Lao động tự do chịu thiệt

31/12/2014 07:28

Cùng với sự phát triển của xã hội, lực lượng lao động tự do ngày càng gia tăng. Công việc của họ không phải lúc nào cũng thuận lợi...



Người lao động tự do lại không hề được quan tâm bảo vệ


Xâm hại quyền lợi

Chị Nguyễn Thị Hà quê ở Lạng Sơn từng theo học nghề may công nghiệp. Mấy năm trước, sau khi tốt nghiệp ra trường chị xin vào làm cho một cửa hàng may mặc tư nhân ở TP Hải Dương. Làm được khoảng 1 năm thì xảy ra mâu thuẫn với chủ cửa hàng. Nguyên nhân là do chị Hà không khỏe nên xin nghỉ làm mấy ngày. Đúng thời điểm đó, khách hàng đến may đông mà lại thiếu nhân viên nên chủ cửa hàng tỏ thái độ không bằng lòng. Sau khi chị Hà khỏe và đi làm trở lại, lấy lý do trên chủ cửa hàng kiên quyết không thanh toán tiền lương cho chị, trong khi vẫn trả cho những người cùng làm khác. Chị Hà hỏi thì nhận được câu trả lời là bị phạt giữ lại lương do nghỉ làm vào lúc cửa hàng đông khách. Điều này khiến chị Hà rất bức xúc, vì chị nghỉ có lý do chính đáng. Sau đấy 2 bên lời qua tiếng lại, thậm chí chủ cửa hàng còn gọi cả người thân, bạn bè đến để đe dọa chị Hà và kiên quyết không thanh toán tiền lương cho chị. Thấy mối quan hệ giữa 2 bên đã trở nên căng thẳng nên chị Hà cũng xin nghỉ làm và đành chịu mất tiền công gần 1 tháng làm việc cật lực. "Khi vào làm tôi không nghĩ sẽ xảy ra tình huống trớ trêu này. Trước đó giữa tôi và chủ cửa hàng chỉ thỏa thuận với nhau bằng miệng. Tiền công thanh toán theo sản phẩm nên rất sòng phẳng và công bằng. Tuy nhiên, chỉ cần không vừa lòng là họ đã có thể đối xử không tốt với mình ngay. Cũng may là bây giờ tôi đã tìm được người chủ tốt hơn chứ họ mà cũng như vậy thì chắc tôi cũng chẳng biết kêu ai" - chị Hà bức xúc.

Tương tự như vậy, anh Nguyễn Văn Sơn (phường Thái Học, Chí Linh) cũng từng đi làm cho một công ty tư nhân. Vì xác định không làm lâu dài nên anh và một số người khác cũng không quan tâm đến việc ký kết hợp đồng lao động. Do công ty làm ăn không tốt nên đã nợ tiền lương 2 tháng liền của người lao động mà không hề thỏa thuận báo trước với họ. Quá bức xúc, hàng chục công nhân đã tổ chức đình công. Sau khi vụ việc được dàn xếp xong thì anh Sơn và một số người khác xin thôi việc. Tuy nhiên, anh và mọi người chỉ được công ty thanh toán khoảng một nửa số tiền lương còn nợ với lý do họ đã làm hỏng sản phẩm của công ty. Theo anh Sơn, điều này là hoàn toàn vô lý, bởi theo quy trình sản xuất thì việc sản phẩm bị lỗi là đương nhiên và tất cả mọi công nhân đều không tránh được. Việc công ty lấy lý do này để trừ tiền của mọi người chính là hành động ăn chặn tiền mồ hôi công sức của người lao động. Dù anh Sơn và đồng nghiệp đã đến cầu cứu cơ quan chức năng nhưng cũng không tìm ra hướng giải quyết vì không có văn bản nào có thể minh oan cho họ. Sở dĩ công ty có thể làm thế bởi họ đã "nắm chắc phần thắng trong tay" vì trước đó 2 bên không làm giao kèo hay thỏa thuận gì.

Ngoài việc bị xâm hại quyền lợi thì những lao động tự do còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khác. Hiện có rất nhiều lao động tham gia trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Họ có thể là thợ chuyên nghiệp  hoặc là những người làm mùa vụ nhưng đều có thể gặp các tai nạn nghề nghiệp, nặng có thể thiệt mạng hoặc tàn phế. Do không được tham gia bảo hiểm hay các chế độ bảo hộ gì nên họ thường chỉ nhận được sự đền bù thiệt hại "tùy tâm" của chủ sử dụng lao động.   



Lao động tự do đang phải tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm của cuộc sống mưu sinh


Sớm quan tâm bảo vệ


Lao động tự do không được thống kê và không tham gia hay chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Trong xã hội hiện nay, đối tượng này đang chiếm một số lượng không nhỏ. Họ có thể là những người làm việc trong các công ty tư nhân với quy mô nhỏ, các công trình xây dựng, nhân viên làm việc trong các cửa hàng tư nhân, xe ôm, bán hàng rong, dọn dẹp nhà cửa... Họ có thể làm việc lâu dài hoặc mùa vụ.

Nhìn vào những công việc của họ dễ dàng thấy những việc làm này có thể khiến người lao động gặp rủi ro bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Lao động mới chỉ đề cập đến việc bảo vệ quyền lợi lao động cho nhóm chính thức chứ chưa thực sự có chính sách nào dành cho người lao động tự do. Đây chính là kẽ hở của pháp luật tạo điều kiện cho nhiều người có nhu cầu sử dụng lao động lợi dụng để bóc lột người lao động. Tuy Luật Bảo hiểm xã hội đã được ban hành, trong đó có quy định chủ sử dụng lao động có giao kèo với người lao động từ 1 đến 3 tháng cũng phải đóng bảo hiểm cho họ nhưng điều này chỉ có thể áp dụng ở những đơn vị sản xuất sử dụng một số lượng lao động nhất định chứ không đề cập đến những cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ hay đối với các chủ thầu xây dựng...

Để bảo vệ lao động tự do, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) triển khai dự án: "Hòa nhập kinh tế - xã hội của lao động nữ tại khu công nghiệp vùng ven đô" tại phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Đối tượng hưởng lợi của dự án ngoài những lao động nhập cư đang làm việc tại các doanh nghiệp còn có những nữ lao động di cư, chủ yếu là những người bán hàng rong và làm việc trong các cửa hàng nhỏ ở địa phương. Họ đã được khảo sát về nhu cầu nâng cao chất lượng sống và trang bị các kỹ năng bảo vệ bản thân trong trường hợp gặp rủi ro khi đang làm việc như kỹ năng thỏa thuận, trợ giúp pháp lý...

Dù rất thiết thực nhưng số lượng lao động mà dự án có thể hỗ trợ mới chỉ như "muối bỏ bể" so với lực lượng lao động tự do trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tự do là việc làm cần thiết. Một mặt, nó thể hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, mặt khác có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống chung cho mặt bằng dân cư và giúp ổn định tình hình xã hội. Vì vậy, trước khi có những chính sách phù hợp, các cơ quan chức năng cần phối hợp làm tốt việc rà soát, nắm chắc số lượng người lao động tự do; đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm trang bị các kỹ năng giúp họ có thể bảo vệ bản thân trong trường hợp bị xâm hại.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động tự do chịu thiệt