Lời Di chúc là một di sản vô giá và thiêng liêng Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Bút tích bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ ra đi, để lại một bản Di chúc mà Người đã suy ngẫm, cân nhắc, xem đi sửa lại suốt 5 năm trời. Đó là một di sản vô giá và thiêng liêng Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trước hết, nói về Đảng, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Để giữ vững và phát huy truyền thống ấy, “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên phê bình và tự phê bình”, “phải có tình đồng chí thương yêu nhau”.
Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, nắm vững mục đích của Đảng là: “một lòng một dạ phục vụ nhân dân”, “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Nhiều năm trước đó, Người đã từng dạy: “Cũng như sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”.
Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Người đã dành hẳn một chương, chương đầu tiên, để nói về “Tư cách người kách mệnh”. Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người lại dành hẳn chương ba để nói về “Tư cách và đạo đức cách mạng”.
Trong Di chúc, Người còn căn dặn là, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn thì “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Ngày nay, muốn công cuộc đổi mới giành được thắng lợi, thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là một tấm gương thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếu Đảng bị thoái hóa, biến chất không còn “xứng đáng là người lãnh đạo” nữa thì chẳng những không có đổi mới mà những thành quả cách mạng đã giành được cũng chẳng còn.
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, Người luôn tự nhận mình là đầy tớ của nhân dân. Bao giờ, Người cũng xem việc được phục vụ nhân dân là niềm hạnh phúc, là mục đích cao cả nhất của cuộc đời mình.
Bác Hồ là người luôn chăm lo cho thế hệ trẻ Việt Nam, những người kế tục sự nghiệp cách mạng cao quý của cha anh. Cho nên, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Đối với nhân dân lao động, Người khẳng định: “Ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh, tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Ngày Bác ra đi, đất nước ta còn đang trong chiến tranh ác liệt, nhưng Người đã khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”. Hiện thực ấy đã được chứng minh.
Về phong trào cộng sản thế giới, Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình…”.
Điều mong muốn cuối cùng của Người là “Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Từ ngày 2-9-1969, thời điểm thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho Đảng và dân tộc ta một nguồn sức mạnh trường tồn. Đó là bản Di chúc lịch sử, những lời căn dặn cuối cùng, hệ trọng của Người, là tình cảm, niềm tin của Người với chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, làm nổi bật những tư tưởng cơ bản, cốt cách, tâm hồn cao đẹp và đạo đức vô cùng trong sáng của Người, là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Quán triệt đầy đủ, vận dụng sáng tạo, thực hiện xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người trong suy nghĩ và hành động cụ thể là trách nhiệm, là lương tâm của mọi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam.
Thực hiện Di chúc của Người, nhân dân Việt Nam anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phấn đấu không mệt mỏi để biến thành hiện thực những lời Người căn dặn, nhờ đó, đã giành được những thắng lợi vang dội làm rạng rỡ non sông đất nước ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc thiêng liêng của Người mãi mãi sẽ là ngọn cờ đưa dân tộc ta tiến nhanh, tiến mạnh trong thế kỷ 21.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người, là ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là mệnh lệnh của trái tim cháy bỏng dòng máu cách mạng khi chúng ta hướng về Người và hành động theo gương sáng của Người.
NGUYỄN XUYẾN