Mặt trái của chuẩn hóa giáo viên

30/12/2018 11:40

Thời gian qua, không ít giáo viên rất vất vả để hoàn thành các yêu cầu chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghề nghiệp. Đáng chú ý, một số yêu cầu chuẩn hóa mang tính hình thức...

Nhiều lớp học tập, bồi dưỡng dành cho giáo viên chưa thiết thực, gây lãng phí thời gian, tiền bạc (ảnh mang tính minh họa)

Áp lực chuẩn hóa, trên chuẩn

Thời gian qua, nhiều giáo viên ở các bậc học mệt mỏi vì phải theo học các lớp chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiếng Anh theo yêu cầu. Các lớp học này kéo dài cả tuần cho đến hàng tháng. Tham gia lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các học viên phải học hơn 1 tháng với các kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước, các kỹ năng chung; kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với yêu cầu chuẩn về chức danh nghề nghiệp, giáo viên còn phải theo học các lớp để đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn. Những năm qua, giáo viên tiếng Anh của các trường dạy chương trình ngoại ngữ mới phải cố gắng để đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của châu Âu. Đạt được chứng chỉ này, giáo viên phải học miệt mài hàng tháng trời. Người ít từ 1 - 2 tháng, người nhiều mất hơn 6 tháng. Có người nhiều năm liên tục ôn luyện nhưng thi không đỗ. Cô giáo Phạm Thị Hiên dạy môn tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) chia sẻ: "Mấy năm trước, tôi tham gia thi lấy chứng chỉ C1. Để thi được, chúng tôi phải ôn luyện liên tục 6 tháng, gồm suốt 3 tháng hè và 3 tháng trong năm học phải ôn luyện vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Cuộc sống gia đình chúng tôi bị đảo lộn vì phải bố trí thời gian học. Cùng với đó là áp lực học tập, công việc chuyên môn, lo lắng liệu khi thi có đỗ hay không".

Ngoài ra, không ít trường chạy theo thành tích nên yêu cầu giáo viên các bộ môn ngoài đạt chuẩn còn phải có bằng cấp trên chuẩn. Do đó, giáo viên vừa lo việc chuyên môn vừa phải dành hàng năm trời, tự lo hầu hết kinh phí để đi học lấy bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ. 

Hiện nay, do quy định không thống nhất nên trong năm học, ngoài các lớp tập huấn, bồi dưỡng của ngành giáo dục và đào tạo, giáo viên còn phải tham gia lớp học do các ngành liên quan khác tổ chức. Đặc biệt, phải thường xuyên thay đổi chương trình, phương pháp dạy học làm cho giáo viên mất nhiều thời gian tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn.

Học để... đối phó

Thời gian qua, nhiều giáo viên vì phải đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa đã ảnh hưởng đến công việc chuyên môn (ảnh mang tính minh họa)

Theo phản ánh của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, nhiều quy định chuẩn hóa về chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn còn chưa hợp lý. Trong đó, bất cập nhất là yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Theo Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Duy Hưng, đối với quy định chuẩn hiệu trưởng yêu cầu sử dụng ngoại ngữ từ mức giao tiếp thông thường đến mức thành thạo và chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường ở thời điểm hiện tại khó đáp ứng. Quy định giáo viên mầm non, tiểu học phải biết sử dụng ngoại ngữ chưa phù hợp. "Lý do chính là chương trình đào tạo ngành sư phạm của các trường đại học, cao đẳng trong nước chú trọng vào chuyên ngành mà chưa quan tâm đến năng lực ngoại ngữ, nhất là năng lực thực hành. Thực tế công tác tại các cơ sở giáo dục không có môi trường để cán bộ, giáo viên sử dụng thường xuyên nên dù có kiến thức về ngoại ngữ nhưng năng lực giao tiếp, sử dụng sẽ hạn chế, kể cả người được đào tạo chuyên ngành cũng  bị mai một", ông Hưng cho biết.

Còn đối với yêu cầu giáo viên dạy chương trình tiếng Anh mới phải đạt khung năng lực ngoại ngữ châu Âu thì nhiều giáo viên cho rằng điều kiện còn cao. Từ việc đạt được trình độ theo yêu cầu đến áp dụng vào thực tế dạy học chưa hợp lý. Trong khi khung năng lực ngoại ngữ đòi hỏi đạt yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng điều giáo viên cần hơn là những phương pháp dạy học mới, khả năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp bài giảng hấp dẫn, hiệu quả hơn thì chưa được quan tâm.

Ngoài ra, do quản lý chưa chặt chẽ nên việc học, bồi dưỡng của không ít giáo viên còn mang tính đối phó. Do quá coi trọng văn bằng, chứng chỉ đã khiến nhiều giáo viên cố gắng học, thi để cho bảo đảm quy định, chưa quan tâm đến những kiến thức mình học có sử dụng trong công việc hay không. Cho nên, hiện nhiều giáo viên có trình độ đạt yêu cầu nhưng năng lực thực tế chưa tương xứng.

Bên cạnh đó, các lớp học tập, bồi dưỡng được tổ chức mang tính hình thức như nội dung cũ, trùng lặp... Từ những áp lực công việc và chế độ, chính sách, thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra, nhiều giáo viên đã phải từ bỏ sự nghiệp cao quý làm thầy để đi tìm việc khác, nhất là giáo viên hợp đồng bậc mầm non, tiểu học.

Để nâng cao chất lượng học tập, bồi dưỡng cho giáo viên, các cấp, các ngành liên quan cần chú ý bổ sung những nội dung mới, thiết thực. Những kiến thức nào giáo viên đã được truyền đạt ở những năm trước thì cần loại bỏ. Các cơ sở giáo dục cần có cơ chế, chính sách quan tâm đến việc tự học, tự nghiên cứu, tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, chuyên đề...

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Mặt trái của chuẩn hóa giáo viên