Hàng tỷ USD đang chờ đổ vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A). Chuyên gia dự báo, các thương vụ lớn có thể được chốt vào năm 2021.
50 tỷ USD
"Có thể nói sau hơn một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng nghìn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào giai đoạn mới với nhiều cơ hội mới. Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu khiến thị trường M&A cũng chững lại, thậm chí suy giảm sâu", ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đánh giá.
Tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Nhìn vào hoạt động M&A năm 2019, tuy giá trị giảm nhưng vẫn có những yếu tố tích cực.
Trong 6 tháng cuối năm 2019, nhiều thương vụ lớn với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn tư nhân đã xuất hiện. Điển hình là thương vụ hợp nhất, hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce và VinEco với Masan Comsumer (Masan Group), KEB Hana Bank (Hàn Quốc) mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV)...
Thương vụ lớn về mua bán trên thị trường năm 2019 |
Về thương vụ đầu tư, nổi bật nhất là thương vụ giữa KEB Hana Bank và BIDV trị giá 878 triệu USD năm 2019, thương vụ mua cổ phần Vinhomes của KKR & Temasek trị giá 652 triệu USD... Trong khi đó, các thương vụ sáp nhập và mua lại nổi bật nhất trong năm 2019-2020 đều liên quan đến các tập đoàn tư nhân của Việt Nam, điển hình là Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk.
Do sự tác động của Covid-19 cũng như các yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Tuy nhiên, giới đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid. Thị trường có thể phục hồi về mức 4,5-5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn nhờ các thương vụ mới cũng như nhiều thương vụ thoái vốn lớn được Nhà nước thực hiện sau năm 2021.
Trong trường hợp các điều kiện thuận lợi về môi trường chính trị, môi trường kinh tế, cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, sự dồn nén các cơ hội đầu tư giai đoạn 2019-2021 sẽ có thể được giải phóng vào thời điểm 2022. Thị trường có thể sẽ được chứng kiến sự hồi phục theo mô hình chữ V, hoặc mô hình Chim tung cánh. Dự báo giá trị M&A năm 2022 tại Việt nam có thể đạt được mốc 7 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc gần đây cũng tích cực trong các hoạt động M&A. Một số thương vụ đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm nay như SK Investment III (công ty con của SK Group) nhận được hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) đã mua lại Công ty VinaPolytech; GS Caltex chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)...
Các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục có những thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, nổi bật là thương vụ Tập đoàn Stark mua lại Công ty cáp điện Thịnh Phát và Dovina, Tập đoàn SCG mua lại Công ty Bao bì Biên Hòa...
Tiền đề cho năm 2021 “bùng nổ”
Chia sẻ tại cuộc họp báo trước thềm Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 12 năm 2020, do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu ra một con số đáng chú ý: Giá trị các thương vụ M&A giữa các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước chỉ bằng 40% so với năm ngoái. Số lượng các thương vụ cũng sụt giảm 50%.
Đặc thù của những thương vụ dạng này là sự chảy vào của dòng vốn từ ngoài biên giới. Việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia ròng rã gần 10 tháng nay đã trực tiếp hạn chế hoạt động nghiên cứu thị trường. Thực tế, theo ông Sử, các thương vụ thực hiện trong năm nay phần lớn đều là giao dịch đã tìm hiểu từ trước đó.
Cơ hội cho các nhà đầu tư |
Bên cạnh đầu tư các dự án mới, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp đang và sẽ là một phần quan trọng trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dù các số liệu đầu năm cho thấy sự chững lại, nhưng với xu thế không thể đảo chiều trên, đại diện Cục đầu tư nước ngoài cho rằng việc tìm hiểu các giao dịch M&A của các nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước hiện giống như lò xo bị nén lại và sẽ là tiền đề cho sự bùng nổ của năm 2021.
Bà Phạm Mai Hương, Giám đốc Tư vấn Tài chính và Mua bán Doanh nghiệp KPMG Việt Nam, tiết lộ, trong những tháng đầu năm 2020, khách hàng đến trao đổi không giảm đi, đặc biệt ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản. Tuy nhiên, bối cảnh này bên cạnh mảng bán lẻ sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, các mảng sản xuất nguyên vật liệu, sản phẩm xuất khẩu có tiềm năng xuất khẩu tốt được nhắm đến.
“Xu hướng các nhà đầu tư quan tâm đến ngành tài chính tiêu dùng, nền tảng công nghệ trở thành điều kiện tối thiểu về nguồn hàng mà khách hàng của chúng tôi đưa ra”, bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Phòng Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư VPS, cho hay.
Theo quan sát, rất có thể xuất hiện các thương vụ lớn được chốt trong năm 2021. Quốc gia dẫn dắt các thương vụ là Hàn Quốc, Nhật Bản, với quy mô giá trị một số thương vụ từ 500 triệu USD trở lên.
Các nhà tư vấn đều khẳng định, không vì dịch bệnh mà sức hấp dẫn của thị trường M&A giảm. Quá trình rà soát, thẩm định không ảnh hưởng quá nhiều vì hai bên cũng đã có hiểu biết về nhau, họp trực tuyến, nội dung chuẩn bị trước, quá trình rà soát diễn ra bình thường chỉ hoãn lại một chút về kế hoạch chốt giao dịch.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn, JLL Việt Nam, cho biết thử thách lớn để Việt Nam tiếp nhận các dòng vốn M&A là độ minh bạch về quản trị doanh nghiệp, tính pháp lý của dự án. Đó là bởi nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến uy tín của doanh nghiệp và tính pháp lý dự án. Nếu các nhà đầu tư địa phương có thể đáp ứng các tiêu chí đó M&A sẽ nhiều hơn trong năm 2021 và các năm sau.
Theo Vietnamnet