Nâng tầm lễ hội đền Quát

15/08/2020 08:58

Thời gian qua, di tích lịch sử đền Quát ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm trùng tu tôn tạo, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, mở rộng quy mô tổ chức để nâng tầm lễ hội.


Lễ hội đền Quát mùa thu năm nay sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh (ảnh tư liệu)


Mở rộng không gian

Trước năm 2004, khuôn viên đền Quát chỉ vỏn vẹn ở khu vực đền chính bây giờ và hướng ra bờ sông. Người dân làm nhà sinh sống sát đền, cây cỏ mọc um tùm hoang sơ. Chính quyền địa phương đã vận động di dời 24 hộ dân và thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích, kè bờ ao, bờ sông. Khuôn viên đền từ 1.000 m2 mở rộng ra hơn 40.000 m2.

Việc trùng tu, tôn tạo đền lớn nhất là từ năm 2010 trở lại đây. Nhiều hạng mục được đầu tư xây dựng như gian hậu cung, trung từ, tiền tế, tòa nhà giải vũ, nhà văn chỉ, sân đền lát gạch sạch sẽ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Cổng vào làng Hạ Bì được xây dựng khang trang, đường vào di tích được mở rộng, bãi đỗ xe rộng rãi hơn.

Ông Phạm Quang Vĩnh (67 tuổi) gắn bó với đền Quát nhiều năm qua cho biết trước kia ít người lui tới đền. Từ khi mở rộng và tôn tạo, đền Quát khang trang hơn nên đã thu hút nhiều người thường xuyên đến chiêm bái. Đặc biệt, việc cải tạo đã tạo không gian thuận lợi để tổ chức các hoạt động lễ hội. 

Ông Vũ Quý Hỡi, Bí thư Đảng ủy xã Yết Kiêu cho biết đến nay việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng di tích đã cơ bản hoàn thành. Hạ tầng, cơ sở vật chất khang trang hơn. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng di tích hơn 60 tỷ đồng. Việc quan tâm bảo tồn, tôn tạo di tích nhằm giúp nhân dân như được trở về với nguồn cội, lịch sử của cha ông, quê hương, góp phần tích cực giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Quy mô lễ hội cấp tỉnh

Để nâng tầm lễ hội đền Quát, quy mô tổ chức cũng dần thay đổi. Trước kia lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp xã, từ năm 2017-2019 lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện. 

Ngày 1.7.2020, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban Tổ chức lễ hội truyền thống đền Quát. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đây sẽ là lần đầu tiên lễ hội đền Quát được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh. Với quy mô này, lễ hội sẽ có nhiều nghi lễ, hoạt động, mở rộng khách mời từ tỉnh ngoài, Trung ương... góp phần quảng bá di tích cũng như đất và người Yết Kiêu đến đông đảo du khách thập phương. Tỉnh cũng đã hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa lễ hội đền Quát vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để xứng tầm với lễ hội quy mô cấp tỉnh cũng như khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống, từ năm 2017 trở lại đây, nhiều nghi lễ trong lễ hội đền Quát được nhân dân và các cơ quan chức năng nghiên cứu khôi phục. Cách thức tổ chức lễ hội cũng bài bản, quy mô hơn.

Giai đoạn từ năm 1981-2017, nghi lễ rước kiệu không được tổ chức, nhưng từ năm 2017, được sự hướng dẫn, đầu tư của các cơ quan chuyên môn cùng sự hưởng ứng của nhân dân, nghi lễ này đã được tổ chức quy mô, bài bản hơn. Đây là nghi lễ linh thiêng, thu hút nhiều người tham gia. Đoàn rước đi vòng quanh trong xã, trên trục đường chính, không khí rất náo nhiệt. Đội tế nam, nữ cũng được đầu tư trang phục, hướng dẫn cách hành lễ bài bản. 

Trong phần hội có hoạt động dâng cỗ hộp đã từng mai một cũng được khôi phục. Hoạt động này gồm các dòng họ trong làng và những người con của làng ở nơi khác về tham gia. Các đội thi nấu mâm cỗ gồm gà, cá chép, xôi, oản, chè kho... Việc nấu cỗ phải thực hiện đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, hương vị và thẩm mỹ. Mâm cỗ nào đẹp nhất sẽ được ban tổ chức lựa chọn đặt ở nơi trang trọng nhất trong đền. Với quan niệm, dòng họ nào có mâm cỗ được đặt ở nơi trang trọng trong đền sẽ gặp nhiều may mắn. 

Điểm nhấn và hoạt động không thể thiếu trong lễ hội đền Quát là hội thi bơi thuyền chải truyền thống. Những năm gần đây, hoạt động thi bơi thuyền chải được đầu tư tổ chức quy mô, bài bản hơn. 

Năm 2019, lần đầu tiên tổ chức liên hoan lân-rồng trong lễ hội đền Quát. Hoạt động này cũng được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ. Ngoài ra còn các trò chơi như chọi gà, bắt vịt, cờ tướng, đi cầu kiều, bắt chạch trong chum, bóng chuyền, bóng đá; giao lưu văn nghệ; trưng bày con giống gia cầm, sản vật địa phương ...

Những giải pháp trên nhằm từng bước nâng tầm lễ hội đền Quát thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của địa phương, quảng bá, thu hút du khách thập phương.

​THẾ ANH

Đền Quát là nơi thờ danh tướng Yết Kiêu - vị tướng có biệt tài bơi lặn, đã có công lớn giúp nhà Trần đại phá quân Nguyên Mông. Ông được vua Trần phong tặng “Trần triều Hữu tướng Đệ nhất bộ, Đô soái thủy quân, Tước hầu”.

Từ năm 2018, lễ hội đền Quát được tổ chức cả mùa xuân (từ ngày 10-20 tháng giêng) và mùa thu (từ ngày 14-16.8 âm lịch).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng tầm lễ hội đền Quát