Lúng túng trong lựa chọn sách giáo khoa mới

09/01/2020 07:01

​Đến nay, sau hơn 1 tháng Bộ GDĐT công bố 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, hầu hết các trường tiểu học trong tỉnh vẫn băn khoăn chưa biết lựa chọn thế nào.


Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đại Đồng (Tứ Kỳ) tìm hiểu 1 trong 5 bộ sách giáo khoa mới lớp 1 

Lúng túng 

Theo kế hoạch công bố của Bộ GDĐT, trước tháng 3.2020, các địa phương sẽ hoàn thành và công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1 mới trong danh mục những bộ sách đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ GDĐT lại chưa có hướng dẫn cụ thể nên không rõ việc lựa chọn SGK mới sẽ ra sao. Nếu thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì các trường được lựa chọn sách. Nhưng theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 thì UBND cấp tỉnh quyết định việc này. Do đó các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều băn khoăn.

Đến nay, hầu hết các trường học chưa được tiếp cận với SGK mới trong khi mốc thời gian quyết định lựa chọn sách đang đến gần. Nhiều trường rất lo lắng nếu được giao quyền lựa chọn SGK bởi đây là công việc khó khăn. Theo dự thảo thông tư của Bộ GDĐT, các trường lựa chọn SGK trong 5 bộ sách được phê duyệt.

Hội đồng chọn SGK của mỗi trường có tối thiểu 11 thành viên, gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK, đại diện cha mẹ học sinh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Đồng (Tứ Kỳ) cho biết: "Để lựa chọn được SGK mới, mỗi thành viên hội đồng của trường phải có đầy đủ trong tay 5 bộ sách được phê duyệt. Nhưng kinh phí để mua SGK trường chưa biết sẽ lấy ở đâu trong khi ngân sách cấp cho trường còn eo hẹp".

Điều mà cán bộ quản lý, giáo viên hiện còn băn khoăn nữa là để lựa chọn được SGK mới cần có những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm giảng dạy; có khả năng bao quát, tổng hợp, đánh giá, so sánh, nắm được tinh thần, hồn cốt của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới thì mới có thể hiểu cách biên soạn, xây dựng của từng bộ sách.

Hiện nay, trình độ, năng lực đội ngũ giáo viên của các trường khác nhau. Không phải trường nào cũng có đủ người bảo đảm yêu cầu để vào hội đồng. Ngoài ra, đại diện cha mẹ học sinh có đủ năng lực để đánh giá và lựa chọn được SGK không?

Nhiều trường đang thiếu giáo viên giảng dạy, công việc bận rộn, liệu có đủ thời gian, tập trung trí tuệ để đọc, thẩm thấu toàn bộ 5 bộ sách? Nếu thực hiện không tốt, việc lựa chọn của các trường sẽ trở nên hình thức, không bảo đảm yêu cầu. 

Cô giáo Đoàn Thị Thanh Nga, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) băn khoăn: "Chúng tôi lo lắng và lúng túng không biết lựa chọn sách thế nào. Sau này nếu chọn được bộ sách tốt, phù hợp thì không sao, còn không sẽ có thể chịu nhiều sức ép từ dư luận".

Nếu lựa chọn SGK theo Luật Giáo dục năm 2019, các trường cũng không biết cách tổ chức sẽ ra sao và không rõ được tham gia, mức độ đóng góp ý kiến thế nào.


Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đến lãnh đạo các cơ sở giáo dục của tỉnh     

Cần người có năng lực

Theo lãnh đạo Sở GDĐT, sở đang chờ hướng dẫn của Bộ GDĐT về việc lựa chọn SGK nên chưa có ý kiến gì với các địa phương, cơ sở giáo dục. Sau khi có chỉ đạo từ cấp trên, sở sẽ tích cực tham mưu với tỉnh để kịp thời hướng dẫn các địa phương, nhà trường. Hiện nay, các nhà xuất bản đã nhờ sở gửi đủ 5 bộ sách cho các Phòng GDĐT.

Ngày 8.1, Sở GDĐT phối hợp với các Nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội nghị giới thiệu SGK mới đến lãnh đạo, chuyên viên của sở, các phòng GDĐT, hiệu trưởng các trường tiểu học và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường liên cấp tiểu học - THCS. 

Qua tiếp xúc với nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, chúng tôi thấy họ có chung quan điểm là dù chọn theo cách nào thì mỗi huyện, thị xã, thành phố nên thành lập một hội đồng. Các địa phương sẽ lựa chọn thành viên hội đồng có nhiều thành phần, đối tượng tham gia để có cách nhìn, đánh giá toàn diện, đầy đủ.

Các thành viên phải là người có năng lực, có tầm, kinh nghiệm, hiểu sâu về giáo dục và cần được nghiên cứu đầy đủ tài liệu liên quan, bồi dưỡng để hiểu về chủ trương, ý tưởng, tinh thần của chương trình giáo dục, SGK mới. SGK mới cần được trang bị sớm để cán bộ, giáo viên có thời gian tìm hiểu.

Ông Đỗ Thế Ngọc, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Gia Lộc cho biết: "Ngoài chất lượng của các thành viên trong hội đồng, trước khi tiến hành chọn SGK mới nên tổ chức hội thảo hay thảo luận, có sự tham gia của lãnh đạo các trường, giáo viên cốt cán để đánh giá sách tốt hơn.

Các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh ta khá tương đồng về điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất, đội ngũ nên chọn một bộ sách dùng chung để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý, dạy học, đánh giá chất lượng".

TRUNG VŨ

(0) Bình luận
Lúng túng trong lựa chọn sách giáo khoa mới