Ban ngày, các mẹ lăn lộn với con cái, việc nhà, việc rẫy. Khi chiều dần tà, 36 học viên đặc biệt này í ới gọi nhau cùng đến với lớp học nơi rẻo cao. Người ta gọi đây là lớp học của mẹ.
Ban ngày, các mẹ lăn lộn với con cái, việc nhà, việc rẫy. Khi chiều dần tà, 36 học viên đặc biệt này í ới gọi nhau cùng đến với lớp học nơi rẻo cao. Người ta gọi đây là lớp học của mẹ.
Hơn 6 tháng nay, lớp học xóa mù chữ ở Trường Tiểu học và THCS Hướng Linh thuộc bản Mới, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị là điểm đến học tập của phụ nữ đồng bào Vân Kiều.
Trước khi vào lớp, các mẹ cùng nhau ôn lại con chữ |
Lớp học nơi đây vô cùng đặc biệt, bởi chỉ toàn là phụ nữ với độ tuổi từ 40 đến 60. Các chị, các mẹ đến với lớp học này đều là trụ cột chính của gia đình nên luôn bận bịu với con cái, việc nhà, việc nương rẫy,..
Ban ngày, các chị, các mẹ lên làm nương, trồng rừng hoặc bẻ bắp, đi thả trâu, bò,.. Sau khi thu xếp được công việc nương rẫy và lo cho con cái, các mẹ mới có thể đến với lớp học.
Có em bé được theo mẹ đến lớp |
Quanh năm vốn làm bạn với cuốc, rựa, gùi, nên bàn tay các mẹ chai sần, thô ráp … nay những bàn tay thô cứng ấy cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ khó nhọc vô cùng. Bởi vậy, không phải ai cũng đủ kiên trì cho đến khi biết đọc thành thạo và viết được tên.
Ban đầu, có khoảng 50 người đến lớp, sau vài buổi, thấy con chữ khó tiếp thu, không ít đã bỏ cuộc giữa chừng. Hiện, lớp học xóa mù chữ ổn định với 36 thành viên.
Lớp học nơi bản Mới được bắt đầu vào lúc 16 giờ 30 từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, đến 19 giờ thì kết thúc.
Các thầy, cô chỉ bảo từng học học viên một, đối với mỗi người lại có các phương pháp khác nhau |
Dù lịch học đưa ra như vậy nhưng chỉ mang tính tương đối. Những giáo viên đứng lớp hiểu rằng ở nơi rẻo cao, việc đi lại khó khăn, công việc nặng nhọc, vả lại quỹ thời gian của từng gia đình khác nhau nên các thầy cô rất linh hoạt trong việc tạo điều kiện để các mẹ có thể đến lớp sớm hơn hoặc muộn hơn đối với từng cá nhân học viên.
Miễn sao các mẹ, các chị sắp xếp thời gian tới lớp đều đặn và có sự tiến bộ. Nghĩ vậy, nên các mẹ luôn nhận được sự thông cảm và sẻ chia từ các giáo viên ở lớp.
Mẹ đã viết được tên mình
16 giờ chiều, chị Hồ Thị Hồng (35 tuổi, trú tại xã Hướng Linh, Hướng Hoá) tất tả thu dọn gùi, dao, rựa để về nhà để tham gia lớp học xoá mù chữ ở Trường Tiểu học và THCS Hướng Linh.
Các mẹ chăm chú nghe giảng |
Trước đây, khoảng 19 giờ người mẹ của 4 đứa con này mới thu xếp xong công việc ở nương rẫy để về đến nhà, sau đó lại tất bật tắm rửa, nấu cơm cho các con. Thế nhưng, hơn 5 tháng nay, chị Hồng đều thu dọn đồ đạc về sớm đi học và dường như đã thành thói quen.
Chị Hồng chia sẻ: "Làm ruộng, làm rẫy, trồng sắn quanh năm nay rồi, nay có các cán bộ tạo điều kiện nên mình muốn đi học để biết thêm con chữ. Mình nghĩ vậy, nên mình chưa vắng buổi nào cả".
Dù bận rộn nhưng các mẹ đều cố gắng tham gia lớp học xóa mù chữ |
Thời điểm này, đang vào cao điểm thu hoạch sắn nên ai ai cũng bận rộn hơn. Dẫu có về muộn, thì chị Hồng đến lớp muộn hơn một chút. Chị Hồng kể, ngày trước gia đình vất vả, nghèo khó, phải ở nhà chăm em nên không được đi học. Thiếu con chữ là thiệt thòi nên bữa nay chị phải quyết tâm học chữ.
Chị Hồ Thị Phong (45 tuổi, thôn Hoon, trú tại xã Hướng Linh, Hướng Hóa) tâm sự gia đình chị cách lớp học hơn 3km, phải đi bộ tới lớp nhưng chị luôn đi học đúng giờ. Về nhà, nếu có gì thắc mắc chị hỏi thêm mấy đứa con của chị.
Từ nhỏ chị đã bỏ lỡ cơ hội học hành nên suốt ngày chị quanh quẩn gắn bó với núi rừng.
Công việc chủ yếu là làm rẫy, trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Chồng chị mất hơn 5 năm nay, một mình chị nuôi 6 người con. Hoàn cảnh sống vất vả nên chị chưa nghĩ đến ở tuổi này mà có ngày chị biết mặt con chữ, ê a đánh vần rồi làm toán được, vì vậy, chị hết sức vui mừng.
Giáo viên đứng lớp tận tình cầm tay từng mẹ, nắn nót viết từng nét chữ |
Chị Phong cho biết, học ở lớp này đã hơn 5 tháng, giờ đã biết đọc, biết viết. Về nhà mình cùng ngồi học, cũng chăm chỉ như làm bạn với con cái. Giờ đi về xuôi hay ra chợ đã biết tên đường và phân biệt được đâu là quán cơm nên không sợ bị nhầm lẫn nữa...
Bà Hồ Thị Hoa (60 tuổi, học viên lớn tuổi nhất của lớp học xóa mù chữ) chia sẻ, trước đây, vì không viết được tên nên mẹ phải điểm chỉ bằng tay. Nay không những viết được tên mà còn có thể đọc chữ. Càng biết chữ mẹ càng muốn học để việc đọc, viết thành thục hơn. Có được kết quả như vậy là nhờ vào công lao của các thầy, cô ở trường’.
Được biết, lớp học xoá mù chữ tại bản Mới được Ttrường Tiểu học và THCS Hướng Linh khai giảng vào tháng 7.2019, theo kế hoạch xoá mù chữ của huyện Hướng Hoá. Ngoài bản Mới, còn có 2 lớp xoá mù chữ mở tại 2 thôn Cu Vơ và Coóc.Thầy Trương Quang Tiến (giáo viên đứng lớp xoá mù chữ ở điểm trường thôn Cu Vơ) cho hay, để vận động các học viên đến lớp, các giáo viên phải đến từng nhà, lên tận rẫy để mời người dân về lớp học.
Các học viên đều khá lớn tuổi nên giáo viên phải đổi mới và linh hoạt trong cách truyền đạt. Thầy Tiến cho biết thêm, đến nay, đa số học viên đọc được viết được, so với ngày đầu là mù chữ hoàn toàn.
Theo Vietnamnet