Mỗi cử tri cần sáng suốt lựa chọn những người thật sự xứng đáng để bầuvào Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 22-5-2011, cùng với cử tri cả nước, cử tri Hải Dương hân hoan thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình: đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016.
Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là những người tiêu biểu cho đức, tài được Ủy ban MTTQ các cấp và cử tri ở những nơi cư trú nhận xét, giới thiệu, đề cử hoặc tự ứng cử theo luật định. Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là đại biểu trung thành cho nghĩa vụ và quyền lợi của nhân dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Do vậy, cần có sự sáng suốt lựa chọn, so sánh giữa các ứng viên để chọn người xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Qua các bước của hội nghị hiệp thương các cấp do Ủy ban MTTQ chủ trì đã khẳng định tính dân chủ, công khai, công bằng. Chất lượng các ứng viên được nâng cao, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu. Đức là đạo đức cách mạng, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, là "công bộc" của dân, được dân tin yêu, không lãng phí, tham nhũng. Tài sản riêng của cá nhân phải được kê khai, công khai minh bạch. Tác phong sinh hoạt, lối sống phải lành mạnh. Dám nói lên sự thật, dám đấu tranh cho lẽ phải, xả thân vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc... Tài là năng lực cụ thể của mỗi người để đảm đương nhiệm vụ được giao. Về năng lực phải được hiểu một cách toàn diện, bao gồm học vấn (bằng cấp) và tinh thần tự học, tự nghiên cứu, học trong thực tiễn. Đối với người đại biểu nhân dân thì bản lĩnh chính trị là vô cùng quan trọng. Điều đó thể hiện ở quan điểm chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Thẳng thắn, trung thực trong đấu tranh với những quan điểm sai trái, không né tránh trước những khó khăn, diễn biến phức tạp của đời sống, có quan điểm chính kiến rõ ràng trước những kiến nghị của cử tri với quan điểm "hết lòng hết sức phục vụ nhân dân".
Học vấn, bằng cấp là điều kiện cần. Nhưng để bảo đảm điều kiện đủ là năng lực cụ thể được kiểm nghiệm thông qua hoạt động thực tiễn, lấy kết quả hoạt động thực tiễn là thước đo chủ yếu của năng lực. Không có năng lực chung chung hoặc năng lực chỉ nhìn phiến diện một chiều. Năng lực ấy đã được kiểm chứng mà tổ chức và nhân dân đã nhìn nhận, đánh giá giới thiệu để cử tri lựa chọn. Song, cũng cần khắc phục tình trạng trong vận động bầu cử, lời hứa không đi đôi với việc làm, "bệnh hứa suông", bệnh thành tích hoặc "nghị gật", thái độ im lặng, để giữ yên vị "ghế ngồi" của mình... dẫn đến có đại biểu đại diện cho cử tri ở địa phương, cơ sở tại các diễn đàn chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp cứ "vô tư", coi việc đó không liên quan đến mình!
Đã qua nhiều khâu, nhiều bước sàng lọc, lấy phiếu tín nhiệm. Các ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều đạt tín nhiệm cao. Có những ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về ứng viên này, ứng viên khác là lẽ đương nhiên. Vấn đề đặt ra là: Ai xứng đáng hơn ai để cử tri "chọn mặt gửi vàng". Mỗi cử tri cần sáng suốt lựa chọn những người thật sự xứng đáng để bầu vào Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
VŨ HOÀNG LUYẾN(TP Hải Dương)