Đó là anh Nguyễn Văn Dụ (sinh năm 1970) ở xóm 3, thôn An Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà).
Mỗi năm, gia đình anh Dụ thu lãi 60 triệu đồng từ chăn nuôi lợn, gà, vịt
"Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay" nhưng với nghị lực, anh Nguyễn Văn Dụ (sinh năm 1970) ở xóm 3, thôn An Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà), người không còn hai bàn tay đã vượt lên chính mình từng bước thoát khỏi đói nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.
Sinh ra trong một gia đình nông dân, anh Dụ được gia đình cho ăn học và phụ giúp bố mẹ những công việc vặt trong nhà. Năm 13 tuổi trong một lần đi chăn vịt cho HTX, anh trèo lên cột điện bắt chim không may bị điện giật. Nửa năm chữa trị ở bệnh viện, anh đã phải cắt bỏ gần hết một cánh tay phải và bàn tay trái. Để thích nghi với hoàn cảnh và không phải lệ thuộc vào người khác, anh kiên trì tập luyện. Anh Dụ cho biết: "Trước đây ăn tay phải, sau tập ăn bằng khuỷu tay trái. Lúc đầu cũng khó khăn, sau luyện tập mãi dần thành quen". Được tận mắt chứng kiến chỉ với một khuỷu tay trái còn lại, anh Dụ nâng cả chiếc thùng cám cho lợn ăn, rồi đong thóc cho gà ăn, mới thấy được nghị lực vươn lên của người nông dân này. Hằng ngày, anh vẫn lùa vịt ra đồng chăn thả, khi về nhà lại phụ giúp vợ nuôi lợn, gà.
24 tuổi, anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Tiến cùng xã. Lần lượt 2 đứa con ra đời càng thôi thúc anh Dụ quyết tâm vươn lên để phát triển kinh tế, nuôi con ăn học.
Nhận thấy nuôi vịt vừa phù hợp với sức khỏe, lại nhanh được xuất bán, ban đầu anh nuôi vịt thịt, sau đó chuyển sang nuôi vịt đẻ. Anh đã sang tận Hưng Yên để mua vịt giống về nuôi. Thật không may, anh nuôi 5 - 6 tháng, vịt bắt đầu đẻ trứng lại gặp dịch H5N1 nên toàn bộ 500 con vịt đẻ phải tiêu hủy, thiệt hại 30 - 40 triệu đồng chưa kể công chăm sóc.
Toàn bộ vốn liếng bị mất, vợ chồng anh lại rơi vào cảnh không biết bắt đầu từ đâu. Không đầu hàng trước khó khăn, anh Dụ bàn với vợ tiếp tục vay tiền để chuyển sang nuôi bò. Nói là làm, anh huy động tiền mua 1 con bò nái sinh sản. Bao nhiêu công chăm sóc chăn thả, mong từng ngày bò đẻ lứa đầu tiên để thu hồi vốn, gia đình anh lại gặp dịch lở mồm, long móng trên đàn gia súc. Bê con sinh ra nuôi 5 - 6 tháng chỉ bán được 2,5 triệu đồng. 3 năm nuôi bò sinh sản, thấy hiệu quả kinh tế không cao, lâu được xuất bán để thu hồi vốn, anh lại quyết tâm tìm hướng đi khác. Khi dịch bệnh trên đàn gia cầm đã hết, anh lại quay về nuôi vịt thịt. Theo anh Dụ, nuôi vịt thịt chỉ 2 tháng được xuất bán, vịt thả đồng nên chi phí không nhiều. Mỗi năm, gia đình anh xuất 2 lứa vịt với khoảng 3 tấn thịt. Không chỉ nuôi vịt thịt, anh còn nuôi gà thương phẩm, cứ 4 tháng lại xuất bán một lần, mỗi lần khoảng 600 kg. Năm 2011, anh vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây 1 dãy với 3 ô, trong đó 2 ô nuôi lợn thịt, mỗi ô rộng trên 20 m2, ô còn lại nuôi lợn nái để lấy con giống nuôi thịt.
Để phù hợp với sức khỏe, anh nuôi lợn cho ăn thẳng, chuồng trại thiết kế tự động có hệ thống nước uống, làm mát. Mỗi năm, anh xuất 2 lứa lợn với khoảng 6 tấn thịt hơi. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi khoảng 60 triệu đồng từ chăn nuôi.
Kinh tế chưa dư dật nhưng tấm gương vươn lên của anh Dụ thật đáng khâm phục.
NGỌC HÀ