Đi xuất khẩu lao động, được tiếp cận những tiến bộ khoa học của nước bạn, nhiều người đã tích lũy được kinh nghiệm đáng quý để trở về lập nghiệp tại quê nhà.
Mô hình VAC của anh Nguyễn Trọng Quyết ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) theo mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại của Nhật Bản
Mỗi năm có hàng trăm người lao động tỉnh ta đi làm việc ở nước ngoài. Tùy vào điều kiện, sức khỏe, họ tham gia làm việc ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: xây dựng, thợ mộc, nông nghiệp, cơ khí... Được tiếp cận những tiến bộ khoa học của nước bạn, nhiều người đã tích lũy được những kinh nghiệm đáng quý khi trở về.
Anh Nguyễn Tiến Thành ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) từng đi làm nghề mộc nội thất ở Hàn Quốc. Thời gian đầu anh gặp khá nhiều khó khăn trong công việc bởi ở nhà anh mới học những kiến thức cơ bản, trong khi nghề trang trí mộc nội thất của Hàn Quốc khác nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, qua một thời gian chịu khó học tập, quan sát, anh đã dần tiếp cận với công việc. Sau quá trình làm việc khoảng 5 năm ở Hàn Quốc, anh đã học lỏm được rất nhiều kỹ năng làm mộc của nước bạn. Năm 2016, anh Thành về nước. Hành trang của anh ngoài lưng vốn là kinh nghiệm kể trên còn có cả một khoản tiền công không nhỏ anh dành dụm trong những năm tháng làm việc nơi xứ người.
Lúc ấy anh Thành đã nghĩ ngay đến việc mở một xưởng sản xuất đồ mộc. Tuy nhiên, kinh nghiệm ở nước ngoài cho anh thấy cần phải nắm vững thị hiếu của người tiêu dùng trước khi bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Vậy nên anh Thành quyết định xin vào làm công nhân tại một xưởng gỗ nội thất trên địa bàn TP Hải Dương. Cuối năm 2017, anh Thành mới mở xưởng mộc riêng. Từ việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng xưởng sản xuất, tuyển nhân lực, tiếp cận thị trường, xây dựng nguồn nguyên liệu, thiết kế và chế tác sản phẩm… đều được anh bố trí theo đúng mô hình của nước ngoài với phương châm “Tiết kiệm, chất lượng và uy tín”. Nhờ vậy, việc kinh doanh của anh đã có những bước khởi đầu thuận lợi. Đến nay, xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của anh đã kết nối với hơn 20đối tác trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Trọng Quyết ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) cũng từng sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2016, anh Quyết trở về quê nhà xây dựng mô hình VAC sản xuất rau sạch, nuôi thủy sản, nuôi gà với quy mô hơn 10 mẫu, với tổng số vốn gần 3 tỷ đồng. Việc quy hoạch vùng trồng rau, loại rau được anh triển khai khoa học theo đúng tinh thần đã học hỏi được từ nước bạn. Từng loại rau được trồng tập trung ở từng diện tích riêng với hệ thống tưới nước tự động, quy trình chăm sóc được thực hiện nghiêm ngặt… Nhờ vậy, sản phẩm của anh làm ra luôn bảo đảm chất lượng. Năm 2017, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 500 triệu đồng. Hiện anh đang triển khai trồng giống hành Nhật Bản và tìm hiểu cơ hội xuất khẩu sản phẩm này ra nước ngoài.
Nhiều người thường nghĩ rằng xuất khẩu lao động là hướng đi giải quyết việc làm và mang đến nguồn thu nhập ổn định trước mắt. Hậu xuất khẩu lao động, nhiều người sẽ không biết làm gì, làm ở đâu. Do đó, ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung có nhiều người hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động vẫn cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp, làm xấu đi hình ảnh của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những tấm gương như các anh Thành, anh Quyết... sẽ thấy rằng xuất khẩu lao động mang đến rất nhiều giá trị. Chỉ cần người lao động có quyết tâm và ý chí vượt qua khó khăn bước đầu thì có thể tận dụng những kinh nghiệm từ xuất khẩu lao động để phát triển sự nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
ĐỨC TÂM- THANH NGA