Do không được ký hợp đồng lao động nên khi xảy ra tai nạn họ thường phải chịu trận một mình với những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Lao động tự do không có hợp đồng lao động luôn đối mặt với nguy cơ bị tai nạn do việc bảo đảm an toàn còn nhiều hạn chế
Rủi ro cao
Tháng 4 vừa qua, trong lúc đi làm, anh Nguyễn Hữu Đương ở xã Tân Phong (Ninh Giang) bị thương nhẹ do tai nạn giao thông. Tuy không phải nằm viện điều trị mà được các bác sĩ kê đơn mua thuốc về uống và an dưỡng tại nhà nhưng phải mất hơn 1 tuần sau anh Đương mới hồi phục và có thể đi làm trở lại.
Anh Đương làm việc đã khá lâu cho một doanh nghiệp tư nhân ở TP Hải Dương nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, chỉ nhận tiền lương theo ngày công. Anh Đương không biết rằng nếu như anh được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội thì vụ tai nạn giao thông trên sẽ được coi là tai nạn lao động, được hưởng một số quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Cách đây 2 tháng, anh Nguyễn Văn Quỳnh ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà) bị ngã rơi từ mái nhà xuống đất trong lúc đang lợp mái tôn cho một gia đình ở địa phương. Vụ tai nạn khiến anh bị gãy xương cổ tay. Là lao động tự do, ai có công việc gì phù hợp thì anh nhận làm chứ hai bên không hề có hợp đồng hay giao kết bằng văn bản.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn lao động mà nạn nhân không có hợp đồng lao động. Trong đó có 24 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 6 người chết, 18 người bị thương nặng. Đây chỉ là thống kê của cơ quan chức năng, trên thực tế có thể số vụ tai nạn còn cao hơn. Bởi những vụ tai nạn nhẹ thì phần lớn người lao động (NLĐ) sẽ không thông báo và tự dàn xếp.
Có nhiều nguyên nhân khiến lao động tự do hay gặp tai nạn. Trước hết là do họ không được trang bị những kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn lao động mà những điều này chỉ được rút ra dần dần trong quá trình làm việc hoặc nghe từ những người đi trước truyền lại. Mặt khác, ý thức bảo đảm an toàn của NLĐ không cao vì cho rằng công việc mang tính chất tạm bợ. Phương tiện bảo đảm an toàn của các doanh nghiệp tư nhân hay cá nhân thường lạc hậu, không được kiểm tra, thay thế vì lo ngại tốn kém kinh phí... Các cơ quan chức năng kiểm soát nhóm đối tượng này trong vấn đề bảo đảm an toàn lao động gặp nhiều khó khăn.
Người lao động tự lo
Vụ tai nạn khiến anh Lân không còn khả năng lao động để chăm lo cho các con
Khi xảy ra tai nạn, phần lớn NLĐ sẽ phải chịu trận một mình. Vì không có hợp đồng lao động nên chủ sử dụng thường sẽ phủi trách nhiệm hoặc có đền bù nhưng cũng theo kiểu "tùy tâm".
Cách đây mấy năm, anh Hoàng Văn Lân ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) đi làm phụ xây cho một cai thầu tư nhân. Trong lúc đang làm việc, anh bị giàn giáo đổ sập vào người, làm đứt gân và vỡ vụn phần xương đầu gối chân phải, dập nát ngón trỏ tay phải. Anh Lân phải điều trị hơn một năm trời với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. Anh Lân cho biết: "Ngày đó dù chữa trị trong suốt thời gian dài và mất khá nhiều tiền nhưng ông chủ thuê tôi làm việc chỉ hỗ trợ chưa đầy chục triệu đồng. Vì không có lý do gì gán trách nhiệm nên gia đình tôi đành phải tự gánh chịu hậu quả, đi vay mượn khắp nơi để có tiền điều trị cho tôi". Hậu quả nặng nề nhất là bây giờ anh Lân đã trở thành người khuyết tật với cái chân phải "có cũng như không", chỉ làm được những việc nhẹ ở nhà. Gánh nặng kinh tế gia đình đổ dồn lên vai vợ anh.
Anh Đương và anh Quỳnh cũng phải tự bỏ toàn bộ chi phí thuốc men điều trị. Sau tai nạn, anh Quỳnh cũng không đủ sức khỏe để có thể tiếp tục công việc đang làm. Nếu như có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội thì các anh, đặc biệt là anh Lân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi để giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống hằng ngày.
Cơ quan chức năng cần có những biện pháp tích cực hơn nữa để hạn chế tai nạn cho nhóm NLĐ không có hợp đồng lao động như đẩy mạnh tuyên truyền kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động; tăng cường kiểm tra điều kiện lao động của các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhóm đối tượng này. Đặc biệt là cần làm tốt quy định buộc chủ sử dụng tham gia bảo hiểm xã hội cho những người làm việc từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng theo quy định mới nhất của Luật Bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, bản thân những NLĐ tự do cũng nên tự trang bị kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn lao động để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
THANH NGA