Lý do Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa

10/10/2022 09:31

Căng thẳng đang gia tăng ở Bán đảo Triều Tiên khi Mỹ và các đồng minh phản ứng khi Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ thử tên lửa gần đây.

Chú thích ảnh

Hình ảnh do Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng phát ngày 20.10.2021 về một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo kiểu mới từ tàu ngầm, tại một địa điểm không được xác định ở Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, Triều Tiên đã bắn 8 tên lửa trong vòng 2 tuần qua. Đây là một con số cao, thậm chí cao so với năm mà Triều Tiên phóng nhiều tên lửa nhất kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011.

Việc Triều Tiên liên tục thử vũ khí đã làm cho Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đáp trả bằng các vụ phóng tên lửa và tập trận chung trong tuần này. Mỹ cũng đã tái triển khai một tàu sân bay vào vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.

Các nhà lãnh đạo thế giới đang theo dõi xem liệu Triều Tiên có thử hạt nhân hay không. Nếu có thì đây sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên trong gần 5 năm và sẽ là một động thái khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại mới.

Bản thân các vụ thử tên lửa của Triều Tiên không phải là mới vì chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên đã diễn ra trong nhiều năm.

Bối cảnh

Năm 2017, căng thẳng gia tăng gần tới mức khủng hoảng khi Triều Tiên phóng 23 tên lửa trong suốt cả năm, trong đó có 2 tên lửa bay qua Nhật Bản, cũng như tiến hành một vụ thử hạt nhân. Năm đó, Triều Tiên thử cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên của nước này.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên tan băng vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tổ chức hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt với ông Kim Jong-un. Triều Tiên cam kết ngừng các vụ phóng tên lửa và dường như phá hủy một số cơ sở tại bãi thử hạt nhân, còn Mỹ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc và các đồng minh khác trong khu vực.

Nhưng các cuộc đàm phán cuối cùng đã tan vỡ và hy vọng về thỏa thuận mà ​​Triều Tiên giảm tham vọng hạt nhân giảm dần vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump.

Sau đó, đại dịch COVID-19 xảy ra. Trong thời gian này, số vụ phóng tên lửa cũng duy trì ở mức thấp - chỉ 4 vụ vào năm 2020 và 8 vụ vào năm 2021.

Nguyên nhân

Chú thích ảnh

Một màn hình tivi tại ga Seoul, Hàn Quốc phát bản tin Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo vào ngày 6.10. Ảnh: Kyodo News

Vậy tại sao Triều Tiên lại đột ngột phóng nhiều tên lửa như vậy trong thời gian qua?

Các chuyên gia cho rằng có một vài lý do khiến Triều Tiên tăng cường thử tên lửa quá nhiều như hiện nay.

Thứ nhất, đó có thể đơn giản là thời điểm thích hợp sau các sự kiện trong vài năm qua: ông Kim Jong-un tuyên bố chiến thắng trước COVID-19 vào tháng 8; chính quyền mới của Mỹ thể hiện sự đoàn kết với Hàn Quốc.

Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin của Hàn Quốc nhận định: “Họ đã không thể thử tên lửa trong một vài năm do những cân nhắc chính trị, vì vậy tôi cho rằng các kỹ sư và tướng lĩnh của Triều Tiên sẽ rất muốn đảm bảo vũ khí của họ sẽ hoạt động tốt”.

Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí và là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết việc Triều Tiên tạm dừng thử tên lửa trong mùa hè nhiều bão và tiếp tục sau khi thời tiết cải thiện vào mùa thu cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nói rằng Chủ tịch Kim Jong-un cũng có thể gửi thông điệp bằng cách chủ ý thử tên lửa trong thời kỳ xung đột toàn cầu gia tăng.

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii, cho rằng Triều Tiên thử tên lửa để gây chú ý và tạo áp lực buộc Nhật Bản và Mỹ phải có động thái. Ông nói thêm rằng Triều Tiên cũng có thể cảm thấy cần hành động ngay bây giờ trong khi phương Tây đang bị phân tâm với cuộc chiến ở Ukraine.

Phản ứng của Mỹ và đồng minh

Chú thích ảnh

Một tàu sân bay và tàu ngầm của Mỹ, cùng các tàu chiến của Hàn Quốc và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung vào ngày 30/9. Ảnh: Getty Images

Bất chấp phản ứng quân sự nhanh chóng của Mỹ và các đồng minh trong tuần qua, các chuyên gia cho biết hai nước này hầu như không thể làm gì để ngăn chặn hoặc chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên.

Mỹ đã điều tàu sân bay Ronald Reagan. Hàn Quốc thì phóng tên lửa. Theo ông Lankov, tàu sâu bay hoạt động quanh Hàn Quốc hầu như không gây tác động gì với Triều Tiên. Ông cho rằng những màn phô diễn vũ lực này không ngăn cản được Triều Tiên phát triển thêm vũ khí hoặc thử nghiệm tên lửa, không ảnh hưởng đến hành vi và việc ra quyết định của Triều Tiên.

Thiếu thông tin tình báo cũng có nghĩa là Mỹ phần lớn không biết gì về kế hoạch của Triều Tiên.

Trên trường quốc tế, nỗ lực của Mỹ nhằm trừng phạt Triều Tiên đã chững lại do bị Nga và Trung Quốc phản đối.

Vào tháng 5, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết nghị quyết của Liên hợp quốc do Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì hành vi thử vũ khí của nước này. Đâu là lần đầu tiên cả hai nước chặn một cuộc bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên kể từ năm 2006.

Mục tiêu của Triều Tiên

Vào tháng 9, Triều Tiên đã thông qua đạo luật tuyên bố mình là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, trong đó ông Kim Jong-un cam kết sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Yang Moo-jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho biết luật cũng thể hiện hy vọng của Triều Tiên về tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Ông Lewis tại Viện Middlebury nói thêm rằng Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí như ICBM và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cho đến khi họ đạt đến điểm mà họ hài lòng và có thể sẽ bày tỏ quan tâm đến đàm phán một lần nữa.

Mối quan tâm trong ngắn hạn là liệu Triều Tiên có thử hạt nhân hay không.

Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo từ tháng 5 rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động tại bãi thử hạt nhân dưới lòng đất của nước này.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý do Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa