Vệ sinh đồng ruộng (VSĐR) là việc làm quen thuộc của nông dân.
Song, việc VSĐR như thế nào để vừa hiệu quả trong công tác BVTV lại cải thiện được đất trồng, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái là vấn đề được nhiều nông dân quan tâm.
Trước hết, đối với công tác bảo vệ thực vật, VSĐR là phương pháp có ý nghĩa cơ bản bởi nó gồm nhiều biện pháp khác nhau, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi (loại bỏ, tiêu diệt các mầm mống dịch hại có trong đất, trên tàn dư cây trồng và trên cỏ dại). Thực tế cho thấy, sau mỗi vụ thu hoạch lúa hoặc cây trồng cạn, nhiều nông dân thường VSĐR bằng cách loại bỏ tất cả các tàn dư cây trồng như rơm rạ, thân lá, rễ cây trồng cạn ra khỏi đồng ruộng, đồng thời dọn sạch cỏ bờ (vạc bờ, phun thuốc cỏ cháy). Việc làm này tuy sẽ hạn chế được mầm mống sâu bệnh còn tồn tại trong ruộng như nhộng của sâu đục thân lúa có trong gốc rạ, mầm bệnh khô vằn, bệnh mốc hồng ngô...Tuy nhiên, xét về việc cải tạo đất trồng, tăng chất hữu cơ và độ phì cho đất thì việc làm trên lại không hiệu quả. Làm như vậy sẽ đưa ra khỏi đồng ruộng một khối lượng lớn chất hữu cơ cần thiết cho việc cải tạo đất, nâng cao độ phì cho đất. Vì vậy, cần thiết phải giữ lại khối lượng chất hữu cơ này (gốc, thân lá cây trồng trước) và VSĐR theo cách khác như: Cày phơi ải hoặc cho nước vào ruộng ngâm ngấu gốc rạ, cày bừa thật kỹ đồng màu sau khi thu hoạch, dùng vôi bón ruộng, dùng thuốc hóa học diệt sâu, bệnh...
Nhiều cây trồng, tàn dư sau thu hoạch là nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý giá bổ sung lại cho đất trồng như các cây họ đậu đỗ có rễ cố định đạm hoặc các cây lấy củ có thân lá giàu ka-li. Việc vùi lại những phần này của các cây có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung lại cho đất nguồn dinh dưỡng tự nhiên.
Trong các vườn cây vào mùa đông, khi cây ngừng sinh trưởng, việc tỉa cành, tạo tán sẽ có tác dụng rất lớn để tiêu diệt mầm mống nhiều loài sâu bệnh hại cây. Việc vun, quét vôi gốc cây, thu dọn lá rụng đối với cây lâu năm có tác dụng phá bỏ những nơi ẩn nấp và lưu giữ nhiều loài sâu bệnh.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa trong thực tế sản xuất lúa và rau màu hiện nay là nông dân thường xuyên phun thuốc cỏ cháy trên bờ ruộng để ngăn không cho cỏ phát triển mà lan xuống ruộng thay cho việc cắt xén cỏ xung quanh ruộng trước đây. Đây là một việc làm không nên áp dụng trên đồng ruộng nhất là những nơi ruộng cây trồng nọ liền kề ruộng kia. Vì khi phun (nhất là lúc có gió) sẽ không thể tránh khỏi việc thuốc cỏ bám lên cả cây trồng gây táp, héo, chết cây trồng trong ruộng và cây trồng nhà bên. Mặt khác, việc sử dụng thuốc cỏ cháy thường xuyên trên đồng ruộng (1-2 lần/vụ) sẽ gây độc hại, ô nhiễm đất, nước, cây trồng, động vật ăn cỏ... Vì vậy, nông dân cần cắt xén cỏ bờ thay cho việc phun thuốc cỏ cháy như vẫn làm.
KS TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)