Tăng cường quảng bá, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực, du lịch Hải Dương đã đặt những viên gạch nền tảng cho sự liên kết vùng.
Hải Dương có thể kết hợp với các tỉnh, thành phố lân cận xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh có chiều sâu
Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh ta cần tạo ra những sản phẩm đặc trưng cụ thể hơn.
Hợp tác để phát triểnSự hợp tác, liên kết giữa du lịch Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận bắt đầu được khởi động vào tháng 6-2002 bằng chương trình phối hợp hoạt động giữa du lịch Hải Dương và du lịch Hà Nội. Tháng 3-2006, Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hải Dương và Hải Phòng được ký kết. Năm 2014 và 2015, ngành du lịch tỉnh nhà liên tục ký kết các thoả thuận hợp tác với các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh. Nội dung các thoả thuận hợp tác này tập trung vào các lĩnh vực: thu hút đầu tư; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Những chương trình hợp tác, liên kết đã đạt được những kết quả nhất định. Trong công tác quản lý nhà nước, ngành du lịch Hải Dương và các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình vi phạm hành chính, các trường hợp sử dụng bằng hoặc chứng chỉ giả xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch... nhằm làm trong sạch nguồn nhân lực trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này. Các tỉnh, thành phố cũng thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình thị trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gắn kết hệ thống kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, điểm dừng chân... Thực hiện chương trình này, một số tour, tuyến du lịch liên tỉnh đã được xây dựng như: tuyến Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) - chùa Kem, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); tour du lịch đường sông Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương - Hà Nội - Hoà Bình.
Hằng năm, ngoài việc tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ tại các tỉnh, Hải Dương còn tổ chức các chương trình famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) để thông qua các hãng lữ hành kết nối sản phẩm du lịch giữa các tỉnh, tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, phóng viên báo chí đi khảo sát các điểm có dự án kêu gọi đầu tư du lịch. Thông tin về các điểm đến của Hải Dương xuất hiện thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút lượng du khách ngày càng đông đảo, nhất là khách ngoại tỉnh, ngoại quốc lưu trú lại. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đón 605.000 lượt khách lưu trú, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, có 125.000 lượt khách quốc tế (tăng 4,1%), 480.000 lượt khách nội địa (tăng 6,7%).
Tạo sản phẩm đặc trưngTuy đã có những bước tiến nhất định song du lịch Hải Dương vẫn chỉ được đánh giá như "một nàng công chúa ngủ quên", chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế ITC, vướng mắc lớn nhất của du lịch Hải Dương hiện nay là vẫn loay hoay trong định vị sản phẩm du lịch. Hải Dương đã có những điểm đến đặc sắc nhưng chưa kết nối được chính những điểm đến đó thành những sản phẩm đặc trưng rõ nét. Khi mỗi tỉnh, thành phố tạo được sản phẩm đặc trưng của mình thì sự liên kết vùng mới dễ dàng và hiệu quả.
Du lịch miệt vườn, sinh thái kết hợp làng nghề là một sản phẩm du lịch có thể phát triển tại Hải Dương
Hải Dương vốn có những điểm đến nổi tiếng là các di tích lịch sử - văn hoá, các làng nghề và các sản phẩm ẩm thực, mỹ nghệ được nhiều người biết đến. Dựa trên tiềm lực sẵn có đó, du lịch Hải Dương cần tự xác định sản phẩm du lịch đặc trưng, kết hợp với các tỉnh, thành phố lân cận có cùng thế mạnh để cùng nhau phát triển. Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang gợi ý Hải Dương nên xây dựng hai sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tâm linh và du lịch miệt vườn kết hợp làng nghề. Giữa Hải Dương và Bắc Giang, Quảng Ninh có thể liên kết phát triển tuyến du lịch Tây Yên Tử theo hành trình về với cội nguồn của thiền phái Trúc Lâm. Giữa Hải Dương và Nam Định có thể liên kết khai thác các tour du lịch văn hoá tâm linh gắn với lịch sử vương triều Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tour du lịch sinh thái các vùng đất ngập nước ven biển và nội địa "Xem chim di trú Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định), ngắm cò tại đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương)". Các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định có thể liên kết phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn với chủ đề "Văn minh lúa nước sông Hồng"...
Để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng nằm trong chuỗi liên kết vùng, tỉnh ta cần tiếp tục đầu tư thích đáng cho các khu, điểm du lịch; tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch các tỉnh khác và đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch chuyên nghiệp, bài bản hơn.
LAM ANH