Quê tôi bên bờ sông, một dòng sông hiền hòa có lau lách ven bờ với những cụm tre la đà nơi bến nước. Từ xưa, làng tôi nổi tiếng bởi có nhiều cô gái đẹp. Mẹ tôi sinh ra, lớn lên từ đó, đương nhiên là đẹp. Nét đẹp của bà qua hình ảnh để lại là cô gái quê chân chất, có mái tóc dài đen mượt bới gọn sau gáy với áo bà ba, quần lĩnh đi vào hội làng. Đâu có nón quai thao, yếm thắm, hài cỏ mà chỉ có chiếc nón lá với đôi guốc mộc trắng không sơn son thếp vàng được bày bán nhan nhản ở chợ quê lúc bấy giờ. Tôi từng hỏi, bà vẫn cười, làn môi cắn chỉ còn đọng trên khuôn mặt mang nhiều nếp gấp thời dĩ vãng: “Làng mẹ nổi tiếng, nhất gái L.H. mà!”. Cũng chẳng hiểu vì sao, vùng mẹ đâu phải gạo trắng nước trong. Cũng đâu phải nơi xuất xứ của làn điệu cò lả. Mỗi lần nói xong bà lại im lặng, mắt dõi nhìn lên hình cha tôi được đặt trang trọng giữa nhà để mơ màng một chút, để chớp đôi mắt đen tròn nay đã sùm sụp dưới làn mi một chút. Tôi thoáng nhận thấy đôi mắt của mẹ ánh lên sự ấm áp một thời. Thời những cô thôn nữ từng tiễn các chàng trai, trong đó có cha tôi lên đường kháng chiến vào chiều đầu thu nơi bờ sông vọng tiếng bìm bịp gọi con nước ròng và dưới chân là nhịp cầu sắt đổ gãy. Mẹ từng đứng đó trong hoàng hôn tím sẫm. Từng cơn gió lạnh rú rít thổi về để mẹ thảng thốt nhớ ra giọt máu trong mình đang giãy cựa và ra về bằn bặt tin chồng. Rồi mẹ cũng rời làng quê, dẫn theo đứa con vừa bập bẹ ra phố sinh sống. Tôi từng đùa mẹ: “ Con sẽ về kiếm vợ nơi mẹ sinh ra”. Bà cười. Để bao lần tôi về quê ngoại với con tàu chợ bánh sắt rung lắc từng đợt, phun khói mịt mù, bẩn nhớp nháp, rồi dừng lại ở sân ga cô quạnh. Thăm quê, thăm ngoại, thăm bạn bè của mẹ. Để chợt nhận ra họ đã già, nét đẹp thanh xuân còn phảng phất qua ánh mắt, làn môi bết bã trầu. Họ cũng lặng lẽ như mẹ, bên con, cạnh cháu và hướng mắt về đầu làng, tai lắng nghe tiếng tu hú gọi mùa.
Một mùa thi qua đi, bỏ lại dư âm tiếng trống trường và hàng phượng vĩ trổ hoa. Tôi lại về để lang thang khắp cánh đồng, nơi đám mía trổ cờ, soi dưa chi chít quả, và thêm nữa, tình cảm chợt đến từ bến sông quê nhà. Mật. Cô gái con chủ đò có cặp mắt phượng đen dài, sâu thẳm luôn ẩn hiện dưới làn mi và che chắn bởi chiếc nón lá. Chuyến đò hôm ấy không phải mình tôi, còn khách qua sông râm ran chuyện trò. Tôi ngồi ngắm Mật, nhìn dòng nước chảy và những bong bóng vỡ đều khi mái chèo nhẹ nhàng thả xuống. Mật cũng trộm nhìn qua vành nón lá để quan sát người khách lạ. Thân hình thon thả, mềm mại, uyển chuyển ở mỗi nhịp chèo khua nước, với làn da nâu, đen giòn hồng lên trong ráng chiều mặt sông. Chờ mọi người rời bến, tôi đi sau và chọn tờ bạc có giá trị lớn nhất đưa Mật. Cô lái đò khẽ lắc đầu, nói nhỏ: “Để khi khác”. Tôi lại nhìn cặp mắt phượng đang cụp xuống dưới vành nón khuất, bàn tay thoăn thoắt cuộn dây vào cọc, thoáng ngẩng: “Ông chưa về?”.
Hôm sau, chiều hôm sau nữa tôi lại đi trên chuyến đò ấy, để thành khách quen, để nhận ra vẻ đẹp của buổi hoàng hôn trên bến vắng, có ráng hồng ở bầu trời xa, có làn gió thổi nhẹ, những con sóng lấp liếm bến bờ và có cả những rung cảm bởi nụ cười e thẹn, tia mắt như ánh chớp trời chiều. Mật bên cạnh, gần mà xa, như những cánh chim nhấp nhô trên mặt sóng, vụt đến và chao đi vội vã.
Tôi đến nhà Mật cách bến sông quãng đường. Người cha có quen biết mẹ tôi, cô gái năm xưa cùng làng và cũng có một thời hẹn hò nào đó: “Tôi chết vì cặp mắt mẹ cậu! Nhưng thua người bạn học cũ”. Ông cười, nụ cười sông nước vang xa. Tôi hỏi về cha tôi, dù nghìn lần mẹ kể. Ông lảng tránh, chỉ trả lời: “Tôi lấy mẹ nó, người bạn bà ấy”. Bạn mẹ tôi, người làng, hẳn đẹp. Ngồi uống rượu cùng ông, một già, một trẻ trong ánh trăng ẩn hiện và âm thanh cồm cộp của bạn chài gõ mạn thuyền lùa cá mặt sông vọng về. Ông giảng giải thi ca, thơ phú. Tôi mù tịt, chỉ ậm ừ, dõi mắt tìm Mật đang lấp ló nơi cửa. Khuya, tôi về. Mật tiễn. Hai người đi dạo trong trăng quê có đom đóm lập lòe mặt sông, tiếng cá quẫy và hơi nước thoảng qua. Đi bên cạnh, tôi bạo dạn nắm tay Mật, bàn tay thon mềm, ấm nóng đang cố giằng: “Đừng anh!”. Mật như có cái gì lôi cuốn, càng lảng tránh thì tôi càng muốn lao vào. Mật khẽ chớp mắt, lắc đầu trong hơi thở dồn dập, mùi hương thiếu nữ nhẹ thoảng. Tôi ra về, lúc quay người sang ngã rẽ, vẫn thấy Mật bên cổng trông theo. Tôi ngước nhìn vòm tre lao xao thoáng nghĩ có phải bây giờ tình yêu thơ trẻ đã giống một thời của cha trên đất mẹ.
Một đêm trời nóng, tôi tìm rủ Mật ra vệ sông đón gió. Vào nhà không có ai, tôi ra sau nhà. Mật đang tắm, cơ thể thiếu nữ phô bày trước mắt trong ngàn tia nước lấp lánh ánh sao. Mật tròn trịa và từng đường cong hiện dần qua lớp vải. Tôi thở dốc bàng hoàng, người chúi vào đống rơm ẩm mục, hăng nồng. Mật vô tình hát, vô tình thoát y, vô tình phơi diễn những bản năng thời mẹ sinh ra nơi thềm giếng đá. Rồi Mật vào nhà, tôi lén trở ra. Ngồi nơi vệ sông cùng Mật, hình ảnh Mật tắm quay ngược vào đôi mắt thẳm, làn môi ướt mọng, mái tóc mát rượi cận kề làm tôi phát cuồng. Tôi ôm lấy Mật siết chặt, nàng run rẩy khi tôi thô bạo kiếm tìm. Làn cúc áo vừa bật, tôi nhận lấy cái tát trời giáng cộng hưởng với ngàn sao lấp lánh trên cao và từng bầy đom đóm nhấp nháy dưới chân. Mật nức nở bỏ về trong ánh trăng suông và gió rì rào len lỏi qua từng đám lau lách.
Cây cầu sắt đổ gãy vào thời Nhật được dựng lên cho hỏa xa Pháp đi qua mà vẫn tồn tại đến giờ để thanh niên thị trấn và các làng qua lại hẹn hò dưới chân cầu. Tôi giận Mật, không đi đò mà lội bộ qua cầu sắt, lên phố đến nhà bà con. Tuổi trẻ với bạn bè hòa trong tiếng cười rộn rã. Tôi có dịp làm quen Hạnh, cô gái vùng thị trấn cách nhà ngoại mặt sông. Hạnh đẹp, nói chuyện có duyên, nổi bật trong đám bạn với mái tóc hợp thành thị, mắt sắc cạnh, lúng liếng khi nhìn mọi người. Hạnh thích tôi, chàng trai quê nhà, đang sống thành phố. Tôi thường đến nhà Hạnh, cửa hiệu may mặc lớn nhất phố huyện và cũng là nơi tập trung cả bọn. Nhưng tôi vẫn không quên được Mật, nhất là hôm thấy Mật lên chợ mua hàng. Mật chỉ đưa mắt nhìn rồi quay đi khi tôi bước vào cửa hiệu. Hôm sau, tôi về ngoại. Cả bọn kéo theo và đi trên chuyến đò của Mật. Mật yên lặng, khua chèo trong nước, khẽ chao nghiêng khi va phải những đám lục bình trôi nổi và vấp nhịp khi tiếng cười đùa, xô đẩy, la ré vụt lên. Tôi kêu thầm khi Hạnh ngồi sát cạnh để bạn bè châm chọc. Tôi nhìn Mật, khuôn mặt như sâu hơn dưới vành nón lá, bàn tay khua khoắng mái chèo vội vã. Lúc đưa tiền, khi chỉ còn tôi với Mật, tôi nhận thấy đôi mắt thoáng nhìn, hai đuôi con mắt thoáng ướt và cái lắc đầu nhè nhẹ. Tôi dúi vội, Mật vứt nhanh vào rổ cá dưới mạn thuyền. Chiều đó, bến sông vắng đò ngược bến. Khẽ quay người, tôi dõi mắt nhìn về dòng sông mờ sương mong thấy chiếc đò vắng trong hoàng hôn nhạt nhòa.
Mẹ về ngoại. Gặp ngay tôi ở nhà Hạnh. Bà cười với chuyến thăm quê quên thời gian của đứa con trai. Hạnh và gia đình vồn vã chào mời nhưng mẹ khước từ. Rồi cũng trên chuyến đò ngang bà thấy Mật với những cử chỉ lúng túng của tôi. Bà hiểu, im lặng, dõi mắt nhìn mặt sông gợn sóng.
Năm sau, nơi bờ sông Seine lúc trời nhạt nắng, tôi đọc thư mẹ gửi sang: “Mật lấy chồng, một chàng trai làm nghề chài lưới bên kia sông, nó sẽ có hạnh phúc”. Tịnh không một dòng về Hạnh.
Chuông nhà thờ sau lưng gióng hồi chuông ngân vang, bầy chim câu chao cánh vội vã. Kéo vội cổ áo tránh rét, tôi thẫn thờ nhịp gót trên từng bậc đá. Vậy là Mật không tha thứ cho tôi dù những bức thư gửi về đều đặn, cả mẹ cũng yên lặng cùng Mật. Sương mù dâng lên dày đặc mặt sông, còi tàu hú gọi xa xa, những ghế đá dần vắng người, tôi vẫn đếm bước, mặt vẫn nhìn dòng sông và bầu trời Âu mơ về đôi mắt phượng có hàng mi sâu thẳm nơi quê nhà mãi mãi khép chặt trong lòng.
Đêm ấy, tôi thức nghe gió và tuyết rơi trên thềm vắng, không biết mùa này ở quê nhà bên dòng sông và bến cũ có cơn mưa nhỏ nào không? Ngoài trời tuyết đã rơi trắng xóa, chợt nghĩ về những bông lau bay dập dờn theo gió.
HUỲNH THẠCH THẢO