Ở ngôi làng ấy, nơi mà Ngọc sinh ra và lớn lên, bây giờ mọi người gắn cho cô cái tên là gái ế.
Vốn dĩ cô cũng là người có nhan sắc trời phú, có nước da đẹp và khuôn mặt tròn dễ thương. Vào độ tuổi dậy thì, hàng xóm láng giềng ai cũng khen cô: “Xinh thế này, lớn lên là đắt chồng lắm đây”. Khi ấy, cô còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện chồng con.
Ngày cô đỗ đại học rồi xa gia đình lên thành phố thuê trọ, không chỉ bố mẹ mà họ hàng đều động viên cô phải cố gắng học hành giỏi giang để sau này không phải về quê làm đồng ruộng như bố mẹ. Mẹ cô thì luôn miệng dặn dò con gái: “Lên ấy chịu khó học hành, đừng có chơi bời hay yêu đương sớm nhé!”.
Rồi cô chính thức đặt chân lên thành phố, nơi phồn hoa và đầy rẫy sự cám dỗ, nhưng Ngọc vẫn giữ nguyên bản chất hiền lành, ngoan ngoãn của một cô gái quê, ngoài học ra cô không chơi bời gì. Thời gian cô học trên thành phố, có không ít chàng trai tới tán tỉnh, bày tỏ tình cảm với cô mong nhận được sự chấp thuận nhưng cô đều từ chối khéo léo vì vẫn còn là sinh viên, phải tập trung vào học tập.
Cô tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi trong tay, không quá khó khăn để xin vào làm kế toán của một công ty tư nhân trên thành phố. Vậy là cô có công việc ổn định. Cứ cuối tuần cô lại về thăm nhà một lần. Thấy Ngọc càng lớn càng xinh, mọi người lại trêu: “Mày lấy chồng đi thôi, 23 tuổi rồi còn gì nữa, nhanh không lại ế. Cùng lứa ở làng chắc còn mỗi mày với cái Hằng con nhà ông Phúc là chưa có ai rước đấy”. Ở làng cô những người không học cao thường lấy chồng rất sớm. Có người bằng tuổi cô nhưng đã một nách hai con rồi. Cô chỉ cười trừ khi nghe họ nói vậy. Bố mẹ cô cũng không có ý kiến gì về chuyện tình cảm của con vì muốn để con gái tự do quyết định chuyện quan trọng cả đời mình.
Năm năm trôi qua, cô vẫn làm kế toán trên thành phố nhưng không còn hứng thú về quê như trước nữa. Mỗi lần về quê với cô giống như một cơn ác mộng vì không biết từ bao giờ mọi người đã coi cô như gái ế của làng. Cô hạn chế tối đa số lần về quê, có khi đến 3 tháng cô mới về quê thăm bố mẹ một lần rồi lại vội đi ngay. Vì mỗi lần về là cô lại phải nghe những lời xì xào, bàn tán to nhỏ của mọi người. Có người thì nhìn cô với ánh mắt tò mò: “Sao nó vẫn chưa chịu lấy chồng nhỉ?”. Có người quan tâm thì hỏi cô: “Mày yêu ai rồi? Định bao giờ cho các cô ăn cỗ đây?”. Có người lại hỏi thẳng vào mặt cô: “Sao đến giờ mày vẫn chưa chịu lấy chồng, hay mày bị bệnh gì?”.
Dường như không ai hiểu cho nỗi lòng của Ngọc, họ chỉ biết xát thêm muối vào trái tim cô. Có lần cô về quê đi dự đám cưới cô bạn hàng xóm mà mọi người xúm lại hỏi cô chuyện chồng con như thể cô là trung tâm của mọi sự chú ý, làm cô thấy phát ngại. Ngọc chỉ dám nhìn lướt qua họ bảo “Cháu ế rồi” và lảng đi chỗ khác. Rồi cô đi tới đâu cũng có cảm giác mọi người đang nhìn và bàn tán về mình. Càng ngày cô càng không muốn đi đâu, ngại gặp gỡ, chuyện trò với mọi người. Số lần về quê của cô ngày càng giảm. Có về cô cũng hạn chế ra ngoài, chỉ quanh quẩn ở nhà dọn dẹp hoặc xem phim rồi ngủ một giấc thật dài để quên đi mọi chuyện. Có những đêm cô ngủ mà nước mắt cứ thế trào ra vì trong tâm trí cô không thể nào quên được những gì đã xảy ra. Cô nghĩ về mối tình đầu dang dở, về cái danh “gái ế” mà mọi người gắn cho cô và những lời nói, cử chỉ, thái độ mà cô nhận được từ họ. Cái cô cần bây giờ chỉ là sự bình yên.
Mẹ cô cũng bắt đầu thấy lo lắng cho con. Thật ra cô cũng từng yêu một anh chàng bác sĩ trên thành phố nhưng do hai tuổi không hợp nhau nên gia đình nhà trai không cho cưới. Mối tình đầu của cô chấm dứt trong sự đau khổ của cả hai, trái tim cô như bị một mũi dao đâm trúng khó có thể lành lại. Từ đó cô khép mình với tất cả các chàng trai đến tìm hiểu hay nhắn tin, gọi điện tán tỉnh. Mẹ cô biết chuyện nên chỉ an ủi và hạn chế nhắc chuyện yêu đương với cô để cô có thời gian chữa lành vết thương lòng. Bà chỉ hy vọng một ngày nào đó con bà sẽ mở lòng để đón nhận một tình yêu chân thành từ một chàng trai khác.
THANH GIANG