Những năm qua, các cuộc thi giáo viên giỏi được triển khai từ cấp trường đến cấp huyện, tỉnh với 3 vòng: viết sáng kiến kinh nghiệm, năng lực và giảng...
Để có được tiết thi giảng thành công, giáo viên phải chuẩn bị công phu, vất vả. Trong ảnh: Giáo viên THCS thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 tại điểm Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương)
Áp lực
Chúng tôi gặp thầy giáo Đặng Văn Công, Trường THPT Nam Sách khi chỉ còn ít ngày nữa thầy sẽ tham gia thi giảng giáo viên giỏi (GVG) cấp tỉnh môn hóa học. Đây là thời gian nước rút để thầy điều chỉnh lại một số nội dung cho giáo án hoàn thiện hơn. Ngoài thời gian đến trường, thầy dành phần lớn thời gian ở nhà để chuẩn bị thật kỹ về đồ dùng, thiết bị phục vụ cho tiết giảng. Theo thầy Công, để chuẩn bị cho tiết giảng thì việc xây dựng giáo án như ý tốn nhiều thời gian, công sức nhất. Với bài giảng, giáo viên phải thi tiết tự chọn và tiết bắt buộc. Ngay sau khi bốc đề, giáo viên phải hình thành ý tưởng, nội dung, định hướng phương pháp, xây dựng giáo án, chuẩn bị trang thiết bị, đồ dùng dạy học cần thiết. Sau đó, giáo án của giáo viên được tổ, nhóm chuyên môn, đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường cùng bàn bạc, đóng góp ý kiến để xây dựng. Khi giáo án đã tạm ổn, giáo viên tiến hành dạy thử và đồng nghiệp dự giờ để tiếp tục đóng góp. "Để có được giáo án như ý, tôi phải mất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, xem những tiết dạy về bài giảng mình thi trên internet. Đối với chúng tôi, tiết dạy dự thi không chỉ đòi hỏi chuẩn mực về nội dung mà cần có những đổi mới trong phương pháp dạy học cho nên để thay đổi thói quen dạy học cũ là khó khăn nhất. Đến nay, tôi đã dạy thử mỗi tiết dự thi 2 - 3 lần rồi mà thấy vẫn chưa ưng ý", thầy Công chia sẻ.
Trong việc dạy thử, nếu giáo viên nào có ý tưởng, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ tốt sẽ nhàn hơn. Giáo viên nào mà ý đồ, giáo án phần lớn phụ thuộc vào đồng nghiệp đóng góp sẽ rất vất vả. Có giáo viên phải soạn giáo án, dạy thử lại từ 8 - 10 lần nên hầu như không còn thời gian quan tâm đến việc khác. Do quá vất vả, căng thẳng chuẩn bị cho các tiết giảng nên nhiều giáo viên đã bị suy giảm sức khỏe, có người trước khi đi thi còn bị ốm phải bỏ cuộc.
Bài thi năng lực cũng khiến nhiều giáo viên ngao ngán. Bài thi này gồm 2 phần: hiểu biết chung chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành và giải bài tập dùng để ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi theo từng cấp thi GVG. Do phạm vi sâu rộng, giáo viên không biết ôn, học cái gì và mất nhiều thời gian tìm đọc tài liệu, củng cố lại kiến thức. Việc này càng khó khăn hơn đối với giáo viên lớn tuổi khi khả năng ghi nhớ giảm sút.
Không chỉ bản thân giáo viên tham dự thi GVG vất vả mà ngay cả nhà trường, gia đình cũng bị tác động rất lớn. Trong thời gian giáo viên chuẩn bị thi giảng, nhà trường phải bố trí cho giáo viên đó dạy ít tiết hơn, yêu cầu tổ, nhóm chuyên môn hỗ trợ việc xây dựng giáo án, làm đồ dùng, dạy thay... Thời gian giáo viên chuẩn bị thi GVG, nhất là giáo viên nữ có con nhỏ thì cuộc sống còn bị đảo lộn. Anh N.H.C. ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) chia sẻ: "Năm ngoái, vợ tôi tham gia thi GVG cấp thành phố. Trong thời gian này, tuy công việc của tôi khá bận rộn nhưng phải bố trí đưa đón con, đi chợ, nấu cơm. Nhiều buổi tối, tôi phải chở vợ đến nhà đồng nghiệp để vợ bàn thêm việc chuyên môn. Hầu như hôm nào vợ tôi cũng phải 7 - 8 giờ tối mới về đến nhà và tỏ ra mệt mỏi. Nhiều lúc cô ấy thẫn thờ vì trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến tiết giảng".
Điều chỉnh những bất cập
Thi GVG là việc làm cần thiết vì góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy tốt, học tốt. Đây cũng là đợt sinh hoạt chuyên môn có ý nghĩa đối với mỗi nhà trường. Quan trọng hơn, mỗi giáo viên có cơ hội hoàn thiện hơn về trình độ, năng lực, nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Tuy nhiên, cuộc thi hiện nay đã tạo cho nhà trường, giáo viên nhiều áp lực. Theo nhiều cán bộ quản lý, giáo viên thì không nên bỏ thi GVG nhưng cần có những điều chỉnh để giảm căng thẳng, mệt mỏi cho người tham gia. Thầy giáo Đặng Quang Hải Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh (TP Hải Dương) nhận xét: "Ngoài gánh nặng từ yếu tố khách quan thì áp lực của cuộc thi lại do giáo viên tạo ra cho chính mình. Vì các thầy giáo, cô giáo đều mong muốn khi mang chuông đi đánh xứ người thì sản phẩm của mình phải hoàn hảo nhất. Do đó, giáo viên dành hết tâm sức, thời gian đầu tư cho mỗi tiết giảng".
Nhiều nhà giáo cho rằng trong 3 vòng thi nên bỏ vòng viết sáng kiến kinh nghiệm vì việc này đã trở nên hình thức. Hoặc có thể sử dụng sáng kiến của giáo viên đó đã được công nhận trước đây vì sáng kiến chỉ là điều kiện cần. Phần thi năng lực cũng cần có những điều chỉnh cho phù hợp hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) cho rằng: "Phần kiến thức chung của bài thi năng lực cần có giới hạn, còn hiện nay rộng quá. Ngoài yêu cầu thể hiện hiểu biết thì nên có phần dành cho giáo viên được thể hiện sự vận dụng, trình bày quan điểm hoặc giải pháp của mình về những vấn đề đặt ra cho giáo dục. Phần giải bài tập còn chiếm tỷ lệ lớn và khó".
Nhiều giáo viên cũng cho rằng cách tính điểm giữa bài năng lực và thi giảng còn chưa hợp lý. Vì bài thi giảng các giáo viên chênh nhau không nhiều nên kết quả thi lại phụ thuộc vào điểm bài thi năng lực. Bài thi năng lực nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến thiếu khách quan, không công bằng.
DANH TRUNG