Sáng 5.4, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường. Các vấn đề liên quan tới đời sống công nhân được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Thanh Hà phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Chung
Doanh nghiệp lách luật
Đa số các ý kiến cho rằng áp lực phải tăng ca, làm thêm giờ quá quy định đang là vấn đề rất đáng quan tâm đối với công nhân hiện nay. Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho rằng chủ doanh nghiệp hiểu rất rõ quy định, cơ quan quản lý nhà nước cũng quản lý sát sao, công nhân cũng biết song buộc phải chấp nhận làm thêm giờ vì nhu cầu cuộc sống. Công nhân không có lựa chọn khác bởi nếu không làm thêm, lương thấp sẽ không bảo đảm được cuộc sống, hoặc nếu không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp có thể bị sa thải, mất việc làm. Đồng chí Tuấn cũng nêu hiện tượng có doanh nghiệp cố tình lách luật để "làm khó" công nhân. "Doanh nghiệp bố trí công nhân tuổi cao vào các ví trí làm việc khó, dây chuyền đòi hỏi tay nghề cao, sự nhanh nhẹn, sức khỏe tốt, vì vậy nhiều công nhân không theo kịp buộc phải tự xin thôi việc hoặc bị sa thải", đồng chí Tuấn nói.
Để giúp công nhân giảm áp lực trong công việc, các ý kiến thảo luận cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và phát huy vai trò của công đoàn, trong đó việc phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng như tăng số doanh nghiệp có ký kết thỏa ước lao động tập thể với công nhân là vấn đề cần quan tâm.
Đồng chí Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thông tin, Hải Dương nhiều năm nay liên tục đứng trong tốp 10 tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có tổ chức hội nghị với người lao động và ký thỏa ước lao động tập thể vẫn còn ở mức khiêm tốn. Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng thư viện thỏa ước lao động tập thể. Năm 2017, đã quét hơn 400 bản thỏa ước này lên thư viện để các công đoàn cơ sở có thể tham khảo, học tập. Vấn đề là hiện nay đội ngũ cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu là kiêm nhiệm, nhận lương của doanh nghiệp, thường xuyên thay đổi chỗ làm, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn nên việc giám sát, bảo vệ quyền lợi cho công nhân còn hạn chế. Trong khi đó nhiều chủ doanh nghiệp lại e ngại, sợ thành lập tổ chức công đoàn sẽ mất thời gian, kinh phí, công nhân đòi hỏi quyền lợi nên chưa hợp tác để phát triển tổ chức công đoàn. Đồng chí Mai Xuân Anh cũng đề nghị các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động trong doanh nghiệp nên mời đại diện công đoàn tham gia.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn đề nghị trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tránh tình trạng doanh nghiệp không hợp tác với huyện. Đồng chí Cao Ngọc Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ cho rằng cần làm điểm thực hiện truy tố chủ doanh nghiệp trốn hoặc nợ bảo hiểm xã hội cho công nhân. Tăng cường tuyên truyền để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, công đoàn và đoàn thanh niên trong doanh nghiệp. Qua đó, đề nghị chủ doanh nghiệp quan tâm việc tái sản xuất sức lao động của công nhân, tham quan du lịch, tuyển dụng đào tạo nghề gặp khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn lại quan tâm đến vấn đề còn không ít doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với địa phương nơi đóng chân như trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cần được cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, xử lý.
Quan tâm nhà ở và các thiết chế văn hóa
Đồng chí Vũ Thị Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng để nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, cần chọn những vấn đề bức xúc để giải quyết trước như tình trạng việc làm, tiền lương chưa tương xứng với giờ lao động, các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân.
Đồng chí Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Chung
Đồng chí Mai Xuân Anh nêu thực tế hiện hầu hết doanh nghiệp chưa có công trình văn hóa, thể thao, nhà ở cho công nhân. Công nhân phải thuê ở trọ chật chội. Toàn tỉnh đã thành lập 10 tổ tự quản nhà trọ, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Tới đây, đề nghị tỉnh có cơ chế khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, quan tâm các thiết chế văn hóa, trường học cho gia đình công nhân lao động.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho rằng thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống tinh thần của công nhân được nêu nhiều nhưng khắc phục chưa được nhiều. Điều kiện sinh hoạt công nhân ở khu trọ không bảo đảm yêu cầu nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Vì vậy đối với doanh nghiệp đã xây dựng, nên có cơ chế hỗ trợ việc xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân.
Đồng chí Cao Ngọc Quang cho rằng hiện thu nhập của công nhân có tăng song vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Để công nhân có nhà ở, tới đây cần phải nghiên cứu, kiến nghị để tiếp tục tăng lương cho công nhân. "Ở miền Nam các khu công nghiệp đều xa dân, nên buộc phải có khu nhà ở cho công nhân. Tại Nam Sách, nhà ở xây dựng cho công nhân nhưng công nhân lại ra ngoài thuê trọ. Vì vậy, sau này, ngoài lương nên có trợ cấp thêm cho công nhân tiền nhà ở, sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần", đồng chí Quang đề xuất.
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách đề nghị, cần thu hút đầu tư với các lĩnh vực công nghệ cao để giảm áp lực tăng ca đối với công nhân. Đối với doanh nghiệp mới xây dựng, yêu cầu cần có quy định, hướng dẫn yêu cầu doanh nghiệp với lượng công nhân theo quy định phải xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và nhà ở cho công nhân. Cần nghiên cứu quy định chặt chẽ tiêu chuẩn nhà trọ cho công nhân…
Nâng cao chất lượng dạy nghề
Để nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ Cao Ngọc Quang cho rằng cần quan tâm công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề hiện nay.
Đồng quan điểm, đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Nam Sách cho rằng hiện số lao động trình độ cao, được đào tạo còn ít vì vậy không có nhiều lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất công nghệ cao, thu nhập của công nhân, lao động mặt bằng chung cũng chỉ ở mức lao động giản đơn mặc dù có cao hơn sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Phạm Mạnh Hùng đề nghị tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh, đồng thời tăng cường liên kết với các cơ sở có chất lượng cao ở ngoài tỉnh để tăng thêm nhiều hơn nữa những công nhân, người lao động có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến. Tỉnh cần có khảo sát, đánh giá toàn diện đối với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, có cơ chế phối hợp các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề. Hiện việc bố trí thi tay nghề nâng cao bậc lương, khen thưởng còn chưa được doanh nghiệp thực sự quan tâm, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, cần quan tâm việc phát triển tổ chức chính trị, xã hội trong doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
THANH MAI - HOÀNG BIÊN