Lênh đênh nghề dò sắt đáy sông

12/06/2011 12:34

So với đi đánh cá, mức thu nhập từ mò sắt dưới lòng sông lớn hơn nhiều. Song, nghề này rất nguy hiểm đến tính mạng đồng thời việc tìm kiếm sắt dưới sông ngày càng hiếm, thu nhập cũng sẽ giảm dần...


Mấy bố con ông Vượng vừa trục vớt chiếc neo đầu bò nặng gần 3 tạ

“Dính rồi!” - ông Nguyễn Văn Vượng, thôn Thắng Yên, xã Thượng Vũ (Kim Thành) hô to rồi gọi cậu con trai đang lái thuyền gần bên tới giúp. Cậu con trai của ông Vượng vừa tròn 17 tuổi nhanh chóng áp sát mạn thuyền, lập tức nổ máy chuẩn bị vòi hơi. Ông Vượng nhanh chóng chụp mũ hơi, nhảy ùm xuống nước. Gần 10 phút sau, ông nổi lên phấn khởi: “Dính neo rồi, chắc được khoảng 3 tạ”. Sau gần 30 phút loay hoay, cuối cùng 3 bố con ông cũng tời lên được chiếc mỏ neo đầu bò nặng hai tạ rưỡi. Ông Vượng cho biết: “Nếu bán giá sắt vụn cũng được gần 3 triệu đồng, nhưng chúng tôi bán cho chủ tàu hàng sẽ được giá hơn”.

Ông Vượng là một trong những thợ lặn sông kỳ cựu. Gần chục năm trước, đội thợ mò tìm phế liệu của ông thường rủ nhau xuống các tuyến sông dưới Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc lên Bắc Ninh vừa mò sắt vừa nhận trục vớt tàu, thuyền bị đắm. Việc lặn mò phế liệu luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm. Người thợ lặn phải “đi bộ” dưới đáy sông hàng tiếng đồng hồ, dùng đôi bàn tay của mình lần tìm phế liệu. Nhiều yếu tố bất ngờ thường xuyên xảy ra như vòi hơi đứt, máy hơi hỏng, va phải tàu hàng khi đang nhô lên hoặc gặp vụng nước xoáy... Tính mạng của người thợ mò sắt có thể bị đe doạ bất kỳ lúc nào. Vài ba năm nay, do sức yếu, nên ông về quê chuyển sang nghề đánh cá hoặc thả rọ bắt cà ra... Tuy nhiên, do tôm cá ngày càng hiếm, ông lại chuyển sang mò sắt ở những đoạn sông gần nhà và hướng dẫn mấy người con làm quen với công việc mới.

Anh Nguyễn Văn Chất cùng thôn với ông Vượng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, những người dân chài thôn Thắng Yên mới chuyển sang nghề dò sắt dưới sông. Thời gian trước, người dân làng chài chủ yếu đánh cá hoặc bắt cà ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng cá trên sông ngày càng cạn kiệt, nhiều hôm đi cả ngày mà không đủ tiền dầu. Vì vậy, một số người trong thôn đã sắm sửa đồ nghề đi dò sắt phế liệu, thu nhập cũng tạm ổn”. Đồ nghề của người dò sắt dưới sông khá đơn giản, gồm một cục nam châm hình vuông mỗi cạnh 10 cm. Những cục nam châm này người thợ phải đặt mua tận Hải Phòng với giá mỗi cục khoảng 3,5 triệu đồng. Nam châm có lực hút khá mạnh, có thể hút sắt trong vòng bán kính 40 cm. Ngoài ra, người thợ còn chuẩn bị khoảng 30 m dây chạc. Một số thuyền còn sắm thêm máy lặn, tời trục để trục vớt sắt to.

 Anh Chất cho biết thêm: “Thông thường, mỗi thuyền có hai người đi cùng, thường là hai vợ chồng hoặc hai bố con để bảo vệ và giúp đỡ nhau trong công việc, nhất là lúc trục vớt. Địa bàn hoạt động của đội tập trung trên các tuyến sông từ cầu Bình xuôi theo sông Kinh Thầy sang Kinh Môn hoặc theo sông Kinh Môn xuôi xuống Hải Phòng. Tuy nhiên, ít khi đội sang Kinh Môn hoặc Hải Phòng vì những nơi đó đã có rất nhiều cánh thợ đang kiếm ăn. Vì thế, đội tập trung chủ yếu ở đoạn sông từ cầu Bình xuôi theo sông Kinh Môn đến cầu Phú Thái”. Những nơi nhiều sắt nhất là khu cảng hoặc các bến phà, bến tàu. Đặc biệt, càng vụng nước xoáy càng nhiều sắt, vì nước chảy mạnh khiến lớp đất cát trên bề mặt bị cuốn trôi, sắt thép sẽ lộ ra, thuận lợi cho việc dò tìm và trục vớt.

Hôm nay, tôi theo đội của anh Chất đi mò sắt. Từ chân cầu Bình, sau gần 2 tiếng ngược sông, khoảng 8 giờ sáng đội thuyền đã đến đoạn sông thuộc xã An Bình (Nam Sách), đối diện với cồn Vĩnh Trụ, xã Đồng Lạc (Chí Linh). Những người dò sắt tắt máy, để thuyền trôi xuôi theo dòng nước. Ngồi tựa vào bánh lái, chân điều khiển mái chèo, anh Chất giữ chặt sợi dây kéo lê cục nam châm dưới đáy sông. Công việc dò tìm không vất vả, nhưng đòi hỏi người thợ phải nhanh nhạy trước mọi diễn biến dưới sông. Chỉ cần có sắt dính vào nam châm, người thợ sẽ biết ngay. Mỗi cục nam châm có thể kéo được khoảng 40 - 45 kg sắt, nên hiếm khi người thợ phải lặn xuống đáy. Khi kiếm được món lớn, người thợ phải lặn xuống buộc dây và dùng tời kéo lên. Những sản phẩm thu được từ đáy sông thật đa dạng, từ cái nhỏ như đinh ốc, dây điện, cốc thìa, cuốc xẻng, tiền xu... đến những món lớn như neo tàu, thanh tà vẹt hoặc chân vịt tàu hàng. Phải may mắn mới kiếm được món lớn. Mỗi cái neo nặng trung bình từ 150 - 250 kg, bán cho chủ tàu với giá từ 3,5 - 4 triệu đồng. Chân vịt được giá hơn, từ 4 - 5 triệu đồng một chiếc. Những thứ còn lại đều được bán với giá sắt vụn, từ 9.000 - 9.500 đồng/kg.

Sau gần 2 tiếng lênh đênh, đến gần 11 giờ trưa, chúng tôi về đến ngã ba Kèo - nơi sông Kinh Thầy chia thành hai nhánh. Từ sáng đến giờ nhiều người không gặp may. Suốt mấy tiếng quần thảo, người nhiều nhất cũng được gần 10 kg, người ít chỉ được khoảng 5 kg sắt vụn. Anh Chất hai lần phải lặn xuống sông thì một lần phải gỡ nam châm mắc vào tàu gỗ bị đắm dưới đáy sông, một lần chỉ vớ phải chiếc lốp ô-tô cũ. May mắn nhất là bố con ông Vượng, vừa trục thành công chiếc neo đầu bò mà vẫn được thêm cả chục mét dây xích.

Đến gần 1 giờ chiều, đội thuyền nổ máy xuôi về ngã ba Tuần Mây. Từ đây, cánh thợ dò sắt xuôi theo dòng nước để về nhà. Đáy sông Kinh Môn đoạn chảy qua bến phà Tuần Mây còn khá nhiều sắt vụn do lượng tàu thuyền lưu thông ở đây lớn. Mọi người tập trung dò ở khu vực này với hy vọng kiếm bù cho buổi sáng. Vừa kéo nam châm lên, anh Chất đã gỡ ra một cục sắt đen sì, to bằng nắm tay ném tũm xuống sông. Tôi hỏi sao không lấy, anh trả lời: “Lựu đạn đấy!”. Anh Chất cho biết: “Chúng tôi thường xuyên dò được bom, mìn, lựu đạn, đầu đạn... Hiện tại, đội của tôi vẫn còn đánh dấu vị trí của một quả bom nặng trên 2 tạ. Còn lựu đạn, đầu đạn... thì nhiều vô kể, nhưng chẳng ai dám lấy vì sợ nguy hiểm. Vì thế, cánh thợ thường vứt trả xuống sông”. Ngoài ra, nhiều người còn dò được tiền xu, dao găm, kiếm, mũi giáo hoặc khiên cổ. Những thứ này được bán lại cho những người sưu tầm đồ cổ hoặc cất ở nhà làm kỷ niệm.

Gần 5 giờ chiều, đội thuyền về đến bến. Ngay trên bến, người thu mua sắt vụn đã đợi sẵn. Hôm nay, mỗi người cũng kiếm được trên 40 kg sắt vụn, bán được khoảng 400 nghìn đồng, sau khi trừ tiền dầu và ăn uống, mỗi thuyền vẫn còn để ra gần 200 nghìn đồng. So với đi cá, mức thu nhập này lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, mọi người vẫn lo lắng về tương lai nghề này, bởi sắt dưới sông ngày càng hiếm, càng ngày người thợ càng phải đi xa. Chi phí đắt đỏ hơn mà thu nhập lại chẳng đáng là bao. Không biết rồi đây, những người thợ này có phải chuyển nghề khác để bảo đảm cuộc sống.

VỊ THUỶ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lênh đênh nghề dò sắt đáy sông