt. Khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi vào một quán ăn phục vụ cơm, phở, bún đông khách nhất nằm khuất sau nhà chờ xe buýt. Trong diện tích lấn chiếm vỉa hè rộng chừng 7 - 8 m2 có 5 người phục vụ, tập trung mọi hoạt động từ nấu nướng, chế biến thực phẩm, lấy thức ăn cho khách. Phía giáp tường rào là hệ thống bếp than, bếp ga, bình ga loại lớn, những can nhựa chứa nước và vô số bao tải, túi bóng vừa chứa rác, vừa chứa thực phẩm sống. Trên bàn, các đĩa thức ăn chín để ngay cạnh các đĩa thịt sống, tất cả đều không được che đậy. Thấy thức ăn trên bàn đã gần hết, một người trong quán nhanh tay xào nấu ngay phía giáp bờ tường, trước mặt khách ăn. Túi thịt lợn sau khi được thái một nửa, nửa còn thừa để trong chậu nhựa được đặt ngay xuống đất dưới gầm bàn khách đang ngồi ăn. Chủ quán cho luôn rau muống lôi ra từ chiếc bao tải vào chảo xào. Vì không có vòi nước ở khu vực này nên nước đun nấu được để trong các can nhựa. Chúng tôi không thấy chủ quán và mấy người phục vụ rửa tay hay rửa bất kỳ loại thực phẩm nào. Họ cứ nhanh tay lấy từng suất cơm cho khách, thu tiền rồi dọn các đĩa thức ăn thừa. Các đĩa nhựa sau khi khách ăn xong được vứt ngay vào một góc của vỉa hè. Dù tất cả đều hiển hiện trước mắt nhưng khách không để ý "vẫn vô" tư ăn và mua về cho bệnh nhân. Anh Hoàng Văn Được (ở xã Văn Tố, Tứ Kỳ) chăm vợ mới sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương vừa ăn xong lại gọi thêm 1 suất mang về cho vợ. Dù ngồi ngay ở chiếc bàn nhựa có chậu thịt lợn sống không che đậy đặt dưới chân và đầy xương, giấy ăn vứt dưới đất nhưng anh Được vẫn ăn thản nhiên. Anh cho biết: "Trong bệnh viện có bán nhưng thấy mọi người đều bảo ra ngoài này ăn rẻ và cũng ngon nên 3 ngày nay, tôi đều ra đây ăn. Hai vợ chồng ăn hai suất cũng chỉ hết 30 nghìn đồng".
Quán ăn quanh khu vực Bênh viện Đa khoa tỉnh rất đông khách
Gặp một người nhà sản phụ tất tả cầm hộp cháo từ cổng đi vào Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, chúng tôi hỏi: "Cô mua cháo ở đâu, chỗ cháo này bao nhiêu tiền?". Người phụ nữ nhanh nhảu chỉ ra phía cổng bệnh viện: "Có xe đẩy cháo đông người mua đấy. Hộp cháo thịt xay này 5.000 đồng". Chúng tôi thắc mắc: "Ăn thế này làm sao đủ chất cho bà đẻ hả cô?". "Biết là thế nhưng nhà tôi ở xa, tối mới có người mang cơm cháo lên, bữa trưa đành ăn tạm thôi", người phụ nữ cho biết. Ngay cổng Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, chiếc xe đẩy di động chuyên bán cháo dinh dưỡng có biển hiệu "Minh Tuấn" thường trực từ sáng sớm đến tối. Bà chủ chiếc xe đẩy cháo liên tục ngoáy cháo cho khách. Cháo nấu theo nhu cầu của khách, suất ăn dao động từ 5 đến 15 nghìn đồng. Vì đông khách nên dù cháo thịt xay hay cháo thịt băm thì chỉ được nấu chừng 1- 2 phút là xong một suất. Cạnh nồi cháo là nồi mỡ hành, mỗi suất cháo được cho thêm 1 thìa mỡ. Tất cả thịt, rau dù được để trong tủ kính nhưng tủ lại không có cánh cửa đóng mở, các hộp thức ăn không có nắp đậy.
Quy định về VSATTP chậm đi vào cuộc sốngTheo ông Nguyễn Văn Doanh, Trưởng phòng Y tế TP Hải Dương, đối chiếu với những quy định cụ thể trong Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện VSATTP đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thì việc kinh doanh thức ăn đường phố nói chung hay những quán ăn quanh bệnh viện nói riêng hiện còn nhiều bất cập. Diện tích kinh doanh của các quán ăn nhỏ hẹp, nhiều quán có vị trí tạm thời. Quy trình chế biến chưa bố trí theo nguyên tắc một chiều, nhiều cơ sở chỉ rộng vài mét vuông vừa chế biến, nấu, phân chia thức ăn. Việc kê các bàn theo yêu cầu chế biến lại càng không có. Thức ăn đường phố còn chịu tình trạng ô nhiễm khói, bụi do đặt ở những điểm đông người, đầu mối giao thông. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm khi chế biến và chuyển đến người tiêu dùng. Việc quản lý loại hình này còn nhiều khó khăn, nhất là người bán hàng chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, vốn ít, thất thường nên không có điều kiện kinh doanh theo quy định. Hình thức xử phạt cũng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở. Để chấn chỉnh hoạt động trên thì hiện nay biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở, tập huấn kiến thức cho các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức của họ.
Hằng năm, ngành y tế tỉnh đều tổ chức tập huấn cho các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, trang bị đầy đủ kiến thức cho họ khi hành nghề. Tuy nhiên, còn nhiều hộ kinh doanh khi được triệu tập vẫn không đến tập huấn. Trong khi đó, hộ được tập huấn rồi vẫn không chấp hành nghiêm các quy định. Trên tủ kính của quầy cháo dinh dưỡng "Minh Tuấn" dán tờ giấy chứng nhận (bản phô- tô) cơ sở đủ điều kiện kinh doanh loại hình cháo dinh dưỡng do UBND phường Thanh Bình cấp. Tuy nhiên, trên tờ giấy lại ghi rõ nơi đăng ký kinh doanh ở phố Bình Lộc (TP Hải Dương) chứ không phải cổng bệnh viện. Khi chúng thắc mắc về tờ giấy chứng nhận kia, bà chủ quầy cháo cho biết: "Ngoài cơ sở ở phố Bình Lộc, hơn 1 năm nay, tôi mở thêm quầy cháo ở cổng bệnh viện, phục vụ cả 3 bữa sáng, trưa, tối cho khách". Dù đã có kiến thức về kinh doanh thức ăn đường phố nhưng bà chủ quán này lại không tuân thủ đúng quy định.
Theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện VSATTP đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, thức ăn phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn phải dùng găng tay sử dụng một lần; trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định; có giấy khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định |
MINH HẠNH