Đến Vĩnh Hy là một cách du lịch biển sang trọng, nói theo cách cha ông ta xưa nay thì ở chỗ ta khó tới thì chỗ đó tạo cho ta sự hấp dẫn và quyến rũ.
Du khách thỏa thuê lặn ngụp dưới làn nước trong vắt
Cái vịnh biển lạ kỳ đó cách TP Phan Rang (Ninh Thuận) 42 km, là một vịnh biển gợi cảm, gây tò mò cho nhiều người đúng như cái tên gọi rất đẹp này. Không thể so Vĩnh Hy với các bãi biển ở Nha Trang, mà hãy chinh phục và tận hưởng khi cuộc hành trình tìm đến nơi này là thỏa thuê con mắt, là nghe tiếng sóng biển lạ vỗ.
Từ năm 2000, vịnh Vĩnh Hy mới bắt đầu được đưa vào bản đồ du lịch của tỉnh Ninh Thuận và cho đến nay thì sự phát triển du lịch ở đây đã khá mạnh với nhiều dịch vụ tàu thuyền, phòng trọ, khách sạn. Con đường Ninh Hải- Vĩnh Hy dài 42 km đã được mở rộng và hoàn tất vào năm 2014 càng tạo cơ hội cho chuyến rong chơi thêm thong dong.
Từ đoạn đường sắp vào TP Phan Rang, theo hướng dẫn trên bản đồ, chúng tôi rẽ vào con đường bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ. Trên 40 km đường ấy quả thật tạo nhiều cảm giác khác nhau trước khi nhìn thấy Vĩnh Hy. Con đường qua những ngôi nhà dân, rồi qua những thênh thang đồng muối bạt ngàn, lúc con đường lên cao nhìn bên phải thấy biển, cứ tưởng mình sắp chạm vào Vĩnh Hy nhưng phải tiếp tục xuyên qua Vườn quốc gia Núi Chúa. Tại Vườn quốc gia Núi Chúa có một khoảng nền đất rộng cho bạn dừng chân, từ đó ngắm nhìn ngọn núi. Sau đó lại đi và cứ đi, vượt những ngọn đèo dốc không thua gì đèo Phượng Hoàng ở đường Nha Trang- Đắc Lắc. Vẻ đẹp của mùa xuân hiện rõ khi xe len giữa Vườn quốc gia Núi Chúa, bao quanh là những cây mai rừng bung sắc với một màu vàng kiêu sa, làm cho không gian trở nên lộng lẫy. Còn những cổ thụ thì sau một mùa đông lặng lẽ đợi chờ, bắt đầu nhú những lá non tơ nõn nà.
Cảm giác của chúng tôi khi đến trên đỉnh cao, nhìn xuống thấy vịnh Vĩnh Hy sau một chặng đường đầy gian nan, đó là một cảm giác chinh phục như thể vừa tìm ra một điều gì đó rất lớn lao. Lại lao xuống con dốc quanh co, rẽ vào con đường nhỏ, đi qua một chiếc cầu nhỏ. Vĩnh Hy trước mặt đang lộng lẫy trong mùa xuân.
Thời gian và sóng biển tạo cho Vĩnh Hy những "hoa văn" đẹp lạ lùng
Trong các số liệu, không hề nói vịnh Vĩnh Hy rộng bao nhiêu km2, nhưng có thể đoán được là khoảng 50 km2, nhỏ gấp 10 lần so với đầm Nha Phu hoặc vịnh Nha Trang, nhưng như thế là đủ cho cuộc rong chơi đầy phiêu lãng.
Cách duy nhất để lênh đênh trên vịnh là mua vé đi tàu đáy kính để ra ngoài cửa biển. Giá vé một người là 60.000 đồng, đi không giới hạn thời gian, để đôi mắt no với cảnh quan và nhìn ngắm sóng biển. Chúng tôi lên tàu, và cũng tò mò ngắm nhìn các loại san hô, thấp thoáng là các bãi tắm như bãi Bà Điên, bãi Đá Tròn, hòn Cá Heo.
Bao quanh là núi, con tàu đưa chúng tôi ra cửa biển, cứ thế mà biển mở rộng ra, để tầm mắt quan sát một thế giới biển hoàn toàn kỳ ảo. Đó là những ghềnh đá nhiều hình dáng khác nhau, có lẽ nghìn năm nay mặc cho sóng vỗ, tạo nên những hoa văn lạ lẫm hằn sâu trên đá, mọi người ai cũng thích thú ngắm nhìn. Có những hang nhỏ dựa vào vách đá, nhìn vào trong thấy giống như hang yến vẫn thường thấy ở Nha Trang. Còn trên các đỉnh núi không cao lắm ấy, thấp thoáng những căn nhà ẩn hiện.
Cảnh quan hữu tình ở Vĩnh Hy
Mọi sinh hoạt của người dân ở trong vịnh Vĩnh Hy vẫn diễn ra như không quan tâm đến sự có mặt của những con tàu chở khách. Những ngư dân với chiếc thuyền thúng cứ thả trôi trên dòng nước xanh mà giăng lưới, rồi đến những ngư dân tung lưới đánh cá. Thú vị hơn là trong mẻ lưới có những con cá ồ, cá thu nhỏ. Nhiều đoàn khách ghé lại mua để đến Bãi Điên chế biến mà ăn. Trong khi tàu lênh đênh trong kỳ ảo như thế, chúng tôi khá bất ngờ thấy những con vịt biển đang kiếm mồi trên sóng nước. Vịt biển có thể cũng là một nét riêng ở vùng biển Vĩnh Hy này.
Ở khu vực Bãi Điên có những ghềnh đá và bãi cát, phong cảnh hữu tình là nơi tàu đưa chúng tôi đến để ăn trưa. Theo quy luật bất thành văn ở nơi này là thuyền của bè nổi nào thì sẽ đưa khách đến bè nổi đó, khách không thể yêu cầu qua bè nổi khác. Tại đây có 5 bè nổi, mỗi bè chủ nhân phải đầu tư khoảng một tỷ đồng gồm sử dụng các phao rỗng bằng nhựa composit ở bên dưới, bên trên lót ván và tất nhiên cũng có trụ treo võng, nhà vệ sinh, nhà bếp và lồng cá sống, các chậu đựng các loại ốc biển để khách tùy nghi lựa chọn sau khi khảo giá cho buổi trưa thú vị của mình. Giá cả ở trên bè lồng cao gấp đôi ở đất liền, nhưng khách đi du lịch chỉ chẳng nề hà chuyện tiền bạc, miễn là được ăn ngon. Trong đoàn chúng tôi có một số học sinh đến từ Phan Rang, do đã có kinh nghiệm đi Vĩnh Hy nên các em mua đồ ăn mang theo, khi đến bè là lên chiếc sà lan gỗ có dây kéo, vào tận bãi tắm, gom củi khô nhóm lửa tự nướng các loại hải sản mình mang theo để ăn và tắm biển. Cũng từ bè nổi này, khách cũng có thể gọi các thuyền đánh cá đang cập bến để mua các loại tôm, cua, mực mà họ đánh bắt được. Chủ bè chỉ tính công chế biến và phụ gia.
Chuyến rong chơi đến Vĩnh Hy là một cảm giác trọn vẹn. Từ bè nổi, sau khi ăn ốc hoặc cá nướng và uống vài lon bia, khách có thể nằm trên chiếc võng mà phóng tầm mắt ngắm vịnh biển đang xanh ngắt một màu xanh rất đẹp. Cũng có thể theo một chiếc thuyền nan, cùng thử giăng lưới để có cảm giác mình là ngư dân đang bắt những con cá đang sống trong lòng biển cả.
Vĩnh Hy không giống một vịnh biển nào, bởi sự hoang sơ gần như còn nguyên vẹn, vì cảm giác lênh đênh và chạm gặp sự hùng vĩ của núi, sự diệu kỳ của những hình khắc trên đá do thời gian và mưa gió tạo nên.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG