Lúa đứng cái bị vàng lá

09/05/2012 04:38

Để khắc phục hiện tượng khô đầu lá lúa sinh lý, nông dân cần sử dụng các chế phẩm phân bón siêu vi lượng như các loại phân Combi, Kali-max…

Qua trao đổi với nông dân và thực tế thăm đồng cho thấy, hiện tại nhiều diện tích lúa đứng cái (giai đoạn chuyển mình từ sinh trưởng dinh dưỡng sang sinh trưởng thực) xuất hiện hiện tượng khô đầu lá, vàng lá lúa. Hiện tượng vàng lá lúa lúc này chủ yếu do hai nguyên nhân chính:

+ Hiện tượng khô đầu lá lúa do thiếu vi lượng: Do việc thâm canh lúa hiện nay của nông dân hầu như không còn nguồn phân chuồng cung cấp. Trong khi đó, ruộng lúa qua nhiều vụ đến nay hầu hết chỉ được bón phân đa lượng (đạm, lân, kali) mà không có phân trung, vi lượng (cây cần rất ít nhưng không thể thiếu) cung cấp cho cây. Cho nên, giai đoạn lúa đứng cái, nhất là các giống lúa lai, lúa chất lượng cao có nhu cầu cao về phân vi lượng sẽ bị thiếu hụt các yếu tố dinh dưỡng này. Rõ nhất biểu hiện ra bên ngoài là hiện tượng khô đầu lá lúa. Hiện tượng này xảy ra đồng loạt trên tất cả các đầu lá (trừ lá non) nhưng không lan xuống dưới lá.

Để khắc phục hiện tượng khô đầu lá lúa sinh lý, nông dân cần sử dụng các chế phẩm phân bón siêu vi lượng có chứa chủ yếu các nguyên tố: Cu, Fe, Bo, Zn, Mn… như các loại phân Combi, Kali-max… Phun cho lúa từ 2-3 lần, cách nhau 4-5 ngày/lần tuỳ theo mức độ khô đầu lá nặng hay nhẹ. Sau khoảng 10 ngày kể từ khi phun lúa sẽ hồi phục trở lại.

* Chú ý: Tuyệt đối không được sử dụng phân bón lá có chứa đạm để phun cho lúa lúc này. Vì lá lúa xanh non sẽ thu hút nhiều bướm của các loài sâu đã vũ hoá đến đẻ trứng (nhất là giai đoạn lúa làm đòng).

+ Hiện tượng vàng lá lúa từ dưới gốc lên: Bệnh này còn được gọi là “bệnh chín sớm” đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Cần phân biệt thật kỹ hiện tượng này với triệu chứng của nấm bệnh khô vằn gây hại trên lúa (cũng xuất hiện từ phần gốc lúa rồi lan dần lên ngọn). Bệnh chín sớm vết bệnh đầu tiên là những vết nhỏ, tròn màu trắng đến vàng nhạt. Chúng thường xuất hiện ở 1/3 lá lúa tính từ gốc lên. Sau đó, vết bệnh lớn dần có hình bầu dục màu vàng cam và kéo dài đến mép lá làm lá ngả sang màu vàng cam như lúa chín. Cuối cùng, lá bị khô rụi. Trong khi vết bệnh do nấm khô vằn gây nên thì lại loang lổ và vằn da hổ.

Cách phòng trừ:

- Thăm đồng thường xuyên và vạch gốc lúa ra quan sát kỹ các lá phía dưới để phát hiện bệnh sớm nhất.

- Bón phân cân đối và đủ. Tốt nhất, nên bón bổ sung khoảng 1kg phân siêu vi lượng/sào trộn với phân đa lượng (đạm, lân, kali) để bón lót cho lúa. Ưu tiên các loại lúa lai, lúa chất lượng.


- Khi thấy bệnh xuất hiện cần ngừng bón đạm (nhất là giai đoạn bón nuôi đòng).

- Giữ nước trong ruộng đầy đủ từ giai đoạn làm đòng đến trỗ thoát.

- Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện bằng một trong các loại thuốc: Anvil 5SC, Benomyl 50WP, Topsin M 50WP… Phun 2-3 lần, cách nhau 7-10 ngày.

* Chú ý: Khi phun thuốc trên để trừ bệnh tuyệt đối không được phun cùng phân bón lá có chứa đạm.

KS: TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lúa đứng cái bị vàng lá