Người giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ tự do gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản.
Hạ nghị sỹ Seiko Noda (trái) và cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi, hai trong số các ứng cử viên tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Sau khi Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản Yoshihide Suga quyết định rút khỏi cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP), sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên thay thế vị trí của ông Suga đang ngày càng “nóng” lên. Chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên sẽ bắt đầu vào ngày 17.9 và đến nay đã có 3 ứng cử viên chính thức lộ diện trên đường đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng LDP.
Di sản của Thủ tướng Yoshihide Suga
Ngày 3.9 vừa qua, Thủ tướng Suga, người đang giữ chức Chủ tịch đảng LDP, bất ngờ thông báo sẽ không ra tranh cử chức chủ tịch đảng nhiệm kỳ tới. Đây có thể nói là một quyết định khá bất ngờ của Thủ tướng Yoshihide Suga vì trước đó, ông vẫn duy trì lập trường là sẽ trở thành ứng cử viên, đồng thời có kế hoạch tiến hành việc sắp xếp lại một số nhân sự trong đảng bao gồm cả Tổng thư ký Toshihiro Nikai. Lý do ông đưa ra là muốn dốc sức toàn bộ cho kế hoạch phòng chống lây nhiễm của dịch COVID-19 đang có xu hướng lan rộng tại Nhật Bản.
Việc ông Suga tuyên bố không ra tranh cử chủ tịch LDP đồng nghĩa với việc ông sẽ không tiếp tục giữ chức thủ tướng sau khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch đảng cầm quyền vào ngày 30.9 tới.
Với việc không tham gia cuộc đua Thủ tướng nhiệm kỳ tới, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ông Suga đã vấp phải không ít những lời chỉ trích nặng nề, dù trên thực tế ông Suga đã cố gắng rất nhiều trong 1 năm vừa qua, làm được những điều mà không phải Thủ tướng nào cũng làm được, đúng như con người ông - lặng thầm nhưng đầy trách nhiệm.
Giới quan sát đánh giá sau một năm cầm quyền, chính phủ của ông Suga được cho là đã đạt một số thành công nhất định.
Nhìn lại một năm qua, có thể thấy rõ Thủ tướng Suga Yoshihide nhậm chức trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, và trong Nhật Bản tình hình lây nhiễm cũng hết sức căng thẳng. Ban đầu, với ý tưởng vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Suga đã thực hiện kế hoạch thúc đẩy thị trường du lịch trong nước “Go to travel” và ít nhiều có kết quả. Tuy nhiên, việc lây lan dịch bệnh vượt mức kiểm soát buộc kế hoạch phải dừng. Dư luận cho rằng chính việc ông cho dừng kế hoạch này muộn nên khiến dịch bệnh lây lan rộng.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia được tiếp cận với nguồn vaccine COVID-19 sớm nhất, nhưng ban đầu tỷ lệ được tiêm chủng lại rất thấp. Điều này cũng vấp phải sự phản đối của cả các đảng đối lập và người dân. Đến tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết liệt thúc đẩy tiêm chủng bằng mọi cách, nên tỷ lệ tiêm chủng đã được cải thiện rõ rệt, dự kiến tháng 11 sẽ hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2.
Một số ý kiến cho rằng có một thực tế là tỷ lệ người Nhật Bản không muốn tiêm chủng cũng khá cao, và không có luật nào bắt ép họ phải tiêm. Chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng ở Nhật Bản còn chưa cao trong những tháng trước đây. Và do đó việc tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở Nhật Bản không hoàn toàn do lỗi của chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide.
Hơn nữa, việc Chính phủ Nhật Bản quyết tâm tổ chức sự kiện Olympic và Paralympic Tokyo 2020 cũng không tránh khỏi sự chỉ trích của người dân và các đảng đối lập. Tất cả những nguyên nhân đó đã làm cho tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Suga giảm sút và hiện chỉ ở mức khoảng 30%, thấp hơn so với mức 74% ủng hộ khi ông vừa nhậm chức Thủ tướng vào tháng 9.2020.
Nhìn chung, không thể phủ nhận Thủ tướng Suga Yoshihide đã làm được nhiều việc trong 1 năm qua, như thúc đẩy cải cách số hóa, chế độ cho sản phụ, duy trì chính sách tăng trưởng từ thời Thủ tướng Abe Shinzo. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, ông Koizumi trong một phát biểu nói về ông Suga đã khẳng định rằng hiếm thấy có một chính phủ nào làm việc chăm chỉ như thế, và ông Suga là một người vô cùng ấm áp. Hơn thế nữa, một vị Thủ tướng trong vòng 1 năm qua không nghỉ ngày nào, liên tục làm việc chăm chỉ đủ thấy rằng ông đã toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ của mình. Rất nhiều quan chức Nhật Bản cũng đều có chung đánh giá về ông Suga như vậy.
Những gương mặt sáng giá cho ghế “nóng”
Theo kế hoạch, đảng LDP sẽ tổ chức bầu Chủ tịch mới vào ngày 29.9 tới. Khác với cuộc chạy đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP vào năm 2020 vốn chỉ có sự tham dự của các đảng viên là nghị sĩ, cuộc bỏ phiếu sắp tới có sự tham gia của cả các đảng viên không phải là nghị sĩ và đại diện của các tổ chức ủng hộ đảng này. Bất cứ ai muốn giành chiến thắng đều phải giành được ít nhất 50% trong số 766 phiếu, trong đó có 383 lá phiếu của các nghị sĩ LDP.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào giành đa số phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, LDP sẽ phải tổ chức bỏ phiếu lần thứ 2 để chọn ra Chủ tịch mới từ 2 ứng viên có số phiếu cao nhất ở vòng 1. Vòng bỏ phiếu thứ 2 sẽ có sự tham dự của 383 nghị sỹ và 47 đảng bộ của LDP ở 47 tỉnh, thành.
Người giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản do đảng LDP cầm quyền đang chiếm đa số ghế ở Hạ viện. Kết quả cuộc bỏ phiếu cũng sẽ làm rõ người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Suga để lãnh đạo Nhật Bản.
Trong các cuộc thăm dò hiện đang nổi lên 3 gương mặt được dư luận Nhật Bản đánh giá cao, đó là cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi, và Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính Kono Taro. Cả 3 nghị sĩ này đã chính thức thông báo quyết định ra tranh cử.
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida hiện là một trong những ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP tới đây. Ông Kishida là người đầu tiên thông báo sẽ ra tranh cử chức chủ tịch LDP (ngày 26.8). Là cựu Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách của đảng LDP, năm nay 64 tuổi, ông Kishida cho biết ông ra tranh cử để chứng tỏ LDP “lắng nghe người dân và vẫn còn nhiều lựa chọn”.
Ông Kishida từng được coi là nhân vật có khả năng kế nhiệm cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người đã từ chức vào cuối tháng 8.2020. Tuy nhiên, nghị sỹ đến từ tỉnh Hiroshima này chỉ đứng ở vị trí thứ hai trong cuộc chạy đua tranh chức chủ tịch LDP năm ngoái, sau Thủ tướng Suga.
Chiến lược tranh cử của ông Fumio Kishida lần này tập trung vào những chính sách nhằm giảm chênh lệch thu nhập và hỗ trợ những người dễ bị tác động tiêu cực bởi các biến động trong đời sống xã hội. Ngoài ra, chính trị gia 64 tuổi này cũng muốn duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Tập trung vào chính sách kinh tế, ông Kishida kêu gọi tung ra một gói trị giá hơn 30.000 tỷ Yên (tương đương 273 tỷ USD) dưới dạng phát hành trái phiếu để ứng phó đại dịch COVID-19. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Diamond, ông từng nói: “Chúng ta phải hỗ trợ nền kinh tế bằng việc nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính quy mô lớn để giảm các tác động của đại dịch đối với cuộc sống của người dân”.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông, Hạ nghị sĩ Sanae Takaichi, 60 tuổi, cũng đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá khi đặt mục tiêu trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Bà Takaichi chính thức thông báo sẽ tranh cử chức chủ tịch LDP vào ngày 8.9 vừa qua.
Tốt nghiệp Đại học Kobe, bà Takaichi có một bề dầy hoạt động chính trị. Kể từ khi chính thức bước chân vào chính trường Nhật Bản năm 1993, bà đã trúng cử vào Hạ viện 8 lần liên tiếp. Bà lần đầu tiên đảm nhận vị trí bộ trưởng trong nội các vào năm 2006 sau khi ông Abe lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng. Khi đó, bà giữ chức Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về Okinawa và vùng lãnh thổ phía bắc. Sau khi ông Abe trở lại vị trí Thủ tướng vào tháng 12.2012, bà Takaichi đã nhiều lần được bổ nhiệm vào các vị trí cao trong nội các và đảng cầm quyền như Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách LDP và Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông.
Truyền thông địa phương cho biết bà Takaichi đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ ông Shinzo Abe trong cuộc đua tranh cử Thủ tướng lần này. Điều này không ngạc nhiên bởi cả hai người đều có sự liên kết chặt chẽ về tư tưởng. Đây sẽ là một lợi thế lớn đối với chính trị gia vốn không thuộc bất cứ phe phái nào trong LDP này.
Mong muốn trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, bà Takaichi đã vạch ra kế hoạch củng cố nền kinh tế, tăng cường ngân sách để hỗ trợ hệ thống y tế vốn đang đối mặt với khó khăn do đại dịch. Bà cho biết sẽ tập trung vào việc nới lỏng tiền tệ và chi tiêu công trong các tình huống khẩn cấp, đồng thời đầu tư cho quản lý khủng hoảng, trong đó có năng lực quốc phòng và ứng phó với thảm họa. Bà cam kết sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân cũng như chủ quyền và danh dự của quốc gia. Điều này bao gồm nỗ lực tăng cường phản ứng của Nhật Bản đối với các cuộc tấn công mạng, đại dịch và các mối đe dọa an ninh.
Ngoài ra, những chính sách liên quan tới an ninh mạng, cải tiến công nghệ, chống rò rỉ thông tin cũng được bà Sanae Takaichi quan tâm.
Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, 58 tuổi, đang được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Chủ tịch LDP. Ông Kono chính thức tuyên bố ra tranh cử vị trí chủ tịch Đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) vào ngày 10.9.
Ông Taro Kono là một chính trị gia vốn đã “quen mặt” với công chúng khi từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Shizo Abe từ năm 2017-2019. Ông là thành viên của phái Shikokai thuộc LDP do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso lãnh đạo và được cho là ủng hộ các chính sách quan trọng của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.
Sau khi Thủ tướng Suga kế nhiệm Thủ tướng Abe, ông Taro Kono được trao chức Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính. Gần đây ông nổi tiếng với chức danh “Bộ trưởng vaccine” do phụ trách chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản.
Là người phụ trách chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 của Chính phủ, ông gây được ấn tượng với các cử tri trẻ tuổi khi thường xuyên có những tương tác qua mạng xã hội. Nhưng thành tích trong chiến dịch tiêm chủng không phải yếu tố duy nhất khiến ông Kono nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng. Trong một xã hội và nền chính trị khá truyền thống như Nhật Bản, ông Kono nổi lên là một chính trị gia theo xu hướng hiện đại, cởi mở. Hầu hết giới trẻ đều biết đến ông và dành sự ngưỡng mộ cho vị chính trị gia này - điều không nhiều quan chức tại Nhật Bản có được. Ngoài ra, một trong những ý tưởng đáng chú ý của ông Taro Kono là kế hoạch đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội và năng lượng.
Tham gia vận động tranh cử lần này, ông Kono đặt ra 2 khẩu hiệu gồm “Đưa nước Nhật tiến về phía trước” và “Thay đổi LDP và thay đổi chính trị. Nỗ lực hết mình để giải quyết cuộc khủng hoảng của nước Nhật.”
Ngoài 3 ứng cử viên đã chính thức xác nhận ra tranh cử, hiện còn một số gương mặt được cho là có khả năng sẽ tham gia cuộc đua ghế “nóng” LDP tới đây như: cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 64 tuổi; Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách LDP Hakubun Shimomura; cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông, Hạ nghị sĩ Seiko Noda. Trong đó, bà Seiko Noda hiện tại là người đã đáp ứng các điều kiện tiên quyết để ra tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP cầm quyền, đó là bà đã có được sự ủng hộ của ít nhất 20 nghị sĩ của LDP…
Trong số các ứng cử viên trên, Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono hiện đang được dư luận đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Theo kết quả khảo sát do Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) vừa thực hiện qua điện thoại trên toàn quốc trong hai ngày 4 và 5.9, có 31,9% người được hỏi ủng hộ ông Kono, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Shigeru Ishiba nhận được tỷ lệ ủng hộ là 26,6% và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida là 18,8%. Bà Seiko Noda nhận được tỷ lệ ủng hộ là 4,4%, và bà Sanae Takaichi là 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ thay đổi trong tuần tới sau khi chiến dịch tranh cử chính thức bắt đầu vào ngày 17.9.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, người kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ phải gánh trên vai những trọng trách nặng nề. Theo các nhà phân tích, bất kỳ nhân vật nào đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Nhật Bản sắp tới cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức ngay từ đầu nhiệm kỳ, từ việc tìm biện pháp ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng gia tăng tới những chính sách ổn định nền kinh tế, an sinh xã hội… Ứng cử viên nào đưa ra được lời giải những “bài toán” khó khăn này, người đó sẽ nhận được sự tín nhiệm của người dân.
Theo TTXVN