Mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức cao

20/07/2013 09:02

Từ năm 2008 đến nay, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh ở Thanh Miện luôn ở mức cao, điển hình như năm 2008 là 137 trẻ em trai/100 trẻ em gái...


Số trẻ em nam nhiều hơn nữ tại lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Thanh Tùng (Thanh Miện)

Huyện Thanh Miện đang ở mức báo động đỏ về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Từ năm 2008 đến nay, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện luôn ở mức cao, điển hình như năm 2008 là 137 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2012 là 134/100. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ số giới tính khi sinh tuy giảm nhưng vẫn ở mức 118/100 (cao hơn mức bình quân chung cả nước). Tình trạng MCBGTKS sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt kinh tế, xã hội, thậm chí cả về an ninh, chính trị.

"Sính" con trai

6 tháng đầu năm nay, tỷ số giới tính khi sinh ở xã Hồng Quang nhảy vọt từ 111/100 (năm 2012) lên 160/100. Đáng chú ý là trong 7 ca sinh con thứ 3 từ đầu năm đến nay thì có tới 5 ca là con trai, 1 trẻ có bố là đảng viên. Chị Trương Thị Thủy, Phó trưởng Ban Dân số xã cho biết: "Những trường hợp sinh con thứ 3 năm nay đều là những ca mà bà mẹ đã nhiều tuổi, thậm chí có ca người mẹ đã 49 tuổi. Đa số họ đã có 2 con gái, một số trường hợp còn rủ nhau đi lấy thuốc uống để sinh con trai". Cũng theo chị Thủy, tình trạng sinh con thứ 3 và có lựa chọn giới tính thai nhi để mong có con trai diễn ra nghiêm trọng nhất ở thôn An Bình. Trong số 10 ca dự kiến sinh con thứ 3 từ nay đến cuối năm thì thôn An Bình chiếm tới 6 ca. Được biết, điều kiện kinh tế các gia đình ở thôn An Bình khá giả hơn các thôn khác nên tâm lý muốn có đông con khá phổ biến.

Qua khảo sát, đánh giá của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2012 tại 4 xã có tỷ số giới tính khi sinh cao của huyện Thanh Miện gồm: Hồng Quang, Thanh Tùng, Ngũ Hùng, Chi Lăng Bắc cho thấy: 75% số người được hỏi rất thích con trai, 86% số người biết về MCBGTKS và hậu quả của nó, 70% số người biết lựa chọn giới tính khi sinh là không hợp pháp, 41% số người cho biết có thể phá thai vì lý do giới tính. Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Thanh Miện, dù đa số người dân đã có hiểu biết về tình trạng MCBGTKS và hậu quả của nó nhưng vì tâm lý "sính" con trai đã ăn sâu vào tiềm thức nên rất khó thay đổi. Mong muốn có con trai trong khi mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh từ 1- 2 con  nên họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp ứng được cả hai mục tiêu.

Khó kiểm soát


Tâm lý "sính" con trai đã khiến các hoạt động kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn huyện Thanh Miện gặp nhiều khó khăn. Thanh Miện là 1 trong 6 huyện trong tỉnh triển khai đề án "Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS" từ năm 2009 đến nay. Hoạt động của đề án tập trung vào tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số và y tế thôn. Qua đó, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS, tập trung vào nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Cán bộ tư pháp xã trực tiếp tư vấn, cung cấp tờ rơi cho đối tượng đến đăng ký kết hôn. Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình...

Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp trên cũng chỉ như "muối bỏ bể". Theo ông Nguyễn Đức Hiền, thách thức đặt ra là nhận thức của người dân, đặc biệt là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về pháp luật liên quan tới việc lựa chọn giới tính khi sinh còn rất hạn chế. Cán bộ làm công tác dân số- KHHGĐ cơ bản mới vào ngành nên chưa đáp ứng được những vấn đề mới phát sinh trong công tác, nhất là tuyên truyền, vận động giảm thiểu MCBGTKS. Chất lượng đội ngũ cộng tác viên dân số chưa đồng đều và luôn có sự biến động (trung bình tỷ lệ biến động khoảng 8%/năm) nên kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế. Bên cạnh đó, thù lao 120 nghìn đồng/tháng chưa khuyến khích họ phát huy hết khả năng và trách nhiệm trong công việc. Việc xử lý vi phạm về chính sách dân số như sinh con thứ 3 trở lên đối với đảng viên, công chức chưa nghiêm, đối với người dân hầu như không xử phạt. Tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi là giải pháp quan trọng nhưng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia lại vừa giảm vừa chậm nhiều so với những năm trước cũng ảnh hưởng đến việc triển khai một số hoạt động.

Tăng cường biện pháp

Từ cuối năm 2012, 4 xã có tỷ số giới tính khi sinh cao của huyện Thanh Miện gồm: Hồng Quang, Ngũ Hùng, Chi Lăng Bắc, Thanh Tùng đã thực hiện các hoạt động kiểm soát MCBGTKS thuộc dự án "Phòng, chống bạo lực gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" (dự án VNM8P08) do Quỹ dân số Liên hợp quốc tài trợ. Dự án được triển khai đến năm 2016, trong đó gói can thiệp kiểm soát MCBGKS dự kiến triển khai được xây dựng trên cơ sở giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, đặt trọng tâm vào việc giải quyết các vấn đề xuất phát từ bất bình đẳng giới và sử dụng, lạm dụng công nghệ y tế nhằm mục đích lựa chọn giới tính khi sinh. 4 nhóm giải pháp gồm: vận động chính sách, truyền thông thay đổi hành vi; tăng cường thực thi pháp luật; nâng cao giá trị trẻ em gái; cải thiện hệ thống báo cáo giám sát về MCBGTKS.

Bên cạnh đó, toàn huyện tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi. Chú trọng truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở cơ sở với cách tiếp cận và thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng bao gồm: những người đứng đầu các dòng họ, người cung cấp dịch vụ liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới trong và ngoài nhà trường với nội dung và hình thức thích hợp ở từng cấp học. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ chung tay góp sức của nhân dân trong huyện. Từng bước nâng cao chất lượng bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác dân số- KHHGĐ từ huyện đến cơ sở. Tăng cường thực hiện pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức cao