Để chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không nên chỉ trông vào chính sách tiền tệ mà cần có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác...
Nhiều đại biểu quốc tế nhận xét Việt Nam đang có mặt bằng lãi suất cao hàng đầu khu vực
Tại hội thảo quốc tế về “chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thế giới biến động” ngày 18-11, nhiều đại biểu quốc tế nhận xét Việt Nam đang có mặt bằng lãi suất cao hàng đầu khu vực.
Ông Iskandar Simorangkir (trưởng Ban nghiên cứu kinh tế Ngân hàng Trung ương Indonesia) cho biết Indonesia đang có xu hướng cắt giảm lãi suất mạnh mẽ: “Chúng tôi đã duy trì lãi suất của Ngân hàng Indonesia ở mức 6,5%/năm, đến tháng 2-2011 tăng lên 6,75%/năm và giữ cố định. Đến tháng 10-2011, chúng tôi lại giảm xuống còn 6,5%/năm và cách đây một tuần đã giảm còn 6%/năm. Việc ấn định lãi suất được thực hiện sao cho tương thích với mục tiêu lạm phát”.
Ông Antonio B. Cintura (trưởng Ban nghiên cứu kinh tế của Phòng ổn định tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Philippines) nói mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines không bằng Việt Nam và Indonesia, nhưng lạm phát từ đầu năm 2011 đến nay của Philippines được kiểm soát trong mục tiêu 3-5%.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng để chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì không nên chỉ trông chờ vào mỗi chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, mà cần có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
(Nguồn: TT)