Những ngày cuối năm 2017, cộng đồng mạng được một phen xôn xao trước sự kiện hi hữu trên mạng xã hội Facebook.
Tối 29.12, một nhóm thanh niên cầm theo nhiều hung khí chặn xe trên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn qua Phú Thọ để "xin" tiền. Diễn biến của vụ việc được một người trong nhóm này phát trực tiếp qua hình thức livestream trên Facebook cho mọi người theo dõi. Một thanh niên còn liên tục thông báo số lượng người đang xem cho những người còn lại. Hành vi phạm tội của nhóm thanh niên đã rất rõ ràng, song điều làm dư luận thêm phẫn nộ là theo lời khai ban đầu tại cơ quan công an, động cơ của chúng đơn giản chỉ là để khoe với bạn bè trên Facebook. Thói thích "câu like" trên mạng ảo đã mang lại những hậu quả khôn lường trong đời thực.
Nguy cơ thông tin trên mạng ảo gây hậu quả xấu đối với đời sống thực đã được chính những người điều hành các mạng xã hội thừa nhận, đồng thời hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn ngừa. Cho tới nay, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ khoảng 4.500 video xấu độc trên trang Youtube, Facebook gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Trong hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã khẳng định ngành sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên mạng internet, giảm thiểu thông tin độc hại; quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời bộ này cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội...
Đó là những giải pháp thực sự cần thiết để xử lý những hành vi ác ý hoặc thiếu ý thức trên mạng ảo nhưng gây ra thiệt hại cho xã hội và những người khác. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trên mạng hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn những vụ việc vi phạm trên mạng, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho người sử dụng internet, đặc biệt là thanh niên về trách nhiệm, sức tác động của mạng ảo đối với đời sống thực. Mỗi gia đình, nhà trường, đoàn thể cần chủ động giáo dục, hướng dẫn học sinh ý thức cũng như cách sử dụng mạng xã hội một cách hữu ích. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng quan niệm lành mạnh về các giá trị cốt lõi trong đời sống thật; có nhiều hoạt động ngoại khóa, các sân chơi hữu ích, hấp dẫn thu hút học sinh, thanh niên tham gia. Các giải pháp này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để người dùng internet từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích, tránh những quan điểm lệch lạc về lối sống ảo.
LAM ANH