Liban đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế nghiêm trọng

24/10/2019 09:37

Đất nước Liban đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với làn sóng biểu tình của người dân được xem là lớn nhất nước này trong nhiều năm qua.

Biểu tình phản đối kinh tế suy giảm tại Tripoli, Liban ngày 20.10. Ảnh: THX/TTXVN

Những cuộc biểu tình phản ánh việc người dân đã hết kiên nhẫn với cách chính phủ liên minh ở nước này giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị.

Nhiều khó khăn phải đối mặt

Liban là một quốc gia Trung Đông với 1/3 dân số theo dòng Hồi giáo Sunni, 1/3 theo dòng Hồi giáo Shiite, 1/3 còn lại theo Cơ đốc giáo và vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc kể từ sau cuộc nội chiến giai đoạn 1975-1990.

Kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội Liban hồi tháng 5.2018, tình trạng bất đồng phe phái trong việc phân chia các vị trí trong nội các đã khiến tiến trình thành lập chính phủ ở nước này bị trì hoãn đến 8 tháng sau đó.

Ở Liban, hệ thống chính trị được vận hành trên một nền tảng phức tạp, với mục đích duy trì cán cân quyền lực giữa các cộng đồng chính trị và tôn giáo. Quốc gia này vốn bị chia rẽ giữa một bên là phe do Thủ tướng Saad Hariri, đồng minh của Saudi Arabia đứng đầu, và một bên là Phong trào Hồi giáo Hezbollah được Iran ủng hộ. Sự chia rẽ này luôn là tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông giữa Saudi Arabia và Iran.

Tình trạng chia rẽ trên đã khiến Liban không thể thành lập trong 8 tháng sau bầu cử và phải đến tháng 1.2019, Liban mới thành lập được chính phủ, nhưng thực tế chính trường Liban vẫn bị chia năm sẻ bảy bởi các phe phái.

Không những vậy, khủng hoảng trên chính trường cũng đã kéo theo những khó khăn về kinh tế đối với đất nước này. Bộ Tài chính Liban cho biết nợ công của Liban hiện đang ở mức 86 tỷ USD, cao hơn 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Dự trữ Ngân hàng Trung ương đã giảm 30% trong năm qua và đồng nội tệ thì tụt dốc só với đồng USD trong những tháng gần đây.

Kể từ năm 1990 đến nay, Liban vẫn chưa thể cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển của đất nước.

Hồi đầu tháng 9.2019, Thủ tướng Liban Saad Hariri đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế, đồng thời cho biết quốc gia này chỉ còn 6 tháng để thực hiện các biện pháp cải cách cần thiết để tránh rơi vào suy thoái kinh tế.

Nhằm cứu nền kinh tế đang tụt dốc và để có được hưởng khoản vay trị giá 11 tỷ USD mà chính phủ Liban đạt được với các chủ nợ quốc tế hồi năm ngoái, từ tháng 7.2019, Chính phủ Liban đã áp dụng hàng loạt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt chi tiêu của chính phủ Liban đã vấp phải sự phản đối của người lao động trong lĩnh vực công. Hồi đầu tháng 5.2019, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, cuộc đình công của các nhân viên Ngân hàng Trung ương Liban đã làm tê liệt tạm thời giao dịch chứng khoán. Những người hưu trí thuộc quân đội, công nhân cảng, giảng viên đại học, nhân viên ngành điện lực… cũng kêu gọi phản đối các biện pháp khắc khổ của Chính phủ Liban.

Gần đây, các cuộc biểu tình ở Liban lại rộ lên sau khi chính phủ bắt đầu thảo luận về kế hoạch áp thuế nhiên liệu, thuốc lá, các ứng dụng gọi điện thoại và nhắn tin như WhatsApp hay Viber và một số hàng hóa đắt tiền, qua đó tăng thuế giá trị gia tăng nhằm mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách năm 2020.

Bắt đầu từ tối ngày 17.10.2019, các cuộc biểu tình đã diễn ra tập trung chủ yếu tại thủ đô Beirut, các khu vực ngoại ô phía Nam, thành phố miền Nam Sidon, thành phố miền Bắc Tripoli và thung lũng Bekaa.

Tính đến ngày 21.10, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan ra khắp Liban và thu hút hàng nghìn người tham gia. Đây là lần bùng phát làn sóng biểu tình trên cả nước tại Liban thứ hai trong tháng 10 và được coi là làn sóng biểu tình lớn nhất nước này trong nhiều năm qua.

Những người biểu tình đã phong tỏa nhiều tuyến đường ở thủ đô Beirut, trong đó có tuyến đường dẫn đến sân bay, đốt lốp xe, gây cản trở giao thông. Hàng nghìn người biểu tình còn tập trung bên ngoài trụ sở chính phủ, yêu cầu trì hoãn việc áp thuế đối với ứng dụng gọi điện WhatsApp trên điện thoại. Nhiều người dân cáo buộc các quan chức tham nhũng tước mất các quyền cơ bản của người dân. Hãng thông tấn quốc gia Liban (NNA) đưa tin nhiều phần tử quá khích còn đập phá gần Bộ Nội vụ nước này, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay.

Những người biểu tình nêu yêu sách cải tổ hệ thống chính trị tại Liban, cho rằng người dân bất bình từ các biện pháp thắt lưng buộc bụng cho đến tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp...

Giải pháp từ chính phủ Liban

Sức ép từ người biểu tình khiến Thủ tướng Liban Saad al-Hariri ngày 18.10 đã phải kêu gọi người biểu tình bình tĩnh, đồng thời ông đặt ra thời hạn 3 ngày đối với chính phủ để ủng hộ các cải cách quan trọng.

Phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Liban cho biết nước này đang trải qua một "giai đoạn khó khăn chưa từng có", song các nỗ lực nhằm ban hành cải cách đã bị các phe phái trong chính phủ ngăn cản. Vì vậy, ông yêu cầu “đối tác" trong chính phủ liên minh cần phải đưa ra một phản ứng rõ ràng, quyết đoán và cuối cùng để thuyết phục ông cũng như người dân Liban và cộng đồng quốc tế rằng "tất cả mọi người đã quyết định cải cách, ngăn chặn tình trạng lãng phí và tham nhũng".

Trước yêu cầu trên, nội các Liban đã tiến hành các cuộc họp để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Đến ngày 21.10, nội các Liban đã thông qua một gói cải tổ kinh tế cũng như nhất trí ngân sách cho năm 2020. Thủ tướng Saad Hariri khẳng định gói các biện pháp kinh tế cũng như ngân sách trong năm 2020 này không đơn thuần là một động thái để dập tắt các cuộc biểu tình lớn.

Theo đó, kế hoạch cải cách trên bao gồm việc giảm 50% lương của các quan chức và cựu quan chức, huy động 3,3 tỷ USD từ các ngân hàng để tiến tới mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách xuống gần bằng 0 trong tài khóa 2020.

Kế hoạch còn hướng tới tư nhân hóa ngành viễn thông và cải tổ ngành điện, vốn là những yêu cầu hàng đầu của giới đầu tư và các nhà tài trợ quốc tế để có thể giải ngân khoản 11 tỷ USD cho Liban.

Ngoài ra, kế hoạch cải cách còn xóa bỏ các nội dung tăng thuế - một trong những nội dung khiến người dân đổ xuống đường phố biểu tình.

Bên cạnh đó, Liban cũng dự định thành lập các cơ quan quản lý minh bạch mới để giám sát tiến trình cải cách. Thủ tướng Saad Hariri cũng tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi bầu cử sớm của những người biểu tình.

Đến nay, dù Chính phủ đã hủy bỏ đề xuất tăng thuế song các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo các nhà phân tích, chừng nào chính trường Liban chưa thể bình yên và cơ chế phân chia quyền lực theo tôn giáo còn đó, một Nội các mới với những con người cũ sẽ vẫn khó mang lại điều mà người dân mong muốn.

Việc tôn giáo vẫn đang chi phối quyền lực chính trị khiến cho bất kỳ nỗ lực cải tổ nào, dù lớn hay nhỏ, đều khó có thể thành công: Tổng thống phải là người Thiên chúa giáo, Thủ tướng theo đạo Hồi giáo Shi’ite, còn Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo Sunni. Việc lựa chọn lãnh đạo quốc gia dựa trên tôn giáo thay vì năng lực đã ít nhiều giải thích cho tình trạng hiện nay ở Liban. Và vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề khó nhằn, từ khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, nâng cao năng lực quản trị tới cải thiện vị thế trong khu vực vẫn chỉ là một viễn cảnh xa vời.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liban đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế nghiêm trọng