Dân làng Đìa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với công việc đầu tiên là làm con đường trục chính đi suốt chiều dọc của làng để nhập vào đường liên xã. Ai cũng phấn khởi, được như vậy thì đi lại thuận tiện biết chừng nào, ô-tô có thể vào đến tận sân nhà. Họp bàn, vận động những hộ dân hai bên hiến đất cho làng làm đường cũng đã tạm ổn. Có đến hơn mười hộ đều đã nhất trí, chỉ còn nhà lão Ngang. Chết nỗi phần qua nhà lão lại là dài nhất, đất lão phải hiến cũng là nhiều nhất mà tính khí của lão thì y như cái tên mà cha sinh mẹ đẻ đã đặt cho. Chả thế mà cái hôm họp làng, đại biểu cấp trên có người đến muộn, lão nói ngay:
- Ông trưởng thôn đã kính thưa các vị khách quý từ sáng mà đến nửa buổi khách mới đến! Mọi người cười phá lên, có người còn nói, đúng là giọng của lão Ngang. Lão thủng thẳng:
- Tôi ngang nhưng mà là ngang phải.
Mấy cán bộ chủ chốt của làng bàn nhau phải cùng đến thuyết phục thì may ra mới được. Gia đình lão lại thuộc diện gia đình chính sách, chủ trương này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân nên công tác vận động là vô cùng quan trọng, phải đến đông đủ thì mới lay chuyển được lão.
- Khi chủ, khách đã yên vị, chiếc điếu cày đã chuyền tay nhau hết lượt, lão Ngang hắng giọng:
- Tôi biết các chú đến đây là về vấn đề đường sá, có gì cứ nói không phải ngại. Tôi cứ nói trước như thế này: Tôi ủng hộ hoàn toàn việc làm đường, sẵn sàng hiến đất. Nhưng các chú phải cho tôi xem giấy tờ tự nguyện hiến đất của tất cả các hộ hai bên đường. Giấy tờ phải ghi rõ từng hộ hiến chiều dài bao nhiêu, chiều rộng bao nhiêu, diện tích bao nhiêu, phải có chữ ký, dấu son hẳn hoi chứ không thể nói mồm được.
Mấy ông cán bộ ngớ người. Oái oăm đến thế là cùng, đòi xem giấy tờ hiến đất của tất cả mọi người rồi mình mới quyết định. Đúng là ngang quá, nhưng đành phải nhún vậy, bảo các hộ kia viết giấy cũng chả khó khăn gì. Những người hiến đất vừa viết giấy vừa cười cho là cái lão Ngang chắc lép quá, chả có tý tinh thần tập thể gì. Đã đồng ý hiến đất thì hiến luôn sao mà phải giấy tờ lôi thôi làm vậy.
Đến khi đọc cẩn thận tất cả giấy tờ của những hộ hiến đất suốt dọc con đường trục, lão còn đi xem xét lại từng ly từng tý, rất tỷ mỷ, sau đó mới nhắn ông trưởng thôn sang nhà để lão đưa cái giấy tự nguyện hiến đất. Mọi người đến đông đủ, lão lên tiếng:
- Tôi trả lại tất cả số giấy tờ các anh đã đưa, còn đây là giấy của tôi. Nhà tôi hiến chiều rộng là một mét rưỡi, chiều dài là hai mươi mốt mét, vị chi là ba mươi mốt mét rưỡi vuông.
Không ngờ, cái chuyện tưởng như rất khó ấy lại chuyển biến nhanh chóng và dễ dàng đến thế. Ai cũng nghĩ, chắc là lão muốn so đo thiệt hơn với mọi người, vậy mà trong câu chuyện lão chả động đến vấn đề nhiều ít một lời nào. Trong lúc vui vẻ, trưởng thôn cợt nhả:
- Đằng nào thì cụ cũng tự nguyện, thế mà cụ lại bắt chúng con phải giấy tờ nhiêu khê quá, những hơn chục hộ chứ đâu có ít ỏi gì?
Rít một hơi thuốc rõ dài, lão Ngang thong thả:
- Các anh không biết thật à! Tôi làm thế là giúp các anh, giúp làng xóm đấy chứ. Bây giờ vui vẻ, khí thế đang lên như diều, cứ làm ào đi, đường làm đến đâu thì lui hàng rào đến đấy, tất cả vì phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngộ nhỡ sau này, ví như đến đời con cháu chẳng hạn, chúng nó sinh chuyện, mang giấy tờ địa chính ra nói là làng làm đường vào đất của dân, nó đòi lại các anh tính sao, lấy gì làm bằng cớ, cãi vã nhau à! Ai cũng bảo là tôi ngang nhưng rõ ràng là tôi ngang phải.
Mấy ông cán bộ cùng cười, phải công nhận cái lý của cụ không chê vào đâu được. Đúng là phải như thế, phải chặt chẽ sau trước, con đường lâu dài mãi mãi cơ mà.
Chiếc điếu cày lại chuyền tay nhau rít lên sòng sọc. Chuyện đang vui có người hỏi thêm:
- Con hỏi cụ đừng giận, cụ có tên là Ngang từ bao giờ, cứ như lời lão Phếch thì do tính khí của cụ mà người ta gọi lâu dần thành tên.
- Lại là cái lão Phếch. Tôi với lão là bạn từ thuở cởi truồng tắm sông. Thỉnh thoảng bị tôi trêu, lão điên lên mới bịa ra đấy chứ!
Ông nội lão Ngang chỉ sinh được mỗi bố lão là con trai. Đến đời bố lão khi đã có đến ba người con gái, mẹ lão mới mang thai lão. Ngày xưa ai mà biết trước được con trai, con gái, cứ có chửa là đẻ, đẻ ra con nào thì khắc biết. Khi mẹ trở dạ, bố đi tìm bà mụ có tiếng là mát tay ở làng bên. Thai ra thuận thì đầu ra trước, ngược thì chân ra trước, nhưng khi bà mụ nói ca này không khéo là đẻ ngang thì mọi người tròn mắt sợ hãi. Đẻ ngang là cực hiếm và cực kỳ nguy hiểm. Như bây giờ thì mổ xoẹt một cái là xong. Ngày xưa đâu có dễ, loay hoay mấy tiếng đồng hồ bà mụ mới xoay được cái thai, lão oe oe chào đời trong lúc bà mẹ lả đi vì mệt. Có con trai, vợ lại tai qua nạn khỏi, mừng quá bố lão hét lên:
- Tiên sư bố nó chứ, đúng là cái thằng Ngang.
Lão có cái tên từ đó.
Những năm thuộc Pháp dân làng phải đi tản cư mãi tận cái huyện ở cuối tỉnh. Mới mười lăm tuổi đầu, người bé như củ khoai mà lão Ngang cùng với lão Phếch dám rủ nhau trốn nhà đi theo bộ đội. Loay hoay thế nào lại có mặt ở chiến dịch Điện Biên Phủ làm lính nuôi quân. Cứ như lời lão Ngang thì làm lính nuôi quân ở tít xó rừng. Thỉnh thoảng mới được phân công vác bao tải cơm nắm đến phát cho bộ đội ngoài chiến hào, nhoáng nhoàng một lúc, có biết thằng Tây mồm ngang mũi dọc thế nào đâu. Người ta cho lão cái huy hiệu chiến sĩ Điện Biên cũng là tốt quá rồi. Gần đây lão được nghe Đài Phát thanh xã đọc bài kể chuyện Điện Biên của lão Phếch hoành tráng lắm, nào là ta chuyển hướng chiến dịch như thế nào, những cánh quân bố trí ở đâu, súng pháo hiệp đồng ra sao... mới nghe cứ tưởng lão Phếch là tư lệnh chiến dịch không bằng.
Lão Ngang trêu:
- Bài viết của ông tôi nghe hay quá, ông nghe ai nói hay chép lại ở đâu mà tài thế.
- Ơ cái lão này! Toàn là chuyện mắt thấy, tai nghe, bây giờ có điều kiện tôi nhớ lại viết ra phục vụ mọi người đấy chứ!
- Ông mắt thấy tai nghe thật à! Tôi với ông là cái anh lính nhọ đít mà biết hết cả chuyện quân cơ như thế thì còn gì là bí mật quân sự nữa, thằng địch mù nó điếc chắc, nó giã cho bỏ mẹ ấy chứ!
- Tôi không lý sự với ông nữa, đúng là lão Ngang.
- Tôi ngang nhưng mà là ngang phải.
Lại nhớ cái đận cả làng vào HTX, ai đến vận động lão cũng nói: Đấy là chuyện tự nguyện, nông dân thấy lợi thì vào, chưa thấy thì thôi, không ép buộc ai. Lão là xã viên cuối cùng của HTX nông nghiệp thôn Đìa. Lão chỉ thích làm khoán, ví như cái chuyện vực nghé cho hợp tác. Mỗi con là ba mươi công. Sáng sớm, chiều mát hai bố con lão quần nhau với nó ở đám bãi bùn sâu đến tận bẹn, chỉ độ mươi ngày là thuần thục. Lão ghét cay ghét đắng cái cảnh xã viên đi làm chống cào, chống cuốc, chờ kẻng nghỉ, tối đến cầm đèn đi bình công chấm điểm. Có một lần, hai lão đang lững thững trên đồng thấy một đoạn bờ ruộng vỡ đáng một bước chân, tiện cuốc lão vén mấy nhát loáng cái là xong. Vậy mà:
- Ông tưởng tôi mù à, tôi đi trước, tôi thấy trước nhưng phải báo cho lão đội trưởng biết, hỏi xem hắn chi bao nhiêu điểm thì mới làm chứ!
- Ôi dào, đợi ông báo xong thì ruộng cạn hết, ngày mai lại phải cử người mang gầu đi tát nước có phải khổ không?
- Mặc kệ ông? Thế là hai lão im lặng suốt cả chặng đường về.
Nào ngờ đội trưởng sản xuất lại biết, cứ theo lời ông đội trưởng thì nếu không kịp đắp lại, phải mất đến hai công tát nước vì thế nên đội chi cho lão một công.
- Tôi không nhận đâu, đội muốn chi thì chi cho ông Phếch ấy, ông ấy nhìn thấy trước. Tôi nhận công điểm hoá ra tôi làm tranh của ông ấy à!
Đúng là cái lão Ngang.
- Tôi ngang nhưng mà là ngang phải.
Đây là câu cửa miệng của lão. Vậy mà lại có một chuyện liên quan đến sự độc đoán gia trưởng của lão, ai cũng bảo là lão ngang bướng, gàn dở mà tuyệt nhiên lão không nói lại một lời nào.
Ấy là thời kỳ cả nước rộ lên chuyện tìm mộ liệt sĩ của các nhà ngoại cảm. Rậm rịch chuẩn bị đến nửa tháng trời lão mới dẫn mấy người thân đi tìm mộ thằng con cả. Cũng điện thoại nối với nhà ngoại cảm, cũng làm theo chỉ dẫn từng ly từng tý một, cuối cùng đoàn người cũng đào được một hài cốt. Đôi dép cao su, chiếc bi đông, con dao găm gỉ sét toàn là những trang bị của quân đội. Khi cầm hộp sọ rửa ráy lão chợt lặng đi. Sau đó lão quyết định rất nhanh cho hài cốt vào tiểu sành, nói với địa phương để chôn vào nghĩa trang liệt sĩ tại đó, dứt khoát không bọc vào ni-lông để đem về quê. Nói kiểu gì lão cũng không nghe, ai nói cũng không được, lão là bố nó, lão quyết định để ở đâu là quyền của lão, ở nhà chuẩn bị đón tiếp thế nào cũng mặc. Ra đi hăm hở bao nhiêu, khi về buồn bã bấy nhiêu, ai cũng cho là lão đốc chứng ra nên mới dở hơi như thế.
Mãi sau này, vợ lão ốm cứ đòi lão đưa vào thắp cho thằng cả nén hương thì có chết mới nhắm được mắt. Lão đành nói thật đấy không phải là hài cốt của con trai mình. Lão nhớ hồi đi học cấp ba, cậu cả bị ngã xe đạp gãy mất hai cái răng cửa, lão phải đưa đi bệnh viện làm răng giả. Khi cầm hộp sọ, rửa ráy hàm răng lão biết ngay là không phải cậu cả. Mang về cũng dở, chôn lại thì không được thế là lão cứ bốc hót sạch sẽ, nói rõ với địa phương trong ấy cho vào nghĩa trang, khi phần mộ xây xong thì gắn tấm bia "liệt sĩ vô danh", mình mất công thật đấy, dù không tìm được con nhưng làm được việc nghĩa như thế lão cũng thấy nhẹ lòng. Lão không muốn nói ra, 1ôi thôi lắm, cốt sao cái tâm mình sáng là được ai bảo là ngang bướng, gàn dở cũng mặc. Vợ lão phều phào: Đúng là ông ngang nhưng mà là ngang phải.
Những bộc bạch chân tình của lão Ngang làm cho mọi người lặng đi vì xúc động. Ai cũng chợt hiểu ra một điều đơn giản, bên trong cái dáng vẻ thô mộc, đằng sau những lời nói mới nghe chẳng thấy êm tai một chút nào là một con người trong sáng nhân hậu, một tấm lòng thẳng ngay chính trực, không một chút riêng tư vụ lợi. Xây dựng nông thôn mới rất cần những con người như thế, những tấm lòng như thế.
Truyện ngắn của NGUYỄN PHÚ NINH