Trước đây, nhiều nghi lễ và phong tục của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc bị mai một, có nguy cơ thất truyền.
Quang cảnh nghi lễ lấy nước trong lễ rước nước chùa Côn Sơn được phục dựng thành công
Thực hiện đề án Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006 - 2010 của UBND tỉnh, nhiều nghi lễ đã được phục dựng thành công và liên tục nâng cấp về chất lượng.
Năm 2006, tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc đã phục dựng thành công lễ cúng đàn Mông Sơn, thu hút đông đảo người dân tham dự. Nghi lễ diễn ra dưới ánh sáng lung linh, huyền ảo của đèn, nến, với các nghi thức: cúng Phật, cúng lịch đại tổ sư, nhiễu đàn, đăng đàn, bắt quyết, múa long hồ, khai hoa kết ấn, thỉnh mời cô hồn, tuyên sớ cầu an, thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu.
Sau đó, Ban tổ chức đã nghiên cứu, sưu tầm tư liệu phục dựng Lễ hội Côn Sơn một cách bài bản, đúng với truyền thống. Năm 2008, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức với hàng loạt các nghi lễ, trò hội truyền thống từng bị thất truyền: lễ rước nước, lễ mộc dục (tắm tượng); đấu vật dân tộc, cờ người, cờ tướng, đu tiên... Trong đó, lễ rước nước và lễ mộc dục có hoành tráng của một lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong tiếng trống chiêng rộn ràng, đoàn rước mang bát bửu, chấp kích, kiệu hoa, kiệu lễ, long kiệu rước thủy bình và 3 long kiệu của Tam tổ Trúc Lâm từ sân đá hướng về hồ Côn Sơn. Tại đây, thủy bình được chuyển xuống thuyền rồng ra giữa hồ để các nhà sư làm lễ dâng hương, cáo thần, đăng đàn cầu nước và lấy nước trong vòng sinh khí. Cuối cùng, nước trong thủy bình được rước về chùa đặt trên ban thờ trung thiên ở sân để tiến hành lễ tắm tượng. Mục đích của lễ rước nước là lấy nước thiêng để thờ cúng quanh năm trong Phật điện, làm nghi lễ mộc dục. Ngoài ra, lễ rước nước còn biểu dương sức mạnh, sự gắn kết cộng đồng làng, xã.
Năm 2009-2010, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc tiếp tục phục dựng, bổ sung hai nghi lễ quan trọng là lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc linh từ và nghi lễ xuống đồng, diệt hoàng trùng cầu mùa. Trong đó nghi lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc linh từ đã trở thành hoạt động quan trọng của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
Để phục dựng các nghi lễ trên, UBND tỉnh đã quan tâm cấp kinh phí. Ban Tổ chức Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tích cực điều tra, lấy tư liệu điền dã tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và các hệ thống di tích liên quan ở trong và ngoài tỉnh; sưu tầm các văn bia, văn tế, thần tích; tổ chức hội thảo khoa học... Mỗi loại hình nghi lễ được lập thành một đề tài khoa học giao cho một cán bộ hoặc nhóm cán bộ thực hiện, sau đó tập huấn, từng bước chuyển giao cho nhân dân địa phương để họ triển khai. Trong quá trình thực hiện, người cao tuổi, những người nắm giữ các tri thức dân gian và các tầng lớp nhân dân địa phương nhiệt tình hưởng ứng, tiếp nhận.
Theo ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thực hiện tốt đề án Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006 - 2010 là nền tảng quan trọng để lễ hội trở thành điểm nhấn văn hóa không chỉ của Hải Dương mà của cả nước. Với những giá trị độc đáo, phong phú, hấp dẫn, Lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ năm 2010 đến nay, nhiều hoạt động quan trọng khác tiếp tục được bổ sung vào nội dung của lễ hội. Đáng chú ý, từ năm 2013, hai đặc sản văn hóa của tỉnh là hội thi bánh chưng, bánh dày và pháo đất được đưa vào Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn.
Năm nay, mừng sự kiện khánh thành tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn, tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc có thêm một nghi lễ độc đáo thu hút đông đảo phật tử, nhân dân là lễ an vị tượng và đêm hoa đăng Liên hoa hội thượng.
NGỌC HÙNG