Lo ngại về văn hóa ứng xử của thanh niên

24/08/2011 12:25

Những biểu hiện của lối sống thực dụng, tự do kiểu phương tây như “tình yêu ký túc xá”, yêu thử, sống thử… đã trở thành “mốt” của một số thanh niên.

Thanh niên là lực lượng quan trọng, quyết định đến vận mệnh của đất nước trong tương lai. Vì vậy, ngoài những yêu cầu về trình độ, năng lực, đạo đức, lối sống… thanh niên phải biết ứng xử có văn hóa. Thời gian qua, có không ít những cuộc thi về văn hóa, phong cách ứng xử như: Cuộc thi học sinh, sinh viên thanh lịch, hoa hậu sinh viên… Ban tổ chức giải đã chú trọng đánh giá phong cách và nét đẹp trong ứng xử của các thí sinh. Các hoạt động đó đã tạo nên sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thanh niên. Thông qua đó, thanh niên nhận thấy được những ưu điểm và hạn chế của mình trước yêu cầu của xã hội, đất nước và con đường sự nghiệp của bản thân, tự giác điều chỉnh, tu dưỡng trở thành những thanh niên thanh lịch, có lối ứng xử đẹp…

Hiện nay, bên cạnh những cái tốt, những giá trị tiến bộ, vẫn còn không ít các loại thông tin xấu, độc hại, văn hóa thiếu lành mạnh qua hàng hóa, quảng cáo, phim ảnh, báo chí, in-tơ-nét… Đặc biệt, những luồng văn hóa xấu này được một số kẻ hám lợi, thiếu hiểu biết tiếp tay làm cho một bộ phận không nhỏ thanh niên vốn ham cái mới, cái lạ bị choáng  ngợp, lây nhiễm, thậm chí còn hoang mang trước những tác động tiêu cực mang tính tự phát... Một bộ phận giới trẻ trở nên “sùng ngoại”, học đòi chạy theo những giá trị ảo tưởng, phù phiếm, tầm thường, quay lại phủ nhận tất cả những cái vốn tốt đẹp của bản thân và dân tộc… Những biểu hiện của lối sống thực dụng, tự do kiểu phương tây như “tình yêu ký túc xá”, yêu thử, sống thử… đã trở thành “mốt” của một số thanh niên. Ngoài ra, hội chứng mê đắm các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, bóng đá… nghe và học theo cách sống các “thần tượng”, trái với chuẩn mực văn hóa của dân tộc cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần kịp thời xem xét, chấn chỉnh… Chúng ta còn thấy hàng loạt các hiện tượng khác xung quanh vấn đề ứng xử của thanh niên như: văng tục, chửi thề, đua xe, ăn cắp, cướp giật, lừa đảo, đặc biệt là sa vào ma túy, chích hút, nhiễm HIV/AIDS ngày càng nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do nhiều thanh niên thích cái mới lạ, thích được thử sức mình, khẳng định mình trong mọi lĩnh vực, trong khi bản thân thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng từ cái xấu. Bên cạnh đó, những người lớn, cán bộ, đảng viên, người có chức, quyền sống xung quanh chưa thật sự gương mẫu, nói một đằng làm một nẻo. Mặt tiêu cực từ xã hội, cơ chế thị trường tới thanh niên. Một số trường học chưa thật chú trọng dạy lễ cho học sinh mà còn nặng về dạy chữ. Cha mẹ thiếu kiến thức trong việc dạy con, thậm chí do quá tập trung vào làm ăn đã bỏ mặc, để khoảng trống cho những thói xấu hình thành, nêu gương xấu cho con cái…

Đặc biệt, với sự bùng nổ của khoa học, công nghệ thông tin đã có tác động lớn tới văn hóa ứng xử của thanh niên. Các đơn vị văn hóa nghệ thuật chạy theo thị hiếu nên đã để lọt rất nhiều lối ứng xử ngoại lai, độc hại trên phim ảnh, báo chí, băng đĩa, in-tơ-nét…

Để giúp thanh niên giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc cái mới phù hợp với hoàn cảnh, phong tục, truyền thống dân tộc là nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ, các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, đặc biệt là của mỗi gia đình, các bậc cha mẹ. Chỉ khi nào những bộ phận trên làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, là những “địa chỉ” tin cậy cho thanh niên tìm đến khi gặp khó khăn, giúp họ uốn nắn, điều chỉnh những hành vi ứng xử hằng ngày, thì khi đó thanh niên có điều kiện, cơ hội được rèn luyện, tu dưỡng, hoàn thành tốt vai trò là lực lượng trụ cột, những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong đó, tổ chức Đoàn Thanh niên luôn phải phát huy tốt vai trò xung kích, “đỡ đầu” cho thanh niên để họ vững bước trưởng thành.

PHẠM XUÂN THÔNG(Gia Lộc)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại về văn hóa ứng xử của thanh niên