Với 86,86% số đại biểu tán thành, Luật An ninh mạng (ANM) được Quốc hội thông qua ngày 12.6 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2019.
Luật An ninh mạng có riêng điều 29 quy định về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Việc ban hành Luật ANM trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và phù hợp với xu thế.
Barie ngăn cái xấu
Luật ANM gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung về bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm ANM; triển khai hoạt động bảo vệ ANM và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng có các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng.
Quy định bảo vệ thông tin cá nhân thể hiện tại điều 17 nêu rõ các nội dung, biện pháp, trách nhiệm cụ thể của cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan trong bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Luật quy định cụ thể thành 6 nhóm hành vi vi phạm, giúp cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm; tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng.
Điều 8 của Luật ANM quy định dễ hiểu, đầy đủ, rõ ràng từng hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, các hành vi cấm gồm: tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn huyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…
Bên cạnh đó, Luật ANM cũng quy định nhiều nội dung quan trọng như phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm ANM (chương III), bảo vệ ANM (chương IV)…
Hành lang pháp lý
Theo luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông, việc Quốc hội thông qua Luật ANM là rất kịp thời. Nếu không có luật này sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ ANM trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm phạm tới an ninh quốc gia, các hoạt động chống phá, nói xấu Đảng, Nhà nước trên internet.
Luật ANM đã quy định rõ, trong trường hợp phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ANM, lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin người dùng (tại điểm a, khoản 2, điều 26). “Như vậy không có việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam can thiệp vào các hoạt động bình thường của doanh nghiệp”, luật sư Đông nói.
Để trẻ em tự do tham gia môi trường mạng, giao tiếp với người lạ, truy cập vào các trang web "đen", game online… với nội dung không phù hợp lứa tuổi, không có sự giám sát của gia đình, thầy cô sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của các em. “Luật ANM có riêng điều 29 quy định về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nội dung quan trọng và cần thiết. Quy định này sẽ giúp các em có một môi trường vui chơi, giải trí an toàn phù hợp lứa tuổi trên không gian mạng”, chị Nguyễn Thị Yến ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) nêu quan điểm.
Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, xâm phạm tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như tuyên truyền, xuyên tạc chống Nhà nước, lừa đảo, trộm cắp, cá độ, mại dâm qua mạng, đánh cắp thông tin cá nhân, vu khống, làm nhục người khác qua mạng… Luật ANM ra đời là căn cứ pháp lý quan trọng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm; bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
HÀ NGA