Ngư dân Kênh Giang náo nức chuẩn bị thuyền quân

13/09/2019 15:25

Hai ngày nữa, diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu, điểm nhấn của Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2019 mới diễn ra nhưng với người dân khu dân cư Kênh Giang (phường Văn Đức, TP Chí Linh) không khí hội đã đến từ rất sớm.

Lễ hội thủy quân trên sông Lục Đầu có sự đóng góp tích cực của các gia đình thuyền viên ở Kênh Giang

Nghi thức truyền thống

Xin nghỉ việc hẳn một tháng để chuẩn bị cho mùa lễ hội, vợ chồng ông Đỗ Duy Chinh ở khu dân cư Kênh Giang hào hứng cho biết những ngày này, có đi làm cũng không thể tập trung, tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm nên xin nghỉ để lo công việc. 13 năm qua, kể từ ngày màn hội quân trên sông Lục Đầu được tỉnh ta phục dựng lại, năm nào ông bà cũng là đầu mối liên lạc để quy tụ ngư dân Kênh Giang về dự hội.

Vốn con nhà nòi, đời ông, đời cha đều mưu sinh bằng nghề sông nước, ngay từ nhỏ ông Chinh đã theo cha về hội đền Kiếp Bạc. Ngày ấy, ngư dân làng chài ở khắp nơi, không phân biệt tuổi tác, người từ Hải Phòng ra, người từ Quảng Ninh về… trên bến dưới sông tấp nập thuyền, ghe, nhiều như mắc cửi, cùng dâng lễ tế Thánh và tổ chức hội quân. Tất nhiên, hội quân không được quy củ như bây giờ, song vẫn được duy trì đến mãi sau này.

Ông Chinh kể, nhớ nhất là thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, ông mới gần 30 tuổi. Thời ấy, không có nhiều thuyền máy, người dân vẫn dùng thuyền buồm. Bà con Kênh Giang giữ tục cứ tháng 8 là rủ nhau về hành lễ. Từ Kênh Giang đi Kiếp Bạc phải chèo thuyền ngược dòng nước, có khi gặp lũ chèo thuyền mất 2 ngày mới tới nơi. Chưa kể những năm đi đánh bắt cá tận vùng biển thuộc địa phận Móng Cái (Quảng Ninh) thì về đến đền cũng mất nửa tháng. Vậy nhưng chưa bao giờ người Kênh Giang bỏ lỡ lễ hội. “Đức Thánh Trần đã có công dẹp yên bờ cõi, còn được coi là thủy tổ của nghề sông nước, bao đời nay chúng tôi được truyền dạy ghi nhớ công lao và ân đức của người. Vì thế, thời điểm hội quân chưa chính thức được phục dựng thì chúng tôi đã làm rồi”, ông Chinh nói.

Năm nay, hội quân được nâng tầm cả về quy mô lẫn chất lượng, Ban tổ chức huy động 50 thuyền quân tham gia. Để kịp chuẩn bị cho lễ hội, ông Chinh đã tiếp nhận cờ quạt, bảng biển, vật dụng sớm từ Ban tổ chức, kịp đưa đến 3 điểm tập kết thuyền của ngư dân đang đi đánh cá ngoài biển để các thuyền viên kịp trang trí thuyền quân và tập duyệt chương trình theo kịch bản. Các thuyền đang tập kết ở Bến Rừng, bến đền Bà Đế (Hải Phòng), bến Yên Thanh (Uông Bí, Quảng Ninh) sẽ cập bến sông Lục Đầu để tham dự hội quân, diễn ra vào ngày 15.9 (tức 17.8 âm lịch).

Với mỗi người dân Kênh Giang, đó là niềm vinh dự. Đang đánh bắt cá ở vùng biển Quảng Ninh, ông Đỗ Văn Năm (sinh năm 1964) háo hức nói: "Từ khi hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng đến nay tôi chưa bỏ sót một mùa lễ hội nào. Vừa tiếp nhận cờ, phướn và bức đại tự, chúng tôi sẽ cho thuyền cập bến để trang trí rồi về tập kết theo đúng thời gian quy định".

Gìn giữ cho đời sau

Ông Đỗ Duy Chinh chuẩn bị vận chuyển cờ, phướn cho các thuyền quân còn đang đánh cá ngoài biển

Hiện ở Kênh Giang chỉ còn hơn 30 gia đình có thuyền đánh cá ngoài khơi. Nhưng năm nào những hộ này cũng về dự hội. Ngoài lực lượng thuyền viên, hội quân năm nay còn có khoảng 200 người dân Kênh Giang tham gia đóng lực lượng thủy binh. Với họ, hội quân không chỉ là diễn lại các trận thủy chiến năm xưa để thể hiện hào khí Đông A hào hùng mà còn là cách họ trình lên Đức Thánh rằng thế hệ hậu duệ vẫn nối dõi truyền thống cha ông, đồng thời nhắc nhớ thế hệ sau gìn giữ và tiếp nối truyền thống này.

Thế nên nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều tham gia. Riêng gia đình ông Chinh ngoài ông bà còn thuyền của vợ chồng con trai và con rể. Anh Lê Văn Lâm (sinh năm 1974), con rể ông Chinh tham gia hội quân được hơn chục năm nay. Hằng năm, vào những ngày này dù đi đánh bắt cá ở khắp nơi thì các thuyền viên đều chủ động liên lạc để cập nhật thông tin về hội quân. “Xuất phát từ lòng tôn kính vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn nên năm nào chúng tôi cũng sắp xếp về cửa Thánh, bản thân mới cảm thấy toại nguyện”, anh Lâm nói.

Năm nay, màn hội quân trên sông Lục Đầu được nâng tầm quy mô thành diễn xướng nên lực lượng tham gia rất hùng hậu, dự kiến sẽ có khoảng 1.500 người, lớn nhất từ trước tới nay. Hội quân sẽ được dựng theo kịch bản của tiến sĩ Trần Đình Ngôn, đạo diễn là Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Cường. Nội dung diễn xướng tập trung tái hiện cảnh hội quân năm 1284 tại Vạn Kiếp, bắt giặc Phạm Nhan trên sông Lục Đầu, khúc ca khải hoàn tôn vinh công lao của Đức Thánh Trần. Lực lượng thuyền quân của Kênh Giang có vai trò quan trọng sẽ cùng với các diễn viên Nhà hát Chèo tỉnh, 500 chiến sĩ của 2 đơn vị Lữ đoàn 490, Sư đoàn 395, 300 võ sinh của môn phái Nhất Nam và 150 người dân xã Hưng Đạo biểu diễn, hứa hẹn sẽ đem đến chương trình nghệ thuật độc đáo.

HUYỀN ANH

Hội quân trên sông Lục Đầu là nghi lễ đặc trưng của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, tái hiện cuộc ra quân năm xưa của quân đội nhà Trần, tôn vinh chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại vương trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Nghi lễ có từ thời xa xưa, được duy trì cho đến đầu thế kỷ XX. Sau này do chiến tranh cùng với biến động xã hội, nghi thức không còn được tổ chức. Đến năm 2006, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỉnh ta đã phục dựng lại nghi lễ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân Kênh Giang náo nức chuẩn bị thuyền quân