Lưu ý với bệnh mốc sương khoai tây

21/12/2016 09:59

Khoai tây vụ đông đang trong giai đoạn xuống củ.


Thời tiết trong nhiều ngày qua có sương dày vào buổi sáng, nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm tạo điều kiện cho nấm bệnh sương mai phát sinh và gây hại. Loại nấm này làm giảm năng suất củ từ 30-70%. Vì vậy, việc chăm sóc khoai tây từ nay đến cuối vụ nông dân cần lưu ý:

- Sớm nhận biết các triệu chứng: Nấm bệnh xâm nhập và gây hại trên tất cả các bộ phận của cây (lá, thân, củ). Trên lá, lúc đầu bệnh xuất hiện ở mép sau lan vào phía trong, vết bệnh lan rộng có màu nâu đen, ướt. Gặp độ ẩm cao sẽ thấy có lớp mốc trắng như sương ở mặt dưới lá, xung quanh vùng bị bệnh. Ở trên thân vết bệnh màu nâu đen, kéo theo chiều dài của thân và cành. Trên củ vết bệnh không có hình dạng nhất định, màu nâu xám, lõm.

- Phòng trừ hiệu quả: Bao gồm chăm sóc cho cây khỏe và dùng thuốc hóa học khi cần thiết. Bón phân cân đối cho cây, không để cây thừa đạm làm mềm yếu, dễ bị bệnh, tưới nước giữ ẩm cho cây vào buổi sáng;  bổ sung định kỳ các chế phẩm phân siêu vi lượng, kali phun lá giúp thân lá cây cứng chắc, chất lượng củ tăng...; khi gặp thời tiết thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển cần sử dụng một trong các loại thuốc phun phòng bệnh cho cây, các thuốc có thể dùng là: Mancozeb, Dosay 45WP, Arygeen 40WP, Difomat 80WP. Khi cây chớm bị bệnh, nên sử dụng một trong các loại thuốc sau: Score, Aliette 80WP, Rhidomil Gold 68WG, Antracol 70WP, M8, Nativo 750WG...

* Lưu ý: Khi phun thuốc cần dùng thêm chất bám dính, phun khi lá khô và phun kín đều thân lá. Trị bệnh cần phun 2 lần cách nhau 5-7 ngày và luân phiên thuốc giữa các lần phun. Đồng thời cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng để tránh lây lan và ngừng bón đạm khi cây đang bị bệnh.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu ý với bệnh mốc sương khoai tây