Đường dây lừa lao động Việt Nam sang Nga do Nguyễn Văn Dũng (ở Bắc Giang) cầm đầu khiến dư luận bất bình, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc...
Anh Phạm Văn Hậu vẫn chưa hết sợ hãi sau những ngày tháng sống và làm việc như nô lệ tại Nga
Hơn 4 tháng sống khổ cực nơi xứ người và hơn 20 ngày chờ đợi được "giải cứu", trưa 27-5, 31 trong tổng số 40 lao động Việt Nam bị lừa sang TP Ekaterinbua (Ê-ca-tê-rin-bua), tỉnh Sverdlov (Xvéc-lốp, Liên bang Nga) làm công nhân may và giày da đã về nước. Tỉnh ta có 4 lao động, gồm các anh: Phạm Văn Hậu (sinh năm 1983, ở thôn Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà); Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Tuấn Anh (đều ở thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn) và chị Nguyễn Thị Thu (ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành). Anh Hậu hiện đã về nước. 3 người còn lại tiếp tục ở Nga làm việc. Công ty này do một người Trung Quốc làm chủ.
Ký ức kinh hoàngMặc dù đã về nước được 3 ngày nhưng anh Phạm Văn Hậu vẫn khá mệt mỏi. Trao đổi với chúng tôi sáng 29-5, anh cho biết: Hơn 4 tháng lao động ở Nga với tôi là những ngày kinh hoàng. Làm việc quần quật 12-14 giờ/ngày với điều kiện ăn ở vô cùng khắc khổ. Bữa sáng, mỗi người chỉ được ăn 1 bát cháo loãng nấu bằng cơm nguội và 1 chiếc bánh bao không nhân. Bữa trưa, bữa tối, ăn cơm chan với khoai tây nấu nhừ và hành tây xào trứng ung. Nhiều người không đủ sức làm việc, chân tay rệu rã, lả đi. Những người thắc mắc bị chủ cắt khẩu phần thức ăn, chỉ cho ăn cơm. Thời gian nghỉ ăn trưa 1 giờ, nhưng những hôm có xe chở hàng về cũng không được nghỉ. Những công nhân chống đối, đòi quyền lợi bị chủ dọa giết... Hiện còn 3 lao động trong tỉnh vẫn cố bám trụ tại Nga làm việc với hy vọng chủ doanh nghiệp sẽ thanh toán lương cũ để gửi về gia đình trang trải số nợ vay khi đi.
Cùng làm việc với anh Hậu ở Nga có chị Trần Thị Oánh (39 tuổi, ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Chị Oánh cho biết: Tôi ký hợp đồng lao động với người môi giới là bà Trần Thị Miền (sinh năm 1969, người cùng thôn), đặt cọc 15 triệu đồng. Sau hơn 4 tháng làm việc, tôi chưa được trả lương, mà chỉ được tạm ứng mỗi tháng 1.000 rúp (600 nghìn đồng). Cuộc sống, lao động tại Nga cực kỳ vất vả. Hợp đồng ghi làm 12 giờ/ngày, chủ nhật được nghỉ, nhưng thực tế sang đó ngày làm 14 giờ, thậm chí có hôm phải làm 16 giờ mà không có ngày nghỉ. Người ốm chủ sử dụng lao động cũng không cho nghỉ. Khắc nghiệt hơn, chủ còn yêu cầu công nhân 5 ngày mới được tắm một lần. Nhiều người đun trộm nước để tắm bị chủ phát hiện phạt 1.000 rúp. Chủ chỉ cho ăn, còn quần áo, thuốc đánh răng, người lao động tự bỏ tiền mua. Họ đối xử với lao động Việt Nam như nô lệ.
Theo tố cáo của các lao động, cầm đầu đường dây lừa lao động Việt Nam sang Nga là Nguyễn Văn Dũng (ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), hiện đang ở và điều hành Công ty Hoa Việt, TP Ekaterinbua, tỉnh Sverdlov. Các mắt xích môi giới lao động ở Việt Nam, gồm: Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1973, ở xóm 6, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), chú của Dũng; Trần Thị Miền (sinh năm 1969, ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), thím của Dũng và Nguyễn Văn Mai (ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), bố của Dũng. Nguyễn Văn Mai là người trực tiếp làm visa cho các lao động sang Nga. Sau đó, Dũng đem "bán" các lao động với giá từ 500 - 2.500 USD/người, rồi rũ bỏ trách nhiệm. Khi người lao động đình công đòi về nước, chủ sử dụng lao động yêu cầu phải trả số tiền đã trả cho Dũng mới được cho về.
Chị Trần Thị Oánh kể lại những ngày tháng làm việc khắc khổ tại Nga
Nợ chồng nợHầu hết số lao động bị lừa sang Nga đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh Phạm Văn Hậu cho biết, giữa năm 2011, anh được một người quen tên Ngà ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) lấy chồng ở Hà Nam giới thiệu gặp Nguyễn Văn Nam để đưa sang Nga làm việc. Trong hợp đồng lao động ký giữa anh Hậu và Nam, khi sang làm việc tại Nga, công ty sử dụng lao động nuôi cơm 3 bữa, 3 tháng đầu trả lương từ 250-300 USD/tháng, sau đó 500 USD/tháng. Trước khi sang Nga, Nam yêu cầu các lao động phải nộp tiền đặt cọc từ 10-20 triệu đồng. "Tôi thấy thủ tục đi đơn giản, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, không cần xác nhận của chính quyền địa phương cũng như các loại giấy tờ khác, chi phí lại rẻ nên tôi đã nộp cho Nam 10 triệu đồng để sang Nga làm việc", anh Hậu nhớ lại. Sáng 3-1, anh Hậu cùng gần 20 người Việt Nam bay sang Nga. Tổng số người Việt làm việc cho công ty này là 40. Sau tháng làm việc đầu tiên, chủ doanh nghiệp chỉ trả lương mỗi công nhân 200 USD/tháng. Nhưng thực tế, gần 5 tháng làm việc ở đây, mỗi lao động chỉ được tạm ứng 1.000 rúp/tháng, đủ mua thuốc đánh răng, quần áo. Thương xót chồng phải chịu những ngày khổ cực, chị Mạc Thị Thủy, vợ anh Hậu rưng rưng: "Hôm đón chồng ở sân bay Nội Bài, lúc đầu tôi không nhận ra vì anh ấy gầy quá. Mới đi gần 5 tháng mà sụt 10 kg. Bây giờ, chồng về, tôi rất mừng, nhưng khoản nợ vay lúc đi ngày một nhiều lên do chi phí đi lại, cầu cứu các cơ quan chức năng để giải cứu cho chồng về nước cũng tốn kém vài triệu đồng nữa".
May mắn hơn anh Hậu là 13 lao động ở xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Trong buổi làm việc với chúng tôi trưa 30-5, anh Trần Văn Hiệp (21 tuổi, ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng) vừa được giải cứu từ Nga về nước cho biết, do sợ bị truy tố nên Trần Thị Miền đã hoàn trả toàn bộ số tiền đặt cọc, đồng thời hỗ trợ thêm mỗi lao động 7 triệu đồng. Qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Minh (ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) - nạn nhân trong vụ lừa trưa 30-5 cho biết, Nguyễn Văn Nam hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương. Anh Nguyễn Văn Cảnh (ở Bắc Giang) cũng cho biết, mấy ngày nay, các lao động bị lừa tập trung ở nhà Nguyễn Văn Mai đòi tiền nhưng vẫn chưa có kết quả. Theo các nạn nhân, họ được giải cứu về nước là do người thân ở Việt Nam tập trung làm đơn kêu cứu gửi Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam giúp đỡ. Trước khi về nước, Nguyễn Văn Dũng còn yêu cầu các lao động phải viết cam kết không được tố giác, kiện những người môi giới, chủ doanh nghiệp.
PV