Long nhãn được dùng trong Trung y ít nhất 2.000 năm có tác dụng chống lão suy: Khí huyết hư suy, công năng tạng phủ bị rối loạn và tinh thần hao tổn.
Lý Thời Trân (Bản thảo cương mục) viết: "Thực phẩm từ quả vải là quý. Bồi bổ thì quả nhãn là hay". Ngụ ý nhãn bình hòa không quá nhiệt (nóng) như vải…
Tài liệu sách cổ viết: Long nhãn tính ôn, vị ngọt, lợi kinh tâm tỳ. Nếu đem so sánh với táo tàu thì tác dụng chữa bệnh ở tỳ của long nhãn còn tốt hơn. Long nhãn vừa bổ huyết, vừa bổ khí, có hiệu quả chữa chứng mất ngủ do suy nghĩ, lo lắng quá nhiều với tâm trạng bứt rứt, hồi hộp.
Long nhãn làm thuốc
Long nhãn hấp cơm: Long nhãn 30g, đường phèn 3g, hấp trong nồi cơm. Công dụng phòng bệnh lão suy, dưỡng huyết, ích trí, định tâm, an thần, nhuận ngũ tạng, tư dưỡng tân dịch và là thuốc bổ sau sinh.
Cháo long nhãn hạt sen: Hạt sen tươi 20g, bóc vỏ (để hoặc bỏ tâm sen), long nhãn 10g . Gạo tẻ 100g. Nấu cháo. Công dụng: Bổ huyết, an thần, trị thiếu máu, tâm phiền, tim đập hoảng hốt.
Rượu long nhãn: Rượu tốt một vò 2000ml, long nhãn nhục 120g. Ngâm càng lâu, hạ thổ càng tốt, ngày uống 2- 3 lần, mỗi lần 10-20ml. Công dụng: Kiện tì vị, phấn chấn tinh thần, giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, tăng cường trí nhớ.
Cao long nhãn kỷ tử: Long nhãn 250g, câu kỷ tử 300g. Sắc kỹ nhiều lần, sắc từ từ, bỏ bã, lấy nước, cô đặc thành cao. Mỗi lần uống 1-2 thìa café. Công dụng đại bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Long nhãn, đại táo: Long nhãn 30g, táo tầu 30g. Sắc uống. Công dụng trị suy nhược thần kinh, tì vị hư nhược, không thiết ăn uống, khí hư, huyết hư.
Long nhãn gạo lứt: Gạo lứt 100g, câu kỷ tử hạt 10g, long nhãn 20g, táo tầu 6g.
Gạo lứt nấu thành cháo gia long nhãn, câu kỷ tử, táo tầu vào. Ăn nóng. Ngày 2 lần. Công dụng: Trị chứng thiếu máu cơ tim, tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, mất ngủ, đổ mồ hôi, tỳ hư phù thũng
Long nhãn linh chi: Long nhãn 15g, linh chi 15g. Sắc uống. Công dụng: Chữa ít ngủ, hay mộng mị, hay hồi hộp vì tâm tỳ hư tổn.
Long nhãn khiếm thực: Long nhãn 10g, khiếm thực 12g, táo nhân 10g. Sắc uống. Công dụng: Trị mất ngủ, hay quên, tinh thần mệt mỏi, di tinh, tim đập hoảng hốt, loạn nhịp.
Vị thuốc khiếm thực (cháo long nhãn khiếm thực) bổ tỳ, trị đại tiện lỏng
Cháo long nhãn khiếm thực: Long nhãn 15g, khiếm thực 15g, gạo lứt 60g, hạt sen (bỏ tâm) 6g. Cho nước vào nấu thành cháo. Công dụng: Dùng cho phụ nữ trước hoặc sau sinh, thiếu máu, phù thũng, tự đổ mồ hôi, tỳ hư, đại tiện lỏng.
Long nhãn đậu đen: Long nhãn 15g, táo tầu 50g, đậu đen 50g. Sắc uống. Công dụng: Bộ thận, trị lưng đau, gối mỏi, tóc bạc, tỳ hư, chân phù.
Cao long nhãn đảng sâm: Long nhãn 120g, đảng sâm 250g, sa sâm 120g. Sắc kỹ nhiều lần, sắc từ từ , bỏ bã, lấy nước, cô đặc thành cao. Cho thêm 200ml mật ong vào. Để nguội, bảo quản dùng dần. Mỗi lần uống 2 thìa café. Ngày uống 3 lần. Công dụng: Trị suy nhược cơ thể, phiền khát, ho khan, mệt mỏi, vô lực.
Chú ý: Do long nhãn tính ôn nhiệt nên người nhiệt thịnh, âm hư hỏa vượng, táo kết hạn chế sử dụng.
Theo Sức khỏe và Đời sống