Ngày 29.10, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 16.6.2014, có hiệu lực từ ngày 1.1.2015. Sau hơn 4 năm triển khai, luật đã bộc lộ một số bất cập. Dự thảo sửa đổi, bổ sung điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam. Việc sửa đổi cũng để bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo sửa đổi là việc bổ sung quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh tại Việt Nam. Cùng với việc giải thích các từ ngữ, thuật ngữ mới liên quan, dự thảo còn bổ sung quy định về trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử... Luật hóa việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam.
Thời gian qua, tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch (3 tháng) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như vận chuyển trái phép ma túy, lao động không phép... vẫn diễn ra. Thực tế các tour du lịch tại Việt Nam cho người nước ngoài thường không quá 15 ngày. Do vậy, dự thảo luật đã sửa đổi quy định liên quan tới cấp chứng nhận tạm trú. Khoản 14, điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực. Riêng trường hợp thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét gia hạn tạm trú trong thời hạn thị thực.
Khắc phục tình trạng người nước ngoài lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thức hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài, dự thảo sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư. Cơ quan chức năng sẽ phân loại nhà đầu tư dựa vào giá trị vốn góp và có thời hạn cấp thẻ tạm trú khác nhau. Nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn sẽ có thời hạn cấp thẻ tạm trú lên tới 10 năm, nhà đầu tư có vốn nhỏ thì được cấp thời hạn ngắn hơn. Theo luật hiện hành, nhà đầu tư được cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 5 năm.
Liên quan đến nội dung về giá trị sử dụng của thị thực, dự thảo luật bổ sung trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực. Theo đó, các trường hợp có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử, có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động được chuyển đổi mục đích thị thực. Đây là quy định phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đủ điều kiện ở lại Việt Nam chuyển đổi mục đích thị thực tìm hiểu thị trường, tìm kiếm việc làm, cơ hội đầu tư.
NINH THÀNH