Lênh đênh xóm chài trên sông Sặt

13/08/2013 06:51

Không điện, không nước sạch, không "mảnh đất cắm dùi", cái đói, cái nghèo luôn đeo bám họ khiến mơ ước "lên bờ", con trẻ được đến trường còn rất xa vời.



Cuộc sống hằng ngày của gia đình chị Ngọc chỉ trông chờ vào những mớ cá vụn này


Nằm nép mình bên bờ sông Sặt, dưới chân cầu Phú Tảo, cách trung tâm thành phố không xa, cuộc sống của hơn 20 hộ dân xóm chài trôi nổi nay bờ sông bên này, mai bờ sông bên kia. Không điện, không nước sạch, không "mảnh đất cắm dùi", cái đói, cái nghèo luôn đeo bám họ khiến mơ ước "lên bờ", con trẻ được đến trường còn rất xa vời.

Lênh đênh kiếm sống

Cơn mưa chiều vừa dứt, chúng tôi tìm về xóm chài ngụ cư trên sông Sặt, ngay chân cầu Phú Tảo, thuộc phường Tân Bình (TP Hải Dương). Gọi là xóm chài ngụ cư bởi ngoài một số hộ bản địa còn lại đều là dân từ nhiều nơi khác tụ họp về đây kiếm kế sinh nhai. Loay hoay mãi, chúng tôi mới tìm được lối mòn nhỏ để xuống xóm chài. Trong khoang thuyền chật hẹp, chị Nguyễn Thị Ngọc, dù mới 45 tuổi nhưng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề chài lưới trên sông buồn rầu kể về cuộc đời mình: “Vợ chồng tôi đều lớn lên từ làng chài Kim Lai, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), quen biết nhau từ những ngày theo cha mẹ rong thuyền kiếm sống trên nhiều tuyến sông. Sau khi kết hôn được bố mẹ cho ra ở riêng, sắm cho một chiếc thuyền nhỏ để tự bươn chải kiếm sống. Trước đây, vợ chồng tôi neo đậu tại làng chài Kim Lai, đi đánh bắt cá tại các tuyến sông Thái Bình, Kinh Thầy, nhưng do cuộc sống khó khăn, không có điều kiện sắm thuyền lớn, từ năm 2003, chúng tôi về neo đậu tại xóm chài này”. Để kiếm sống, gia đình chị Ngọc thường đi đánh bắt cá từ 8 giờ tối tới 5 giờ sáng, sau đó lên các chợ lân cận bán lấy tiền lo sinh hoạt phí cho gia đình. 9 giờ sáng, anh chị trở về thuyền chuẩn bị bữa ăn sau đó mới ngủ để lấy lại sức chuẩn bị cho buổi đánh bắt mới.

Trong khoang thuyền của gia đình chị Ngọc không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ được buộc chặt vào đầu thuyền, một vài bộ quần áo, vài chiếc bát, đĩa, xoong nồi, bếp ga mi - ni dùng để nấu ăn. Cả gia đình 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con nhưng chỗ ăn, ở chỉ vỏn vẹn trong khoang thuyền vài mét vuông. "Cách đây 4 năm trong một trận mưa đêm chúng tôi còn bị đắm thuyền, toàn bộ tài sản bị mất và hỏng hết. Nhờ sự giúp đỡ của bà con xóm chài, người thân, khó khăn lắm chúng tôi mới lại sắm được con thuyền này. Trước đây cá, tôm còn nhiều, đánh bắt còn đủ ăn cho mỗi ngày nhưng giờ cá, tôm ngày càng cạn kiệt, cả đêm thức trắng đánh bắt cũng chỉ được 3 - 4 kg cá vụn, bán chẳng được bao nhiêu tiền, vì vậy cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn hơn", chị Ngọc cho biết thêm.
Cách thuyền của gia đình chị Ngọc không xa là gia đình ông Nguyễn Văn Minh. Ông Minh năm nay hơn 50 tuổi, có tới 9 người con, người lớn nhất cũng đã 30 tuổi, nhỏ nhất 10 tuổi. 4 người con đã xây dựng gia đình, ra ở riêng, còn lại đều ở cùng vợ chồng ông trong chiếc thuyền chật hẹp, cũ kỹ. Ông Minh tâm sự: "9 đứa con tôi đều thất học. Giờ đến mấy đứa cháu cũng chẳng đứa nào được đến trường. Vợ chồng tôi già, sức yếu nên thường xuyên đau ốm, chẳng đi đánh bắt được xa, chỉ quanh quẩn quanh tuyến sông Sặt đoạn gần TP Hải Dương này thôi. Nơi đây bây giờ không còn mấy cá nữa. Mọi thu nhập của gia đình đều trông chờ mấy đứa nhỏ đi bốc vác thuê. Tuy nhiên, công việc không đều, có khi cả tuần chẳng có việc làm nên cuộc sống rất khó khăn”.

Ông Vũ Đình Đằng, một trong những người bám trụ lâu nhất ở xóm chài này cho biết: “Một đời lênh đênh theo nghề sông nước, cả đại gia đình tôi đã 3 thế hệ có 7 người, vợ chồng tôi, 2 vợ chồng cậu con trai và 3 đứa cháu chỉ sống trên chiếc thuyền nhỏ này thôi. Ốm đau không có tiền thuốc men chứ nói gì đi bệnh viện. Kiếm được đồng nào là lo cho bữa ăn ngày đó, ăn bữa nay, lo bữa mai, làm gì có tiết kiệm để mà nghĩ chuyện lên bờ”.

Các hộ dân ở đây cho biết, do họ đều là dân ngụ cư, không "mảnh đất cắm dùi", dạt về đây kiếm sống bằng nghề sông nước nên không ai dám bán điện cho, chủ yếu là dùng đèn dầu, nhà nào có điều kiện hơn một chút thì sắm bình ắc quy, nước ăn, uống thì phải mua lại của người dân trên bờ, tắm giặt thì dùng nước sông...

Mong sớm được an cư

Có đến xóm chài mới thấu hiểu nỗi khốn khó của các gia đình nơi đây. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Họ sống thiếu thốn, tạm bợ, không điện, không nước sinh hoạt, con trẻ thất học mù chữ... Chị Nguyễn Thị Ngọc cho biết: Gia đình tôi có hai cháu, cháu lớn năm nay 19 tuổi, cháu bé 12 tuổi nhưng cả hai đều không được đi học, đứa nào cũng mù chữ. Năm 2011, tôi có đến Trường Tiểu học Hải Tân xin cho các cháu đi học thì được trả lời cháu không có hộ khẩu ở phường nên không tiếp nhận, vả lại các cháu đều đã quá tuổi học tiểu học từ lâu. Gia đình ông Nguyễn Văn Minh, một hộ ở xóm chài, có 9 người con nhưng cả 9 đều thất học. Giờ mấy đứa cháu của ông cũng không đứa nào được đến trường.

Hằng ngày, người dân xóm chài bơi thuyền theo tuyến sông Sặt để đánh cá rồi lại đưa về các chợ ở thành phố bán. Trung bình mỗi ngày họ chỉ kiếm được từ 60 - 100 nghìn đồng, tạm đủ cho bữa cơm. Những khi thời tiết xấu, họ chẳng đánh bắt được gì. Ông Vũ Đình Đằng tâm sự: Tôi sinh ra ở sông nước, có chết cũng gắn với sông nước. Tôi chỉ ân hận đến giờ vẫn không lo nổi cho các con một chỗ ở ổn định. Cuộc sống lênh đênh, khốn khó, không một mái nhà, con trẻ không được đến trường, giờ đây chúng tôi chỉ mong có được mảnh đất ở để đời con, đời cháu bớt nhọc nhằn, cơ cực. Đây cũng là mơ ước của các hộ dân nơi đây. Trao đổi với chúng tôi, bác Vũ Đình Hòa, Trưởng khu dân cư số 9, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: Theo thống kê sơ bộ, dọc trên tuyến sông Sặt, thuộc địa bàn khu quản lý có hơn 20 hộ dân sống bằng nghề chài lưới với hơn 100 nhân khẩu. Do là dân ngụ cư, lại sống ở dưới sông nên địa phương không quản lý. Vì vậy, địa phương không thể cấp đất, cũng không thể có các chính sách hỗ trợ lâu dài đối với người dân xóm chài này.

Lênh đênh, cơ cực, người dân làng chài luôn mong mỏi được  lên bờ để có cuộc sống ổn định hơn, con cái được đi học, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội. An cư mới lập nghiệp nhưng xem ra ước mơ đó của họ vẫn rất xa vời...

NGÂN HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lênh đênh xóm chài trên sông Sặt