Vất vả nghề bảo vệ ngân hàng

12/01/2020 18:05

Nhân viên bảo vệ ngân hàng luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, căng mình để bảo đảm an toàn, an ninh cho ngân hàng.

Luôn tươi cười, niềm nở, các nhân viên bảo vệ đã góp phần tạo ra ấn tượng tốt đẹp của khách hàng đối với ngân hàng

Ngày cũng như đêm

Có mặt tại ngân hàng từ 6 giờ tối để chuẩn bị bước vào ca trực đêm, ông Nguyễn Văn Bảy, nhân viên bảo vệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Hải Dương thường đi một vòng quanh trụ sở để quan sát tình hình.

Xong xuôi ông mới nhận bàn giao sổ sách, công cụ hỗ trợ với ca trực trước. Việc đầu tiên ông Bảy làm là kiểm tra lại toàn bộ hệ thống camera giám sát an ninh, nhất là tại những vị trí khuất tầm nhìn. 

11 giờ đêm, thành phố im lìm, người dân dần chìm vào giấc ngủ cũng là lúc ông Bảy dành sự tập trung cao nhất cho công việc của mình. Với công cụ hỗ trợ là chiếc dùi cui giắt ngang lưng, chốc chốc, ông Bảy lại đi tuần tra xung quanh ngân hàng bất kể thời tiết mưa rét.

"Đây là khoảng thời gian tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh, an toàn của ngân hàng. Nhiều đối tượng manh động và liều lĩnh có thể rình rập những sơ hở của lực lượng bảo vệ lúc nửa đêm để đột nhập, cướp ngân hàng", ông Bảy chia sẻ.

Còn nhớ nhiều năm về trước, một ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã bị đột nhập vào lúc nửa đêm. Các đối tượng đã dùng vũ khí tấn công, làm trọng thương và khống chế nhân viên bảo vệ, phá máy ATM để cướp đi một số tiền lớn.

Ông Bảy cho biết: "Đây là bài học đối với công tác bảo vệ ngân hàng nói chung, đối với nhân viên bảo vệ ngân hàng nói riêng như chúng tôi. Chỉ một phút lơ đễnh, sơ hở cũng có thể phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng cả tính mạng".

Nhân viên bảo vệ trực ca đêm phải luôn tập trung cảnh giác cao độ và vô cùng áp lực về tâm lý. "Có thời điểm, nhiều thanh thiếu niên đi chơi đêm, về đến máy ATM trước cửa ngân hàng để rút tiền trong khi hơi men bốc lên nồng nặc. Tôi cùng một số nhân viên bảo vệ khác phải theo dõi, chuẩn bị sẵn phương án đối phó", ông Bảy chia sẻ thêm.

Kết thúc tuần làm việc đêm, ông Bảy cùng một số nhân viên bảo vệ ngân hàng khác được chuyển sang ca trực ban ngày. Nếu như trực đêm có vẻ nhàn nhã chân tay thì ca trực ngày lại hoàn toàn ngược lại. 

Bắt đầu từ 7 giờ sáng, công việc của một nhân viên bảo vệ không chỉ đơn thuần là bảo đảm an toàn cho ngân hàng, hướng dẫn khách hàng gửi, đỗ xe, dắt xe cho khách mà những người như ông Bảy còn được học những kỹ năng chăm sóc khách hàng sao cho đúng với câu "vui lòng khách đến, hài lòng khách đi".

Khách đến với ngân hàng trăm tính vạn nết, để làm hài lòng tất cả không hề đơn giản. Đặc biệt, tầm 8-9giờ sáng là lúc lượng khách đến giao dịch tại ngân hàng tăng đột biến, đội ngũ bảo vệ vừa phải lo hướng dẫn khách hàng ra vào, vừa phải gìn giữ an ninh trật tự.

Khách hàng đến giao dịch sẽ được bảo đảm an toàn, an ninh từ trong quầy giao dịch cho tới khi rời khỏi cửa ngân hàng. Những khách hàng có lượng tiền giao dịch lớn, nhất là khi họ vừa rút tiền từ ngân hàng, nhân viên bảo vệ luôn phải đề cao cảnh giác và tập trung quan sát những người xung quanh các khách hàng này để đề phòng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho họ.

Là một nhân viên bảo vệ ngân hàng, những người như ông Bảy luôn ý thức rằng bản thân mình dù làm công việc bảo vệ cũng là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Chính vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào với khách hàng ở bất kỳ độ tuổi nào, ông Bảy và những người trong cùng bộ phận bảo vệ đều luôn giữ thái độ hòa nhã, tôn trọng, tạo thiện cảm.

"Nhiều khách hàng trẻ tuổi, thậm chí chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu mình nhưng lại có thái độ thiếu tôn trọng khi giao tiếp. Là một người bảo vệ của ngân hàng, chúng tôi luôn giữ chuẩn mực, tuyệt đối không có thái độ bất lịch sự với khách. Làm nghề này, chúng tôi đã học được giá trị của chữ nhẫn", ông Bảy chia sẻ.

Rủi ro rình rập

Anh Quân (giám sát cửa xe) cùng đội ngũ bảo vệ ngân hàng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt quá trình đi tiếp quỹ tại hệ thống ATM

Không quản nắng mưa, ngày đêm, đội ngũ bảo vệ ngân hàng luôn làm việc với sự tập trung cao độ, mẫn cán để bảo đảm mục tiêu cao nhất là gìn giữ, duy trì an toàn, an ninh cho ngân hàng cũng như khách hàng.

Cùng với đó, thái độ tận tình, hòa nhã, chu đáo ngay từ những hành động nhỏ nhất đã phần nào giúp những bảo vệ ngân hàng xây dựng thương hiệu, uy tín cho nơi mình đang làm việc.

Vẫn biết với những người theo nghề bảo vệ, ai cũng phải chịu đựng những khó khăn, vất vả, áp lực riêng, nhưng có lẽ những nhân viên bảo vệ ngân hàng là khác biệt hơn cả. Rủi ro luôn rình rập bởi họ đang bảo vệ cả núi tiền.

Cuối tháng 8.2019, một đối tượng đã xông vào chi nhánh một ngân hàng ở phường Cốc Lếu (TP Lào Cai) với ý định cướp tiền. Khi đang loay hoay bỏ trốn khỏi hiện trường, đối tượng này đã bị lực lượng bảo vệ và nhân viên ngân hàng phối hợp khống chế thành công.

Trước đó, trưa 25.7, tại chi nhánh một ngân hàng khác ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), một đối tượng bịt mặt đã dùng súng bắn vào bảo vệ nhằm thị uy để cướp tiền.

Một nhân viên bảo vệ của ngân hàng đã bị thương vì trúng 2 viên đạn. Đối tượng sau đó đã tìm cách đột nhập vào ngân hàng để cướp tiền nhưng không thành. Đây chỉ là 2 trong số nhiều sự vụ liên quan đến sự an toàn, an ninh của ngân hàng đã xảy ra trong năm 2019. 

Những vụ cướp ngân hàng táo tợn thời gian qua xuất hiện ngày càng nhiều, các đối tượng thậm chí không ngần ngại sử dụng vũ khí khiến áp lực đè lên vai đội ngũ bảo vệ ngân hàng ngày càng lớn.

"Trách nhiệm với công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho ngân hàng lớn bởi nguy cơ trộm cướp, mất an ninh trật tự tại đây ngày càng nhiều", anh Vũ Tiến Quân, nhân viên bảo vệ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hải Dương chia sẻ.

Bắt đầu đảm nhận công việc bảo vệ của ngân hàng từ năm 2017, anh Quân luôn cố gắng, nỗ lực để theo kịp yêu cầu công việc, đặc biệt là việc bảo đảm an ninh, an toàn cho ngân hàng.

Những sự việc đáng tiếc về an ninh, an toàn đã xảy ra tại một số ngân hàng thời gian qua chính là hồi chuông báo động đối với những nhân viên bảo vệ như ông Bảy, anh Quân. Vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, vừa khéo léo thoát khỏi rủi ro quả thực không dễ dàng.

Anh Quân chia sẻ: "Áp lực lớn nhất với một nhân viên bảo vệ ngân hàng chính là làm sao phát hiện ra kẻ xấu đội lốt khách hàng. Bảo đảm an ninh, an toàn cho ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động trong xử lý tình huống đột xuất, chính vì thế nhân viên bảo vệ ngân hàng buộc phải tìm cách đi trước đối tượng phạm tội một bước".

Bằng kinh nghiệm, những bài học nghiệp vụ từ các buổi tập huấn và sự quan sát, bảo vệ ngân hàng có thể phân biệt và phát hiện kẻ khả nghi trước khi đối tượng có hành vi phạm pháp.

Anh Quân cũng như nhiều bảo vệ khác luôn hiểu rằng kẻ gian chỉ chực chờ sơ hở để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì thế, tăng cường, đề cao sự cảnh giác, luôn duy trì tinh thần tập trung, sẵn sàng, chủ động, không chùn bước vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là áp lực đối với người bảo vệ ngân hàng như anh Quân. 

Áp lực và vất vả là thế nhưng ông Bảy, anh Quân hay những nhân viên bảo vệ ngân hàng khác chưa một lần có suy nghĩ thay đổi công việc. Họ luôn tâm niệm làm nghề gì cũng có áp lực, vất vả và đặc thù riêng.

"Không có gì nghèo bằng không có tài, không có gì hèn bằng không có chí. Từng ngày, từng giờ, đội ngũ bảo vệ ngân hàng chúng tôi luôn cố gắng vượt qua những khó khăn trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho ngân hàng với một tinh thần lạc quan", anh Quân tươi cười chia sẻ.

Những giao dịch tại ngân hàng vẫn luôn tiếp diễn, tiền và tài sản được bảo đảm, an ninh, an toàn của khách hàng được bảo vệ, đây vừa là niềm vui hoàn thành nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào dành cho ông Bảy, anh Quân và những nhân viên bảo vệ ngân hàng khác.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vất vả nghề bảo vệ ngân hàng