Lúc tan trường, nhiều học sinh túm năm, tụm ba, dừng xe dưới lòng đường; đi xe đạp, xe máy dàn hàng 3, hàng 4, gây ách tắc giao thông...
Cổng Trường THPT Thanh Hà giờ tan học
Thị trấn Thanh Hà có 2 tuyến tỉnh lộ là 390 và 390B đi qua. Nằm trên địa bàn thị trấn có 6 trường học gồm: Mầm non, Trường Tiểu học, THCS thị trấn, THPT Thanh Hà, THPT Thanh Bình và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện cùng nhiều cơ quan, đoàn thể. Phần lớn các trường học đều bám mặt tỉnh lộ nên giao thông giờ cao điểm rất phức tạp. Lúc tan trường, nhiều học sinh túm năm, tụm ba, dừng xe dưới lòng đường; đi xe đạp, xe máy dàn hàng 3, hàng 4, gây ách tắc giao thông. Nhiều học sinh đi trái đường, không chú ý các phương tiện giao thông khác.
Em Đỗ Thị Giang, học sinh lớp 11G, Trường THPT Thanh Hà cho biết: Em cũng được thầy cô phổ biến Luật Giao thông đường bộ, nhưng khi tan trường, các em thường đứng đợi nhau, nên dễ gây ách tắc. Ông Hoàng Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Hà nói: "Trung tâm nằm ngay chân cầu Hương, có nhiều đơn vị lân cận như Trường THPT Thanh Bình, Bệnh viện Đa khoa huyện... Hằng ngày, vào các giờ cao điểm, nhiều phương tiện cơ giới qua lại, tắc-xi tập trung đón khách ở bệnh viện nên học sinh không thể di chuyển nhanh, thường xảy ra ách tắc giao thông".
Ở các trường tiểu học, mầm non của thị trấn đã có vỉa hè, nhưng một số phụ huynh học sinh còn đứng dưới lòng đường đón con, khiến tình trạng giao thông càng thêm phức tạp. Ông Bách Trung Toàn, Thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà cho biết: "Hiện nay, xe đạp điện được học sinh sử dụng tương đối nhiều. Hầu hết đều không đội mũ bảo hiểm, lại đi nhanh nên gây mất an toàn cho chính bản thân học sinh và người đi đường. Mặc dù Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, nhưng tình trạng ách tắc giao thông ở các cổng trường học vào giờ tan tầm vẫn chưa giải quyết được”. Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Hà, vào các giờ cao điểm, Công an thị trấn phối hợp với Công an huyện tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông ở cổng trường học, nhưng do lực lượng mỏng nên hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng lộn xộn trên là do gia đình và trường học chưa có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Công an thị trấn không có thẩm quyền xử lý, giải tỏa các tuyến đường tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khiêu, cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Thanh Hà cho biết: Bất cập hiện nay của giao thông toàn huyện nói chung và giao thông thị trấn nói riêng là cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Đường hẹp, nhiều cây cối che khuất tầm nhìn. Nhiều trường học tập trung tại một địa điểm. Ý thức của học sinh còn kém nên việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ thường xuyên diễn ra. Công an huyện đã nhiều lần bắt giữ xe máy, xe đạp điện của học sinh vi phạm giao thông, nhưng sau khi trả lại, học sinh vẫn tiếp tục mắc lỗi. Công an huyện phối hợp với Công an thị trấn giải tỏa ách tắc tại các điểm đông học sinh, nhưng không được thường xuyên. Theo tôi, để bảo đảm an toàn giao thông học đường, trước hết học sinh phải có ý thức. Khi tan trường không được ra ồ ạt, không tụ tập trước cổng trường". Vì vậy, các trường học cần tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, có chương trình giáo dục về an toàn giao thông mang tính hệ thống, đồng bộ, liên tục trong cả 3 cấp học. Các giáo viên, học sinh ở các trường học phải ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông. Coi ý thức chấp hành pháp luật giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh. Các bậc phụ huynh không nên đỗ xe dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện phải vào cuộc tích cực, coi trọng bảo đảm an toàn giao thông học đường.
MINH NGUYÊN