Nhiều địa phương đang lúng túng xử lý công nông, xe tự chế, ô tô hết niên hạn sử dụng và xe máy kéo theo xe khác, vật khác.
Thiếu cơ sở xử lý khiến nhiều địa phương buông lỏng việc kiểm tra, thu giữ xe tự chế
Độ an toàn thấpTheo Sở Giao thông vận tải (GTVT), toàn tỉnh hiện có 2.366 xe 3 bánh, 4 bánh tự chế. Đây là xe sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu trái phép, không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đăng ký xe. Trong đó, có 2.191 xe chuyên chở hàng hóa, 119 xe chở người. Các địa phương có nhiều xe tự chế là Bình Giang (350 xe), Cẩm Giàng (317 xe), Thanh Miện (246 xe).
Hầu hết các xe 3 bánh, 4 bánh tự chế dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng, nông sản, đưa đón học sinh. Đường sá tại nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh thiếu hệ thống chiếu sáng, thiếu biển báo giao thông; ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân còn hạn chế.
Trong khi đó, xe tự chế có hệ số an toàn thấp, khó xử lý tình huống đột xuất trên đường, rất dễ xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông.
Theo ông Lê Quý Tiệp, Phó Giám đốc Sở GTVT, trong quá trình xử lý loại phương tiện này đã phát sinh một số khó khăn, đặc biệt là việc phối hợp giữa các ngành và địa phương còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị ở các địa phương phối hợp kiểu chiếu lệ, qua loa.
Sớm có cơ chế xử lý
Nhiều địa phương thu giữ xe tự chế nhưng khó xử lý
Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mới xử lý được 127 xe tự chế, chiếm 5,4%.
Từ ngày 21 - 24.3 và ngày 27.3, Thanh tra Sở GTVT chủ trì tổ chức kiểm tra, thu giữ xe công nông, xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện nhưng cũng chỉ phát hiện được 23 trường hợp.
Hiện nay, ngoài huyện Tứ Kỳ có Hội đồng định giá để xử lý xe, bán phế liệu sung công quỹ thì các địa phương khác đều rất lúng túng. Có nơi thu xe về nhưng không biết xử lý thế nào, tập kết phương tiện ở đâu...
Những điều này đang khiến việc xử lý không thường xuyên, liên tục, cán bộ không mặn mà. Thiếu tá Nguyễn Huy Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Nam Sách cho biết: "Sau khi thu phương tiện, chúng tôi đã làm việc với Phòng Tài chính huyện để đề nghị hướng dẫn cách thanh lý tài sản thì được trả lời thanh lý là việc của công an. Hiện phương tiện tiếp tục thu giữ được sẽ không biết tập kết tại đâu và xử lý thế nào. Tỉnh cần sớm có hướng dẫn cụ thể về thanh lý loại tài sản này để cấp huyện thực hiện".
Trước đó, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn về xử lý xe tự chế.
Tại cuộc họp này, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT cho rằng trước mắt không để tăng thêm số lượng xe tự chế, chính quyền cơ sở phải tăng cường quản lý, tuyên truyền người dân không sản xuất, không sử dụng loại xe này, vận động chủ xe giao nộp...
Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài chính, nên tuyên truyền để người dân tự tháo dỡ phương tiện tại nhà. Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến khác cho rằng cần sớm ban hành cơ chế xử lý để việc xóa bỏ xe tự chế được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương...
Người sử dụng xe 3 bánh, 4 bánh tự chế chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn. Xóa bỏ phương tiện này trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhiều người.
Tuy nhiên, thực hiện nghiêm quy định và để bảo đảm an toàn giao thông thì xóa bỏ các loại xe trên là cần thiết. Tỉnh cần sớm có hướng dẫn để các địa phương làm căn cứ thực hiện.
Đồng thời, đề cao vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý, xử lý xe tự chế; tổ chức cho các hộ có loại phương tiện này ký cam kết tháo dỡ, giao nộp, không tiếp tục mua, sử dụng xe tự chế.
TIẾN HUY
Theo lộ trình tỉnh đang thực hiện, trước ngày 31.12.2017 xử lý dứt điểm xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, ô tô hết niên hạn sử dụng lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh, nội thành, nội thị (trừ xe thu gom rác, xe làm phương tiện đi lại của thương binh, người khuyết tật). Trước ngày 31.12.2018 xử lý dứt điểm xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, ô tô hết niên hạn sử dụng lưu thông trên đường huyện, đường liên xã, đường xã, đường thôn, xóm (kể cả xe thu gom rác).
|